Công nghiệp văn hóa

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” - Dấu ấn sáng tạo từ “chứng tích” lịch sử, văn hóa Bài 2: “Đánh thức” di sản công nghiệp

Hoàng Quyên 26/08/2024 09:00

Trong công cuộc kiến thiết Thủ đô hôm nay, nhiều di sản công nghiệp khoác lên diện mạo mới nhờ vào sức sáng tạo mang hơi thở thời đại, nhưng vẫn còn nhiều nơi dường như bị lãng quên.

Cùng với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, Hà Nội có nhiều nhà máy, công xưởng được xây dựng từ đầu thế kỷ XX. Theo thời gian, nhiều nơi nay đã không còn hoạt động, trở thành di sản công nghiệp và là chứng tích lịch sử gợi nhớ về một thời kỳ xây dựng, phát triển trong gian khó của Thủ đô.

Sức sống của di sản công nghiệp

Nhắc đến Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội diễn ra vào tháng 11-2023, nhiều người còn ấn tượng với sự “trở lại” đầy mới mẻ của tháp nước Hàng Đậu, Nhà máy xe lửa Gia Lâm với những đầu máy hơi nước cũ... Có được ấn tượng đó là nhờ công sức sáng tạo của nhiều người, nhiều giới, ngành khi phả vào di sản công nghiệp bầu không khí nghệ thuật hấp dẫn.

img_1458.jpeg
img_1457.jpeg
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 tạo dấu ấn tốt đẹp. Ảnh: Quyên Hoàng

Hơn 200.000 lượt khách tham quan không gian sáng tạo Nhà máy xe lửa Gia Lâm và tháp nước Hàng Đậu trong những ngày diễn ra Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. Đặc biệt là hàng nghìn người kiên nhẫn xếp hàng nhiều giờ để có 10 phút tham quan bên trong “bốt” Hàng Đậu. Sự quan tâm bất ngờ ấy cho thấy, di sản công nghiệp có sức sống mãnh liệt mà chỉ cần khơi dậy đúng cách, đúng thời điểm là có thể mang đến hiệu quả gây ngỡ ngàng.

Trước đó, tại Hà Nội đã xuất hiện một số mô hình chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian sáng tạo. Điển hình như Complex 01 nằm trên phố Tây Sơn là tổ hợp sinh hoạt cộng đồng được tái thiết trên nền Nhà máy in Công đoàn. Hay không gian sáng tạo 282 Workshop (phố Phú Viên) hình thành trong nhà máy sản xuất mũ cối cũ ở quận Long Biên...

Dù được đầu tư, cải tạo với quy mô nhỏ, ít nhiều mang tính tự phát, lại gặp nhiều khó khăn bởi thiếu chính sách hỗ trợ, thiếu kinh nghiệm trong chiến lược phát triển, nhưng những không gian này đã trở thành điểm nhấn trong không gian đô thị, là điểm hẹn văn hóa thú vị.

img_1453.jpeg
img_1454.jpeg
Sự biến đổi đầy hấp dẫn bên trong “bốt” Hàng Đậu. Ảnh: Quyên Hoàng

Theo Ủy ban Quốc tế nghiên cứu và bảo tồn di sản công nghiệp, di sản công nghiệp là những gì còn lại của văn hóa công nghiệp, bao gồm các tòa nhà, công xưởng, máy móc, hầm mỏ, nơi chế biến, kho và cửa hàng... Đó là một phần không thể tách rời của di sản văn hóa nói chung, gắn với từng giai đoạn lịch sử của nền văn minh công nghiệp thế giới, có điểm khởi đầu vào cuối thế kỷ XVIII.

Tại Hà Nội, di sản công nghiệp là các nhà máy, công xưởng từ thời Pháp thuộc cho tới giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Những công trình này để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người Hà Nội, là minh chứng sống động cho một giai đoạn lịch sử gian khó, kiên cường, vừa đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, vừa xây dựng đất nước.

Nhận rõ giá trị, tiềm năng lớn của di sản công nghiệp trong phát triển văn hóa, con người, GS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, Hà Nội cần xem các di sản công nghiệp cũng là một loại di sản văn hóa và là một trong những nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa.

Còn theo GS.KTS Hoàng Đạo Kính, các di sản công nghiệp Hà Nội là tài sản lớn để kiến thiết đô thị. Vấn đề là sử dụng những tài sản này như thế nào để tạo ra không gian sáng tạo mang hơi thở đương đại nhưng không mất đi tính lịch sử. Việc này đòi hỏi phải có sự đánh giá, đầu tư và quy hoạch với tầm nhìn xa.

Đừng để di sản chỉ còn trong ký ức

Nhiều quốc gia trên thế giới đã quan tâm đến việc phát huy giá trị di sản công nghiệp. Tại Italia, nhà máy đường Eridania đã trở thành phòng hòa nhạc Niccolo Paganini. Ở Anh, nhà máy điện Bankside được chuyển thành Trung tâm trưng bày nghệ thuật Tate. Tại Trung Quốc, tổ hợp văn hóa nghệ thuật 798 Art Zone được tái thiết trên nền khu liên hợp nhà máy điện tử thuộc sở hữu Nhà nước. Tại Thái Lan, chính phủ nước này đã công bố 16 ngành kinh tế sáng tạo cần được tập trung phát triển trong thiên niên kỷ mới, trong đó có việc tái thiết các di sản công nghiệp...

img_1452.jpeg
img_1450.jpeg
Một nhà máy cũ tại Nam Ninh (Trung Quốc) được biến đổi thành tổ hợp vui chơi thu hút khách du lịch. Ảnh: Quyên Hoàng

Hà Nội là nơi tập trung nhiều di sản công nghiệp, nhưng đến nay, việc khai thác hiệu quả nguồn di sản này vẫn đang đặt ra bài toán cần lời giải.

Theo nghiên cứu của TS.KTS Đinh Thị Hải Yến, trên địa bàn Hà Nội có 185 công trình công nghiệp, trong đó, 95 công trình còn hiện hữu, 90 công trình đã bị phá hủy, chuyển đổi. Những công trình có trước năm 1945 là Nhà máy bia Hà Nội, Nhà máy rượu Hà Nội, Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy xe lửa Gia Lâm; giai đoạn 1954-1965 có 24 công trình, giai đoạn 1965-1975 có 12 công trình...

“Di sản công nghiệp mang dấu ấn cả về mặt lịch sử, thẩm mỹ và xã hội. Nhiều di sản gắn với ký ức cũng như cuộc sống một thời, vì thế, luôn có sức sống ngay cả trong đời sống hiện đại”, KTS Đinh Thị Hải Yến đánh giá.

Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 được xem là "cú hích" lớn để “đánh thức” các di sản công nghiệp đang “ngủ quên” trong một đô thị - Thủ đô bừng bừng sức sống. Khả năng sáng tạo nhằm khai thác giá trị những di sản này đã được gợi mở, song những mô hình “tái tạo” di sản công nghiệp vẫn manh mún, hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân là chưa có quy hoạch tổng thể cũng như hành lang pháp lý, chính sách tốt cho loại hình di sản này. Nhiều di sản công nghiệp đã biến mất, được thay thế bằng những công trình hoàn toàn mới.

Theo KTS Vương Hải Long, đã đến lúc thay đổi thực trạng nói trên. “Di sản công nghiệp có thể mang lại lợi ích kinh tế khi có quy hoạch và được đầu tư đúng. Hà Nội nằm trong mạng lưới “Thành phố sáng tạo” của UNESCO, tương lai sẽ trở thành trung tâm sáng tạo hấp dẫn. Chúng ta cần có một lộ trình về lập quy hoạch, xây dựng các dự án chuyển đổi chức năng công trình, nhà máy cũ để vừa đáp ứng yêu cầu của hiện đại, vừa bảo đảm lưu lại dấu ấn công trình. Đừng để những di sản này chỉ còn trong ký ức để rồi nhiều năm sau chúng ta phải hối tiếc”, KTS Vương Hải Long chia sẻ.

Đồng quan điểm này, GS Từ Thị Loan cho rằng, các cơ quan, ban, ngành cần phối hợp và lên phương án đánh giá, phân loại di sản công nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng phương án bảo tồn cũng như khai thác giá trị.

Còn GS.KTS Hoàng Đạo Kính đề xuất, các cơ quan quản lý cần kiến nghị thành phố Hà Nội, các bộ, ngành về việc sử dụng, tái thiết các di sản công nghiệp trên địa bàn thành phố hiệu quả và bền vững.

Dù quá trình sáng tạo trên nền di sản công nghiệp mới qua những bước đầu tiên, song đã mở ra hướng khai thác nguồn di sản này cho Thủ đô cũng như nhiều địa phương. Lúc này, Hà Nội cần một chiến lược tổng thể nhằm khơi dậy khát vọng sáng tạo để thiết lập những sản phẩm văn hóa mang dấu ấn riêng, có giá trị thương mại cao, sức hút lớn, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa hiệu quả, bền vững.

(Còn nữa)

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” - Dấu ấn sáng tạo từ “chứng tích” lịch sử, văn hóa Bài 2: “Đánh thức” di sản công nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.