Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài toán khó: hậu thu hồi đất

Nguyễn Mai| 03/08/2010 07:40

(HNM) - Thôn Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp (Quốc Oai) là một vùng quê thuần nông. Năm 2001, theo chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông dân


Sau chuyện nông dân "giàu đột xuất"

Ông Nguyễn Doãn Tươi, thôn Đồng Bụt cho biết: gần 10 năm sau khi bị thu hồi 80% diện tích đất canh tác, đời sống gia đình ông đang lâm vào cảnh khó khăn. Năm 2001, sau khi Nhà nước thu hồi 4 sào ruộng với giá đền bù, hỗ trợ 22 triệu đồng/sào, gia đình ông phấn khởi có gần 90 triệu đồng đủ xây nhà 2 tầng khang trang. Dồn hết số tiền để xây nhà nên gia đình ông không có vốn đầu tư phát triển kinh tế. Không có việc làm, ông Tươi phải xoay sang làm vàng mã. Hoàn cảnh khó khăn, nhưng gia đình ông Tươi không được xếp vào diện hộ nghèo để được vay vốn ưu đãi sản xuất. Theo UBND xã, quy định hộ nghèo với mức thu nhập dưới 450 nghìn đồng/người/tháng và nhà ở xuống cấp, dột nát là chưa sát thực tế. Về tiêu chí thu nhập thì gia đình ông Tươi thuộc diện hộ nghèo nhưng với căn nhà hai tầng đang ở thì không đủ tiêu chí hộ nghèo. Anh Nguyễn Tiến Trà, cán bộ văn phòng xã Ngọc Liệp thừa nhận ở Đồng Bụt có nhiều hộ dân sau thu hồi đất, sử dụng tiền đền bù không hợp lý nên lâm vào cảnh thiếu việc làm, thu nhập thấp. Ông Đỗ Doanh Mẫu cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Sau khi Nhà nước đền bù thu hồi 100% đất nông nghiệp một thời gian, ông phải chuyển sang đan đó đánh tôm, tự mình rơi vào cảnh nghèo.

Chủ nhiệm HTX nông nghiệp thôn Đồng Bụt Nguyễn Huy Hiếu cho biết: Cả thôn có 408/618 hộ thuộc diện thu hồi đất. Hộ nhiều Nhà nước thu hồi 100% diện tích, hộ ít nhất trên 30%. Số tiền đền bù chỉ có khoảng 40% người dân sử dụng hiệu quả vào việc chuyển đổi nghề như kinh doanh dịch vụ, phát triển chăn nuôi, 40% số hộ đầu tư vào xây, sửa nhà cửa và 20% số hộ chi tiêu mua sắm, có trường hợp ném vào cờ bạc. Nếu như năm 2006, toàn thôn có 40 hộ nghèo thì năm 2007 tăng lên 60 hộ và hiện nay là 87 hộ (chiếm 14% tổng số hộ của thôn). Nhiều hộ đang có nguy cơ tái nghèo do không có việc làm, tệ nạn xã hội bắt đầu xuất hiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương.

Những lời hứa… gió bay

Cùng với việc sử dụng tiền đền bù không hiệu quả, những khó khăn trong đời sống người dân Đồng Bụt còn xuất phát từ việc không có việc làm. Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Liệp Đỗ Văn Gốc cho biết: Trước khi thu hồi đất, nhiều doanh nghiệp hứa hẹn sẽ tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc, nhưng thực tế số lao động được tuyển dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có cả nghìn lý do khi DN từ chối tuyển nông dân địa phương như: Lao động phải tốt nghiệp THPT trở lên, có tay nghề, độ tuổi không quá 35… Vì vậy, nhiều người dân chỉ còn biết "ngậm bồ hòn làm ngọt". Con trai lớn ông Nguyễn Doãn Tươi 24 tuổi không xin nổi việc làm vì chưa tốt nghiệp THPT. Theo ông Nguyễn Huy Hiếu, khi các DN mới đi vào hoạt động, toàn thôn có khoảng 80 thanh niên được nhận vào làm việc thì nay giảm xuống còn 20 người do bị loại dần hoặc trả lương quá thấp, người lao động tự bỏ việc.

Vấn đề đáng nói hiện nay là DN chưa phối hợp với địa phương để đào tạo nghề nên chất lượng lao động không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đối với những lao động ngoài 35 tuổi cơ hội tìm việc làm hầu như không có. Trong khi đó, việc nhân cấy nghề về địa phương lại chưa thành công. Cách đây 2 năm, huyện Quốc Oai mở lớp truyền nghề mây, giang đan cho xã Ngọc Liệp nhưng "thầy về thì nghề cũng đi" do không có thị trường tiêu thụ, vật tư phục vụ sản xuất không sẵn, không có người đứng ra làm đầu mối thu gom…

Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở Đồng Bụt là cần thiết. Tuy nhiên, cùng với việc chuyển đổi cần có định hướng cho người dân sử dụng số tiền được đền bù đầu tư vào sản xuất, tránh tiêu xài lãng phí. Mặt khác, công tác đào tạo, nhân cấy nghề mới cần có sự tính toán kỹ lưỡng vừa phù hợp với điều kiện và nhu cầu của người dân vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, cần có biện pháp đối với các DN không thực hiện cam kết sử dụng lao động như đề án ban đầu, nhất là những đơn vị vụ lợi từ việc thuê đất…

40.000 lao động nơi thu hồi đất không chuyển được nghề
Thống kê mới nhất của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội: Toàn thành phố có khoảng 40.000 lao động nơi thu hồi đất không chuyển đổi được nghề rơi vào cảnh không có việc làm. Mặc dù thành phố đã có những giải pháp hỗ trợ ưu tiên giải quyết việc làm cho những lao động này, cụ thể năm 2009, giải quyết việc làm cho 128.640 lao động, trong đó có 7.600 lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, song con số này còn quá nhỏ so với nhu cầu thực tế.


Minh Phú
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài toán khó: hậu thu hồi đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.