Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bám sát đời sống xã hội

Quỳnh Phạm| 09/01/2011 06:54

(HNM) - Đổi mới công tác xét chọn công trình tham dự giải thưởng, huy động các nhà khoa học uy tín vào việc thẩm định, tặng học bổng nước ngoài cho những sinh viên (SV) đoạt giải nhất... Đó là điểm nhấn đáng nhớ của hoạt động nghiên cứu khoa học trong SV năm 2010.

Nhiều công trình có tính ứng dụng cao

Điều đầu tiên mà Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ GD-ĐT) Tạ Đức Thịnh nhắc tới, khi nói về hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của SV trong năm 2010, là những điểm mới trong quá trình xét chọn công trình nghiên cứu. Bộ GD-ĐT không phân cấp cho 2 ĐH quốc gia tổ chức đánh giá, xét chọn và xếp giải các công trình của các trường thành viên, không ủy quyền cho các đơn vị tổ chức đánh giá, xét giải khuyến khích theo quy trình đánh giá những năm trước của bộ. Thay vào đó, các trường ĐH, học viện đã tổ chức cho SV thực hiện và báo cáo kết quả nghiên cứu ở cấp trường, xét chọn các đề tài có kết quả tốt nhất để gửi tham dự giải. Điểm mới này, theo Vụ trưởng Vụ KHCN Tạ Đức Thịnh là "để bảo đảm mặt bằng chất lượng của giải thưởng".

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đã mang tính thiết thực, có khả nămg ứng dụng cao. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội kiểm tra kết quả phương pháp ghép quả trên cây cam đường.  Ảnh: TTXVN

Năm 2010, có 389 trong số hàng chục nghìn công trình NCKH của 93 trường ĐH, học viện trong cả nước được gửi tham gia giải thưởng "Sinh viên NCKH". Gần 800 lượt giảng viên, nhà khoa học, quản lý thuộc 60 trường, viện nghiên cứu đã được huy động để đánh giá chất lượng các công trình này. Để lựa chọn được những công trình thực sự xứng đáng trao giải nhất, năm thứ hai liên tiếp Bộ GD-ĐT thành lập các hội đồng khoa học chuyên ngành, với sự tham gia của các nhà khoa học giỏi, để đánh giá các công trình có kết quả chấm trung bình từ 8,5 điểm trở lên.

Theo đánh giá của các chuyên gia, giải thưởng "Sinh viên NCKH" năm nay quy tụ rất nhiều công trình NCKH có tính sáng tạo, có khả năng triển khai ứng dụng. Một số công trình đề cập vấn đề thời sự mà xã hội rất quan tâm, thể hiện niềm đam mê khám phá tri thức và đặc biệt là mong muốn những gì mình làm ra được ứng dụng vào thực tế, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Công trình "Tái hiện mạng lưới trao đổi chất bằng phương pháp khai phá dữ liệu" của SV Nguyễn Tô Sơn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, được hội đồng đánh giá là có cách tiếp cận rất sáng tạo, thông minh và trước đây chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập đến vấn đề này. Với ý tưởng chế tạo mẫu xe du lịch 2 chỗ sử dụng năng lượng sạch chạy trong thành phố, công trình "Thiết kế xe năng lượng xanh SC4" của nhóm SV Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng (đứng đầu là Tạ Ngọc Thiên Bình) có ý nghĩa thực tiễn cao, nhận được sự chú ý từ hội đồng. "Tách dòng, biểu hiện gene mã hóa enzyme Xylanase từ nấm mốc Aspergillus niger và E.Coli và bước đầu biểu hiện trong Arabidopsis Thaliana" của SV Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, là công trình thực sự có ý nghĩa, mở ra hướng nghiên cứu và ứng dụng sản xuất nhiên liệu bằng con đường sinh học. Công trình này đã được hội đồng nhất trí đề nghị Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao tặng Giải thưởng WIPO năm 2010...

Xe năng lượng xanh SC4 do sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng lắp ráp. Ảnh: Lê Hải

Khuyến khích SV bằng học bổng tại nước ngoài

Theo Vụ trưởng Tạ Đức Thịnh, sau 20 năm hình thành và phát triển, hoạt động NCKH của SV không thuần túy mang tính phong trào như những năm chín mươi của thế kỷ trước, mà đã trở thành nhu cầu nội tại của SV, nhất là đối với những SV khá, giỏi. Hoạt động này càng có ý nghĩa thực tế đối với SV hơn, khi các giải nhất là cơ sở để xét chọn cấp học bổng sau ĐH ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Các hội đồng đã xem xét kỹ lưỡng chất lượng các công trình và chọn 12 trong tổng số 15 SV đạt giải nhất đủ điều kiện được cấp học bổng.

Tại lễ trao thưởng, Thứ trưởng Trần Quang Quý nhận định, giải thưởng "Sinh viên NCKH" đã thực sự trở thành sân chơi khoa học lớn và có uy tín. Tuy nhiên, giải thưởng vẫn còn có hạn chế về chất lượng, sức lan tỏa ra các trường ngoài công lập. Trong thời gian tới, công tác quản lý, nâng cao chất lượng giải thưởng cần được đổi mới hơn nữa. Trong tháng 3-2011, Bộ GD-ĐT sẽ tổng kết 21 năm giải thưởng "Sinh viên NCKH" để tìm ra các giải pháp, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho SV tham gia NCKH. Nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động này, bộ sẽ sửa đổi quy chế, đổi mới quy trình tổ chức giải thưởng và mở rộng đối tượng dự thi cho các giảng viên trẻ. Giải thưởng "Sinh viên NCKH" sẽ được đổi tên thành giải thưởng "Tài năng khoa học trẻ Việt Nam", tạo một sân chơi mới cho cả các giảng viên trẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bám sát đời sống xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.