(HNMO) - Bài thơ “Giếng nước Bác Hồ” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn là câu chuyện về sự kính trọng và lòng biết ơn của tác giả nói riêng cũng như toàn dân tộc Việt Nam nói chung đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Trong những năm 1960 của thế kỷ trước, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn là phóng viên trẻ của Báo Hànộimới (thời điểm đó báo mang tên Thủ đô Hà Nội), được tham dự nhiều hội nghị lớn của Thủ đô có Bác Hồ đến dự. Trong ký ức của bà, Bác Hồ rất giản dị. Người thường mặc áo đại cán, chân đi dép cao su, và cuộc họp nào có Bác thì rất vui.
Tháng 9-1969, đau đớn khi nghe tin Bác đi xa, trong niềm tiếc thương vô hạn vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã viết bài “Giếng nước Bác Hồ”, trong đó có đoạn:
…“Bác về, gửi gạch tặng dân
Giếng đầu tiên ấy ở sân đình làng
Tròn xoe dưới một tán bàng
Ôi gàu nước mát đầy tràn thương yêu
Lòng Cha chia khắp xóm nghèo
Thẳm sâu mạch nước trong veo giếng này...
Cả làng đau mắt xưa nay
Bác về, như có bàn tay diệu kỳ
Tình thương lòng Bác chở che
Giếng sâu trong vắt bốn bề khơi lên
Bác cho con gái mắt huyền
Cụ già mắt sáng trẻ em mắt tròn”…
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể, xưa, cả làng Quảng An (huyện Từ Liêm; nay là phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) chỉ có một cái giếng. Thiếu nước ăn, nhiều nhà gánh nước hồ Tây về đổ bể đánh phèn để dùng. Đường ngõ lầy bụi, nhà ở lúp xúp, ẩm thấp, lại thiếu nước sạch nên nhiều người mắc bệnh, nhất là bệnh đau mắt. Đúng lúc đó, ngày 14-8-1962, Quảng An được đón Bác đến thăm.
Khi đến thăm lớp mẫu giáo thôn Tây Hồ, Bác không vui khi nhìn thấy một số em bé bị đau mắt. Bà Nguyễn Thị Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp mẫu giáo thời đó nhớ lại: “Lúc ấy khoảng 8h30 sáng, Bác Hồ đến thăm lớp. Bác giơ tay chào các cháu, còn các cháu đứng lên chào: “Chúng cháu chào Bác Hồ ạ!”.
Sau khi hỏi chuyện cô giáo, Bác chia kẹo cho các cháu. Nhìn thấy một cháu gái tên là Phúc bị đau mắt hột, Bác lo lắng, hỏi thăm kỹ lưỡng, tìm hiểu nguyên nhân. Bác dặn tôi hằng ngày phải rửa mắt cho cháu bằng nước muối và tra thuốc cho cháu. Nghe lời Bác dặn, tôi làm theo và gần một tháng sau, mắt cháu Phúc khỏi. Bác cũng cử cán bộ y tế về Quảng An chữa trị cho nhân dân khỏi bệnh đau mắt hột, bởi thời điểm đó rất nhiều người bị mắc bệnh này”.
Hơn một tháng sau, chiều 29-9-1962, Bác lại về thăm Quảng An lần thứ hai. Nói chuyện với các đại biểu đang dự hội nghị tổng kết phong trào thể dục vệ sinh mùa hè tại đình Quảng Bá, Bác nhấn mạnh: “Muốn có sức khỏe phải ăn ở vệ sinh. Muốn có vệ sinh phải có nước sạch. Muốn có nước sạch phải đào giếng”. Rồi Bác tặng Quảng An một khoản tiền riêng để xây một giếng nước sạch ở xóm Quảng Khánh.
Trước khi ra về, Người còn dặn: “Quảng An phải phấn đấu xây dựng thành xã kiểu mẫu toàn diện về vệ sinh, phòng bệnh của thành phố”.
Giếng xây xong, cả xóm được dùng. Mọi người gọi là “Giếng nước Bác Hồ”. Thực hiện lời dạy của Bác, phong trào vệ sinh phòng bệnh được dấy lên. Từ một địa phương vốn có ổ đau mắt hột lưu cữu, người dân chuyên dùng nước hồ, ao để sinh hoạt, đến năm 1965, xã Quảng An đã dẫn đầu huyện Từ Liêm về phong trào vệ sinh phòng bệnh. Từ một giếng nước sạch xây bằng tiền lương của Bác tặng, người dân Quảng An đã tập trung mọi nguồn lực, nhanh chóng đạt mục tiêu 100% số hộ gia đình có giếng nước sạch, nhà tắm, nhà vệ sinh 2 ngăn… Tới khi phong trào đã phát triển khá, Bác vẫn cử cán bộ y tế về theo sát tình hình.
Đến nay, sau gần 60 năm làm theo lời Bác, Quảng An đã vươn lên về mọi mặt, trở thành một phường giàu đẹp, có hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh của quận Tây Hồ.
Về thăm lại Quảng An, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn rất vui được gặp cô giáo Vân, nay tóc đã bạc trắng và nhiều bạn là học sinh lớp mẫu giáo ngày xưa được Bác Hồ đến thăm và tặng mỗi cháu hai chiếc kẹo. Gặp nhau, được ôn lại kỷ niệm xưa, ai cũng bồi hồi xúc động và càng nhớ thương Bác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.