(HNM) - Năm 2009 tưởng như là năm buồn với bóng bàn Việt Nam, nhất là sau thất bại của đội nam tại nội dung đồng đội ở SEA Games 25. Thế nhưng sự tỏa sáng bất chợt của bộ đôi Kiến Quốc - Quang Linh khi đánh bại các tay vợt Xingapo để sau đó đoạt HCV SEA Games 25 đã khiến nỗi buồn trở thành niềm vui vô bờ.
Bóng bàn Việt Nam có lẽ sẽ phải mất một thời gian dài để tìm người thay thế tay vợt Đoàn Kiến Quốc.
Thắng rồi lo Nếu bóng bàn nữ Việt Nam từ thời Ngô Thu Thủy nghỉ thi đấu ở đội tuyển quốc gia không còn tay vợt nào khả dĩ để tranh tài tại các giải quốc tế, nhất là ở khu vực Đông Nam Á, thì đội tuyển nam may mắn hơn vì luôn có đầu tàu. Sau Trần Tuấn Anh bóng bàn nam Việt Nam đã có một Vũ Mạnh Cường thay thế xứng đáng thậm chí thành tích tại khu vực Đông Nam Á còn tốt hơn với 2 HCV đơn nam và đôi nam - nữ. Sau khi Vũ Mạnh Cường nghỉ thi đấu, đội nam lại có Đoàn Kiến Quốc làm đầu tàu. Hai lần được tham dự Olympic trong đó có một lần vào vòng 2 (Olympic 2008) và gần đây nhất là đoạt HCV đôi nam tại SEA Games 25 - Đoàn Kiến Quốc xứng danh là tay vợt số 1 Việt Nam trong vài năm gần đây. Nhưng hiện tại khi Kiến Quốc đã qua tuổi 30, khả năng thi đấu cường độ cao ở các giải đấu đã có phần suy giảm thì việc tìm người để gửi gắm hy vọng như đã từng làm với Đoàn Kiến Quốc lại trở nên nan giải với các nhà quản lý chuyên môn bóng bàn Việt Nam.
Tay vợt Quân đội Đinh Quang Linh (còn có biệt danh Linh "muối"), người đứng cặp với Đoàn Kiến Quốc để làm nên cuộc lật đổ các tay vợt Xingapo ngoạn mục ở SEA Games 25 từng có lúc được kỳ vọng sẽ thay thế xứng đáng đàn anh Kiến Quốc tại đội tuyển quốc gia. Chính xác là cách đây hơn 2 năm trước sau giải vô địch quốc gia. Khi đó, Đoàn Kiến Quốc không dự giải vì chấn thương. Nhân dịp này Đinh Quang Linh liên tục đả bại các đàn anh tại đội tuyển quốc gia như Nam Hải, Tuấn Quỳnh để lên ngôi vô địch đơn nam một cách thuyết phục. Nhưng cả năm 2009, Quang Linh chững hẳn về phong độ đến nỗi khi lên đội tuyển quốc gia HLV trưởng Lê Xuân Phong (cũng là HLV ở đội Quân đội) cũng không dám xếp Linh thi đấu đồng đội, dù chỉ là vị trí thứ yếu. Ngày đội tuyển quốc gia thất bại ở trận đấu vòng bảng quyết định vị trí nhất bảng với Thái Lan tại SEA Games 25, chính HLV Lê Xuân Phong đã thừa nhận: "Lực lượng đội nam có vậy thôi. Nhiều lúc cũng muốn đôn Quang Linh lên vị trí của Nam Hải hoặc Tuấn Quỳnh nhưng phong độ của Linh trong cả năm 2009 không ổn định nên không dám liều". Sau này kể cả khi Linh cùng Kiến Quốc đánh bại đôi Gao Ninh - Yang Zi ở bán kết đôi nam SEA Games 25, cũng HLV Lê Xuân Phong phải bất ngờ vì phong độ của học trò. Hôm đó Linh đánh như "lên đồng với 150% phong độ"- như nhận xét của HLV Lê Xuân Phong, hất bóng trong bàn, đôi công xa bàn đều thành công. Nhưng để làm được những điều ấy, cả Kiến Quốc và Quang Linh đều thoải mái về tâm lý với thế cửa dưới nên không bị căng thẳng, chịu nhiều áp lực như đôi của Xingapo. Nếu gặp tình huống khác, cả hai khó lặp lại phong độ xuất thần như ở trận trên.
Mà điều làm nên danh tiếng của một tay vợt lại là sự ổn định phong độ cao trong thời gian dài. Điều này lại đang thiếu ở những tay vợt trẻ Việt Nam, thuộc lớp kế thừa cho những Đoàn Kiến Quốc hay Trần Tuấn Quỳnh. Thực tế Quang Linh cũng không còn trẻ (đã 25 tuổi) để hy vọng vào sự tăng tiến mạnh mẽ về trình độ. Nếu giờ đây Kiến Quốc chia tay đội tuyển quốc gia, vai trò số 1 tại đội tuyển sẽ khó có người thay thế xứng đáng.
Giải pháp Từ nhiều năm nay, bóng bàn Việt Nam không muốn chỉ có Đoàn Kiến Quốc hay Nguyễn Nam Hải, Trần Tuấn Quỳnh mà còn muốn nhiều tay vợt tài năng hơn nữa và càng trẻ càng tốt. Gần đây mới chỉ có một Đinh Quang Linh phần nào đáp ứng kỳ vọng. Những tay vợt cùng lứa hoặc thuộc lứa sau Đinh Quang Linh đều chưa khiến các nhà tuyển chọn ở đội tuyển quốc gia phải đặc biệt chú ý. Nếu cứ tiếp tục như hiện nay, khả năng đoạt HCV hoặc HCB tại SEA Games như hiện nay cũng sẽ rất khó khăn. Những nhà chuyên môn, từ các CLB đến trung ương đều biết chuyện này nhưng giải quyết ra sao mới là vấn đề khiến họ đau đầu. Dù là bộ môn mang nhiều vinh quang về cho thể thao Việt Nam nhưng bóng bàn lại kén người chơi vì những kỹ thuật tinh xảo. Khâu tuyển chọn tại các địa phương giờ luôn là thách thức với các HLV. Có trò rồi phải huấn luyện ra sao, đầu tư thế nào, đưa đi tập huấn nước ngoài trong bao lâu cũng là vấn đề nữa. Không kể, hệ thống thi đấu quốc gia cũng như các giải quốc tế tại Việt Nam cũng cần phong phú hơn thay vì vài giải/năm như hiện nay.
Nhưng trước mắt, nâng chất giải vô địch quốc gia vẫn là vấn đề đầu tiên cần giải quyết. Việc nâng chất ấy có thể từ việc làm phong phú hơn đội ngũ VĐV dự giải. Kinh nghiệm từ bóng đá, bóng chuyền có thể sẽ mang lại những quan niệm mới cho các nhà quản lý bóng bàn, đó là việc thuê các VĐV nước ngoài thi đấu cho các CLB. Các đội bóng đá, bóng chuyền đều đã mạnh hơn trong đấu trường khu vực nhờ việc các VĐV nội địa luôn được cọ xát, học hỏi những VĐV nước ngoài trình độ cao. Nếu các tay vợt nước ngoài trình độ cao xuất hiện tại Giải vô địch bóng bàn Việt Nam thì khi ấy các tay vợt Việt Nam sẽ học hỏi được khối điều hay, không kể động lực thi đấu cũng tăng lên. Được tập luyện thi đấu trong môi trường có trình độ cao hơn, tính cạnh tranh mạnh mẽ hơn có lẽ những tay vợt trẻ Việt Nam sẽ "chín" nhanh hơn để đảm nhiệm vai trò đầu tàu tại đội tuyển quốc gia do các đàn anh để lại…