(HNM) - Ngày 5-2, Bộ Y tế đã có Quyết định số 439/QĐ-BYT, ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút Zika gửi lãnh đạo Sở Y tế, các bệnh viện trong cả nước.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh do vi rút Zika nhưng có nguy cơ xâm nhập. Bệnh do vi rút Zika thường diễn biến lành tính, hiếm gặp những ca bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, vi rút Zika có thể gây hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ những người mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.
Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày, nhưng 60 - 80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không có triệu chứng lâm sàng. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như: Sốt (37,5 - 38 độ C), ban sẩn trên da, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt, có thể có biến chứng về thần kinh, viêm não màng não, hoặc hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ bà mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai. Hiện phương pháp điều trị chủ yếu với những ca mắc bệnh là điều trị triệu chứng, gồm nghỉ ngơi, hạ sốt bằng paracetamol (không sử dụng aspirin và các thuốc giảm đau NSAID ibuprofen, meloxicam, piroxicam…); uống đủ nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây, vệ sinh mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0.9%. Theo dõi các biểu hiện tổn thương thần kinh như yếu, liệt cơ…
Đối với phụ nữ có thai cần hội chẩn với chuyên Khoa Sản để theo dõi bất thường về thai nhi. Trẻ bị dị tật não bé hoặc có tiền sử mẹ nhiễm vi rút Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần, vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh (nếu có). Cách tốt nhất để phòng bệnh Zika hiện nay là diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.