“Bản giao hưởng” mùa vàng ở Xà Phìn
Thôn Xà Phìn (xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) nằm ở độ cao 1.000m so với mực nước biển, trên lưng chừng dãy Tây Côn Lĩnh - một trong những “nóc nhà” của khu vực miền núi phía Bắc.
Mặc dù chỉ cách thành phố Hà Giang hơn 20km, nhưng để lên Xà Phìn mất khá nhiều thời gian do đường sá nhỏ hẹp, quanh co. Bù lại, du khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ của mảnh đất biên cương trong suốt hành trình, để thấy đất nước mình còn nhiều điều tươi đẹp chờ khám phá.
Là một trong 4 thôn vùng cao của xã Phương Tiến, Xà Phìn có 53 hộ với khoảng 200 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Đến với Xà Phìn vào dịp tháng 10 này, du khách không khỏi choáng ngợp trước không gian bất tận của những thửa ruộng bậc thang vàng óng nối tiếp nhau ôm lấy những đỉnh đồi, sườn núi.
Toàn xã Phương Tiến có hơn 170ha lúa, trong đó có hơn 79ha ruộng bậc thang nằm ở 4 thôn vùng cao, gồm: Xà Phìn, Mào Phìn, Nà Màu và Nặm Tẹ.
Đứng giữa những bậc thang khổng lồ ấy, du khách càng khâm phục ý chí chinh phục thiên nhiên của người dân nơi đây khi biến những vùng núi đá thành những cánh đồng bát ngát chỉ bằng những công cụ lao động thô sơ và đôi bàn tay con người.
Điểm xuyết trên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn như sóng là những ngôi nhà mái rêu - dấu tích thời gian ngưng đọng qua hàng chục, thậm chí hàng trăm năm.
Trong khi nhiều thôn bản đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của quá trình đô thị hóa thì Xà Phìn vẫn còn giữ được hơn 40/53 ngôi nhà sàn bằng gỗ lợp mái cọ - lối kiến trúc truyền thống của đồng bào Dao.
Vào mùa lúa chín, những ngôi nhà mái rêu càng trở nên nhỏ bé, nằm lọt thỏm giữa đồng lúa vươn cao lên trời như những nốt nhạc trên khuông trong một bản giao hưởng hùng vĩ của thiên nhiên.
Do địa hình núi cao, nguồn nước hầu hết đều trông chờ vào lượng mưa tự nhiên nên mỗi năm bà con ở Xà Phìn chỉ thu hoạch được một vụ lúa.
Tuy vậy, nhờ không khí quanh năm mát mẻ nên Xà Phìn có lợi thế lớn trong việc trồng chè shan tuyết - loại cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Ở Xà Phìn hiện còn nhiều gốc chè shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cho chất lượng hảo hạng hơn các vùng khác.
Với những tiềm năng, thế mạnh đặc sắc về thiên nhiên và bản sắc văn hóa truyền thống được bảo tồn nguyên vẹn, Xà Phìn được tỉnh Hà Giang định hướng xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với phát triển du lịch.
Đến với Xà Phìn, du khách còn có thể trải nghiệm trekking xuyên rừng với độ dài 10km qua những cánh đồng lúa chín vàng...
... những cây chè shan tuyết cổ thụ hay những rừng vầu xanh mướt. Con đường trekking xuyên rừng từ xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) sang xã Phương Tiến (huyện Vị Xuyên) khá nhẹ nhàng, phù hợp với nhiều đối tượng khách bởi địa hình không quá phức tạp.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phương Tiến Cấn Văn Hiển, xã đang xây dựng một số sản phẩm du lịch có thế mạnh như: Sản phẩm du lịch gắn với tập quán canh tác trên ruộng bậc thang; trồng và chế biến chè; trải nghiệm đi bộ đường dài, khám phá rừng trà cổ thụ, rừng thảo quả và chinh phục đỉnh 2.000m trên dãy Tây Côn Lĩnh...
Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với đời sống văn hóa truyền thống, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc, như tái hiện các phong tục, nghi lễ truyền thống trong lễ cấp sắc, lễ cúng ruộng của người Dao; bảo tồn, phát triển các làn điệu dân ca, dân vũ phục vụ khách du lịch...
Hiện nay, thôn Xà Phìn có 6 hộ gia đình tham gia phát triển mô hình lưu trú homestay, được chính quyền địa phương hỗ trợ hoàn thiện các công trình vệ sinh, bếp ăn, chỉnh trang nhà cửa và mua sắm các trang thiết bị phục vụ khách du lịch.
Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hà Giang Đặng Quốc Sử, thời gian qua, trung tâm đã hỗ trợ người dân và chính quyền xã tăng cường liên kết với các địa phương và các doanh nghiệp lữ hành nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Xà Phìn.