Chính trị

Bàn giải pháp nâng cao sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc

Nguyên Hoa 17/10/2024 - 20:15

Chiều 17-10, trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, các đại biểu đã chia thành 5 trung tâm thảo luận đóng góp vào các văn kiện của Đại hội.

img_0794-1-.jpg
Quang cảnh tại tổ thảo luận số 1. Ảnh Hiền Phương

“Dân là gốc” trong công tác Mặt trận

Tại 5 tổ thảo luận, các đại biểu tập trung thảo luận sâu hơn về nội dung Chương trình 4 “Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”.

Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Túc đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nhân dân và đề xuất, dự thảo Báo cáo chính trị cần quán triệt bài học dân là gốc trong công tác Mặt trận.

img_0787.jpg
Đại biểu tham gia thảo luận. Ảnh Hiền Phương

Đề xuất giải pháp phát huy trí tuệ của người Việt Nam trong và ngoài nước, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, Mặt trận phải phát huy được trí tuệ của toàn dân tộc một cách hiệu quả hơn nữa để đóng góp cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải là một trong những kênh thu hút nhân tài để thực hiện sứ mệnh đó, phải tập hợp được “nguyên khí của quốc gia” trong Mặt trận; cần đẩy mạnh tư vấn với Đảng, Nhà nước, phản biện, góp ý xây dựng chính sách để thực hiện được mục tiêu đó; đẩy mạnh các phong trào, khuyến khích người dân, đặc biệt là người trẻ tích cực học tập”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đề xuất.

Các đại biểu cũng khẳng định, là một trong những chương trình hành động mới, lần đầu tiên được đề cập tại Đại hội Mặt trận, Chương trình 4 “Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc” rất phù hợp với thời điểm hiện tại và tương lai.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu Trần Văn Út cho rằng: “Để thực hiện tốt chương trình hành động này, nhiệm kỳ tới cần nhấn mạnh việc phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của mỗi thành viên, gia đình, khu dân cư. Trong đó, đặc biệt quan tâm, củng cố việc duy trì sinh hoạt thường xuyên của các mô hình ở địa phương”.

Nâng cao chất lượng hoạt động

Nâng cao năng lực giám sát, phản biện xã hội và trình độ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiệm kỳ tới là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

img_0795.jpg
Đại biểu tổ thảo luận số 1 góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội. Ảnh Hiền Phương

Lấy ví dụ từ kinh nghiệm thực tiễn của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, đại biểu Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho rằng, có 2 vấn đề được xem là bài học kinh nghiệm bước đầu của Hiệp hội trong quá trình tham gia giám sát, phản biện xã hội. Một là, nội dung phản biện, góp ý xây dựng chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn để ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. Hai là, đề cao trách nhiệm và tính xây dựng trong xây dựng chính sách và phản biện xã hội, kiên trì, bền bỉ, theo dõi, lắng nghe, tập hợp ý kiến của hội viên, nhất là trong việc lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên.

Từ ví dụ trên, đại biểu Nguyễn Văn Đệ cho rằng, phản biện chính sách không để “gây bão” dư luận hay “dậy sóng” hội nghị, mà phải có căn cứ khoa học và thực tiễn, trên tinh thần xây dựng.

Góp ý vào Chương trình 6 “Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung phương thức hoạt động; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp”, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam Nguyễn Quang Huân kiến nghị, nội dung của Chương trình 6 cần nhấn mạnh vai trò và nâng cao năng lực cho của đội ngũ cán bộ Mặt trận cấp cơ sở để thích ứng với yêu cầu thời kỳ mới. Bởi đây là những người gần dân nhất, có nhiều điều kiện, cơ hội lắng nghe dân và truyền tải đến với Đảng, Nhà nước.

Nhấn mạnh việc nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ Mặt trận trong thời gian tới, đại biểu Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An chia sẻ, với vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, Mặt trận Tổ quốc phải nhận thấy rõ sứ mệnh tiên phong của mình trong công cuộc chuyển đổi số, bởi chuyển đổi số là giải pháp tất yếu, để đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận, khắc phục tình trạng hành chính hóa. Nghệ An đã bắt đầu hành trình này với tâm thế tiên phong, quyết tâm đưa Mặt trận đến gần hơn với nhân dân, với phương châm “Hướng mạnh về cơ sở, lắng nghe tiếng dân, hành động vì dân” và lấy Nghị quyết số 52-NQ/TƯ của Bộ Chính trị làm kim chỉ nam, với mục tiêu đến năm 2025, “cơ bản hoàn thành chuyển đổi số”. Vì vậy, mục tiêu của đại hội lần này cần đề ra là 100% địa phương thực hiện chuyển đổi số trong công tác Mặt trận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bàn giải pháp nâng cao sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.