(HNMCT) - Nếu nghĩ rằng Bali (Indonesia) chỉ là “thiên đường sống ảo” của giới trẻ quốc tế với những địa điểm check-in quen thuộc trên các trang mạng xã hội thì bạn đã nhầm. Đấy mới chỉ là một trong số nhiều mảnh ghép làm nên bức tranh du lịch sinh động của hòn đảo này.
Đến và trải nghiệm
Bali có tiềm năng về du lịch biển đảo vô cùng đặc sắc, đa dạng. Ở Bali, có rất nhiều bãi biển, vịnh, đảo đẹp để du khách thỏa thích tắm biển, lướt sóng, lặn ngắm san hô... Nhưng du khách đừng quên đăng ký một tour ngắm cá heo trên biển Lovina hứa hẹn mang lại những trải nghiệm bất ngờ, độc đáo.
Nằm ở phía Bắc của đảo Bali, thị trấn Lovina khá thanh bình với những khách sạn, resort hướng ra biển. Du khách nên lưu lại đây một đêm để hôm sau dậy sớm và bắt đầu cuộc hành trình. Từ 5 - 6h sáng, những chiếc tàu juking hai càng đã đợi du khách ngoài bãi biển. Tàu juking trông như những con tôm biển lớn, có phần thân hẹp, dài được làm bằng nhựa composite cùng hai chiếc càng lớn cách hai bên mạn thuyền khoảng 0,5m sẽ giúp giữ tàu cân bằng trước những con sóng lớn. Mỗi tàu chở tối đa 5 - 6 người. Nơi đàn cá heo thường tới kiếm ăn cách bờ khoảng 30 phút đi tàu. Ngay từ sáng sớm, hàng chục chiếc tàu juking chở du khách đã chạy trên mặt biển, chờ những đàn cá heo bơi tới kiếm ăn.
Dường như đã quá quen với những vị khách hiếu kỳ, đàn cá heo ở biển Lovina vẫn vô tư bơi lội, thậm chí, chúng còn phấn khích trước tiếng cười nói lao xao của con người mà nhảy lên khỏi mặt nước như để tỏ lòng hiếu khách. Những chiếc tàu lượn vòng trên mặt biển. Dường như đã quá quen với thói quen, luồng bơi của những chú cá heo, những chủ tàu người Indonesia có thể đoán từ xa nơi nào đoàn cá sắp nổi. Chỉ cần một chút biến động trên mặt nước, ngay lập tức, họ sẽ điều khiển chiếc juking tới gần để du khách có thể tận mắt ngắm nhìn những chú cá heo xanh nhảy lên cao hoặc bơi sát mạn thuyền. Vùng biển này có nhiều rạn san hô đẹp, nước biển êm đềm nên nhiều du khách nước ngoài lắp chân vịt, ống thở để bơi lặn cạnh tàu ngắm đàn cá heo tung tăng bơi lội bên dưới.
Sau buổi sáng, du khách sẽ tiếp tục ngồi trên những chiếc xe cổ đầy màu sắc để tới thăm ngôi làng Penglipuran truyền thống ở Kubu (huyện Bangli). Ngôi làng này nằm dưới chân khu vực núi Batur, ở độ cao 700m so với mực nước biển nên khí hậu rất mát mẻ. Theo người dân nơi đây, làng Penglipuran được hình thành hơn 700 năm trước. Từ những năm 1970 đến nay, dân số trong làng duy trì khoảng 1.100 người, với 277 gia đình. Các gia đình ở đây đều chung sống kiểu “tam đại đồng đường” trong một khu đất rộng với ngôi nhà lớn cho đại gia đình, những ngôi nhà nhỏ của các con cháu, căn bếp và không thể thiếu là 1 ngôi đền là nơi thờ các vị thần linh và tổ tiên, được ngăn cách bằng cánh cổng candi bentar - cầu nối giữa thế giới tâm linh với thực tại, giữa sự sống và cái chết.
Làng Penglipuran được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1970. Suốt nhiều thập niên qua, nơi đây vẫn giữ được vẻ thanh bình vốn có cùng những ngôi nhà có kiến trúc truyền thống được bảo tồn, gìn giữ hàng trăm năm. Người dân làng Penglipuran vẫn duy trì tục dâng hoa, lễ trước cổng nhà, trong khu đền của gia đình và cầu nguyện 3 lần mỗi ngày. Dù không nhiều người biết giao tiếp bằng tiếng Anh nhưng họ luôn niềm nở chào đón các vị khách. Một số gia đình sinh sống bằng nghề bán đồ thủ công truyền thống là những chiếc vòng gỗ, hoa tai xinh xắn hay những vật dụng mang hình ảnh biểu tượng của Bali. Có gia đình chuyên bán ngô, các loại hạt hay cà phê. Không ít du khách bị thu hút bởi các mặt hàng dệt vải, thêu tay thủ công đầy tinh xảo. Chính bởi bản sắc văn hóa truyền thống được bảo tồn và thấm đẫm trong nhịp sống nơi đây nên lượng du khách tới làng Penglipuran ngày càng tăng. Theo một hướng dẫn viên bản địa, cao điểm mỗi ngày ngôi làng này thu hút hơn 1 nghìn du khách đến thăm.
Du khách Việt là thị trường chính
Kể từ sau dịch, lượng du khách Việt có nhu cầu đi du lịch trở lại đã chọn Bali là điểm đến tăng khá mạnh. Một phần nguyên nhân là bởi từ năm 2020, Hãng hàng không Vietjet Air đã mở đường bay thẳng Hà Nội - Bali nên đã rút ngắn thời gian di chuyển từ 8 tiếng xuống 4 tiếng, đồng thời giúp hành khách tiết kiệm 25% chi phí, từ đó góp phần kích cầu du lịch. Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch ANZ Việt Nam, một trong những đơn vị tham gia Liên minh VivuBali, việc chi phí vé máy bay giảm đã giúp giá thành tour giảm, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo du khách. Do vậy, chỉ riêng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lượng khách Việt Nam đến Bali đã tăng 200%. “Đây là dấu hiệu đáng mừng với các công ty du lịch outbound” - bà Hằng nói.
Đánh giá cao về mức tăng trưởng lượng khách Việt Nam đến Bali, ông Sulaiman Shedek, Phụ trách Văn phòng xúc tiến du lịch Indonesia cho biết: “Kể từ giữa năm 2022 đến nay, số lượng khách du lịch Việt Nam sang Bali đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Du khách Việt Nam có sự tương đồng về văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán với Indonesia, do đó, họ yêu thích Bali theo cách hết sức tự nhiên. Chúng tôi rất vui khi thấy khách Việt Nam đến Bali ngày một nhiều. Các bạn là những du khách tuyệt vời, có mức chi tiêu cao và khá dễ tính. Chúng tôi mong đón được nhiều đoàn khách Việt Nam hơn trong tương lai”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.