(HNM) - Việc đề xuất, điều chỉnh quy hoạch đất lúa, chuyển đổi một phần đất trồng lúa sang trồng các cây, nuôi con khác... được coi là giải pháp đột phá trong tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán khó đối với nhiều địa phương.
Một mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Anh Tuấn |
Còn nhiều vướng mắc
Là một trong những hộ đầu tiên của xã tiến hành thuê ruộng bị bỏ hoang do cấy lúa kém hiệu quả, đến nay, gia đình chị Ngô Thị Thoa ở xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) đã có một trang trại chăn nuôi cá, vịt cho hiệu quả kinh tế cao. Chị Thoa cho biết, đây là vùng ruộng trũng, cấy lúa thường bị ngập nên giá trị sản xuất thấp. Khi thuê lại ruộng, gia đình đã đầu tư khoảng 600 triệu đồng để xây dựng mô hình trang trại. Hiện gia đình muốn mở rộng sản xuất, nhưng vướng mắc bởi quy định sử dụng đất lúa.
Theo quy định mới ban hành, chuyển đất lúa sang nuôi trồng thủy sản không được phép hạ thấp độ sâu của mặt bằng dưới 1,2m và phải phục hồi được nguyên trạng khi quay lại gieo cấy lúa. Đây là yêu cầu không sát thực tế bởi điều kiện nuôi thủy sản khác hoàn toàn so với cấy lúa.
Trong khi đó, chỉ được sử dụng tối đa 20% diện tích để hạ thấp mặt bằng nhưng lại không quy định rõ phạm vi nên không có căn cứ xác định diện tích nuôi thủy sản. So với cấy lúa, mô hình nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn, song nếu những quy định về đất lúa còn ràng buộc như hiện nay thì việc chuyển đổi, mở rộng sản xuất sẽ gặp khó khăn.
Cũng cho rằng một số quy định chuyển đổi đất lúa chưa sát thực tế, ông Đỗ Văn Hà, xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức) chia sẻ việc chỉ đề cập đến chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản và cây lâu năm mà không nói đến xây dựng chuồng trại chăn nuôi là bất cập, vì gia đình muốn phát triển chăn nuôi đa canh để tạo nguồn sản phẩm phong phú phục vụ thị trường.
Để tháo gỡ khó khăn, tháng 11-2017, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 19/2017/TT-BNNPTNT, hướng dẫn chi tiết về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. So với Thông tư 19/2016/TT-BNNPTNT trước đó, thông tư mới đã nới lỏng nhóm đối tượng chuyển đổi.
Ngoài trồng cây hằng năm và trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản, người dân được phép trồng thêm cây lâu năm. Mặc dù phần nào tháo gỡ những hạn chế của thông tư cũ nhưng thông tư mới vẫn có nhiều bất cập cần phải xem xét khi không có quy định cụ thể về vùng sản xuất và bỏ qua nội dung xây dựng công trình mới trên đất chuyển đổi.
Cụ thể, thông tư mới nêu rõ: Nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm là phải chuyển đổi theo vùng để hình thành các vùng sản xuất tập trung và bảo đảm phục hồi được mặt bằng khi chuyển trở lại trồng lúa; việc chuyển đổi phải bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có, phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, không chỉ riêng Hà Nội, mà hầu hết các tỉnh, thành phố, trong suốt quá trình phát triển nông nghiệp gần 40 năm qua, hạ tầng nông nghiệp nông thôn đều tập trung cho cây lúa và chế biến lúa gạo. Nếu không có quy định cụ thể về vùng sản xuất và bỏ qua nội dung xây dựng công trình mới trên đất chuyển đổi sẽ là khó khăn đối với các địa phương, bởi việc chuyển đổi cần gắn với hạ tầng kỹ thuật sản xuất.
Cần thực hiện thận trọng
Theo thống kê của Sở NN& PTNT Hà Nội, hiện nay, Hà Nội có diện tích gieo cấy lúa hằng năm hơn 200.000ha. Mặc dù rất tích cực đưa những giống lúa mới vào sản xuất, song so với nhiều cây trồng khác giá trị kinh tế đem lại từ cây lúa vẫn thấp hơn. Để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp đô thị sinh thái ứng dụng công nghệ cao, Hà Nội cần có những bước chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những cây, con có giá trị vào sản xuất.
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho rằng, để có được nền nông nghiệp hiện đại thì cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giúp nông dân và doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, đặc biệt là vấn đề chuyển đổi đất lúa. Trong năm 2018, Chương Mỹ dự kiến chuyển đổi hơn 123ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác, năm 2019 sẽ là 40ha.
Với Thạch Thất, vốn là huyện đi đầu thành phố về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đến nay đã có nhiều mô hình chuyển đổi cho giá trị kinh tế cao. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, nhu cầu chuyển đổi đất trồng lúa sang các cây, con phù hợp được sản xuất theo chuỗi, giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện trong những năm tới là rất lớn. Cụ thể, năm 2018, huyện dự kiến chuyển đổi 960ha; năm 2019 là 227ha và năm 2020 là 237ha.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Để giúp các địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dựa vào hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT Hà Nội cùng các địa phương rà soát, thống kê nhu cầu chuyển đổi đất lúa và phối hợp với sở, ngành liên quan trình UBND thành phố để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn lưu ý các địa phương, việc chuyển đổi đất lúa phải thực hiện thận trọng, không nên làm ồ ạt và cần tính toán "đầu ra" cho nông sản. Với một số nội dung trong quy định chuyển đổi đất trồng lúa chưa phù hợp với thực tế sản xuất, các địa phương có thể linh hoạt áp dụng nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật; chuyển đổi đất lúa phải đi liền với bảo vệ đất lúa...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.