Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội giao ban quý III-2020

Nguyễn Mai - Ảnh: Bá Hoạt| 11/09/2020 09:15

(HNMO) - Sáng 11-9, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” tổ chức hội nghị giao ban quý III-2020. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU chủ trì hội nghị.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, hội nghị tập trung vào 3 nội dung chính: Bàn công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị liên kết "4 nhà" (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp) dự kiến diễn ra cuối tháng 9-2020; kết quả triển khai xây dựng “Đề án thí điểm xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô” và kết quả triển khai xây dựng “Đề án nghiên cứu khoa học xây dựng nội dung chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, cụ thể hoá triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII, Đảng bộ thành phố Hà Nội”. Hội nghị mong muốn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cơ quan chức năng tham mưu, đóng góp ý kiến để thực hiện các nội dung trên trong thời gian tới. 

Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, công tác xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân đã đạt những kết quả nổi bật. 

Thành phố đã có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 355 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 92,9% số xã), 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, thu nhập của người dân khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cuối năm 2019 trên địa bàn thành phố đạt 88,3%, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm, còn 0,69%; sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội dần khẳng định thương hiệu để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện và tiêu thụ sản phẩm OCOP…

Tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, về tiến độ triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2020-2025, thực hiện nhiệm vụ được giao, Học viện đã xây dựng kế hoạch, tập trung vào phân tích thực trạng, xây dựng chiến lược nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, thể chế và chính sách… cho nông nghiệp và nông thôn Thủ đô.

Đồng thời, Học viện xây dựng khung cho đề án Chương trình số 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới Hà Nội theo hướng xanh, an toàn và bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng 2026-2030, tầm nhìn 2050.

Về tiến độ triển khai Đề án thí điểm xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho biết: Hội đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) và xã Hồng Vân (huyện Thường Tín). Mục tiêu đề án hướng tới phát triển nông thôn Thủ đô bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, có kinh tế - xã hội phát triển, khoa học công nghệ 4.0 được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, môi trường sinh thái trong lành, bản sắc văn hóa đặc trưng của từng làng quê được giữ gìn và phát huy, an ninh trật tự được bảo đảm, quản trị nông thôn từng bước được nâng cao…

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đã xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức Hội thảo liên kết "4 nhà" về xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội… 

Dự kiến, hội thảo sẽ tổ chức vào cuối tháng 9-2020 với những nội dung: Đánh giá thực trạng; trưng bày, giới thiệu thành tựu nghiên cứu khoa học, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về ứng dụng công nghệ trong xử lý môi trường đã và đang được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội; đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện đối với từng lĩnh vực…

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhận xét: "Từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song toàn thành phố Hà Nội đã nỗ lực rất lớn, đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, Hà Nội đã huy động sự chung sức của nhiều nhà khoa học trong xây dựng nông thôn mới như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hội Nữ trí thức Hà Nội…".

Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu thực hiện các nội dung: Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân và hoàn thành mục tiêu có 1.000 sản phẩm OCOP. Cụ thể, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp đạt 4,12%; có thêm ít nhất 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới để đến cuối năm 2020 có ít nhất 10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn lên 368/382 xã (chiếm 96,6%) và 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lên 23 xã. 

Đối với đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô, yêu cầu Hội Nữ trí thức Hà Nội bổ sung thêm giải pháp, cơ chế chính sách về nguồn lực, nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử, văn hóa của địa phương…

Dự thảo đề án chuyển cho các sở, ngành để xin ý kiến góp ý, sớm hoàn thành, trình UBND thành phố phê duyệt trên tinh thần nổi bật việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thực sự mẫu mực, sáng tạo và lan tỏa.

Đối với đề tài nghiên cứu khoa học thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2020-2025, đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội đồng chủ trì với Học viện Nông nghiệp. Đề tài nghiên cứu trên cơ sở định hướng quy hoạch Thủ đô, một số huyện sẽ phát triển thành quận, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây đặc sản có giá trị cao; xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiệm cận với tiêu chí đô thị; nâng cao đời sống nông dân mang tính bền vững, chú trọng giải quyết việc làm, kéo gần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Đề tài là bộ khung để Thành ủy Hà Nội triển khai Chương trình 02 giai đoạn 2020-2025.

"Chương trình số 02-CTr/TU vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025 nhưng đòi hỏi cao hơn. Hà Nội hướng tới mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 100% xã, huyện; 40% xã nông thôn mới nâng cao; 20% xã nông thôn mới kiểu mẫu; 5 huyện phát triển thành quận", đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội giao ban quý III-2020

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.