Sau 40 ngày (10.3 - 25.4.2005), 40 nhà điêu khắc cùng với 40 nghệ nhân đã hoàn thành 40 tác phẩm dành tặng cho thành phố nhân ngày hội 30 năm giải phóng.
Về mặt đô thị thì là dịp đầu tiên các công viên có tượng nghệ thuật với giá cực rẻ so với quy cách làm tượng vô cùng lãng phí hiện nay.
Xét cả mấy bề như vậy, cần khẳng định ngay: Trại này là một thắng lợi lớn cho cả nghệ sĩ, lãnh đạo chính quyền và công chúng. Cũng cần khẳng định phương thức này là một lối thoát cho sự bế tắc của điêu khắc trong đô thị ở ta trong thời kỳ đô thị hoá xô bồ, hỗn loạn và thiếu thẩm mỹ.
Bài học nghệ thuật
Có thể thấy sự phong phú như một tiềm năng lớn của lực lượng sáng tác, của thể loại điêu khắc này cũng như của các khả năng sử dụng tác phẩm cho môi trường sống đô thị.
Về mặt phong cách nghệ thuật, ta thấy rõ sự đa dạng. Người đi mở đất khá hoành tráng và đầy phong vị phương Nam của Nguyễn Hải, Apasionata - Beethoven nhẹ nhàng nên thơ của Phạm Mười, những ngẫu hứng trên biểu chất và hình thù khối đá của Đinh Rú, Nguyễn Hồng Dương... bên cạnh những khối hình, biểu trưng phức tạp của Võ Văn Tấn, Phạm Văn Hạng, Lê Minh Huy... Các tượng thú trang trí hay hình tượng biểu cảm thơ ngây của Phan Ngọc Long, Phạm Xuân Tiên, Bùi Hải Sơn... bên cạnh các khối hình lược giản sát đến trừu tượng của Ninh Thị Đền, Phạm Văn Quế, Ngô Liêm... Nắm đấm đồ sộ của Nguyễn Hiền, khối luân chuyển của Phan Đình Tiến bên cạnh những hình người cách điệu của Đỗ Xuân Diệu, Đỗ Như Cẩn hay hình người tả chân của Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn T.Thi... Các hình khối trừu tượng chắt lọc và gợi cảm của Nguyễn Hải Nguyễn, Trần Hoàng Cơ bên cạnh kết cấu nhiều phần tạo không gian cho người xem có thể tiếp cận không gian bên trong tượng của Đào Châu Hải,...
Tuy nhiên, bên dưới sự phong phú bề mặt ấy là một sự nông cạn, hời hợt khá tràn lan. Nó làm cho hình ảnh chung có vẻ trùng lặp, đơn điệu. Lý do có thể là các tác giả cùng một "lò" ra, lại bị dàn mỏng, không sáng tác thường xuyên nên khi "thời cơ đến" thì vội vàng, có người cùng lúc tham gia hai trại ở rất xa nhau. Song quan trọng hơn là tác giả chưa có một quan niệm nào về tượng đô thị nên: Hoặc coi nó như tượng trang trí vui mắt, hoặc gán cho nó tính chất tượng đài, hoặc đơn giản phóng to một bản nữa của một cái tượng sa-long riêng tư. Những "nguy cơ này" đã được Nguyễn Hiền dự báo trước từ hôm khai mạc.
Kinh nghiệm về cách làm
Trại lần thứ nhất này hoàn toàn chỉ mang tính chất một xưởng làm tượng. Khác với các trại ở Huế, An Giang, đền Hùng..., hoàn toàn không có chủ đề gì, không xem xét góp ý phác thảo, không trao đổi chuyên môn, giao lưu học thuật, sinh hoạt xã hội gì. Các tác phẩm cũng không được xác định nơi đặt để, nên tác giả khó định hướng và dễ trùng lặp... Nếu nói trại là một sinh hoạt nghệ thuật của nghệ sĩ và công chúng thì nó hoàn toàn im lìm. BTC cũng không trao đổi giao lưu gì với nghệ sĩ, chỉ có các nghệ nhân lầm lũi đục mài với tác giả.
Tuy nhiên, Ban tổ chức cũng thành công với ý đồ làm một cuộc trưng bày, không tạo ra một vườn tượng hay đặt tất cả ở một công viên mà sẽ phân tán các tượng này đi các nơi, sử dụng vào các địa điểm và mục đích khác nhau, nên thực tế, nhược điểm trên của trại sẽ được loại bỏ.
Món quà quý đã được trao tặng cho thành phố, và các bài học về nghệ thuật và cách làm nghệ thuật cũng là một món quà cho chính các nghệ sĩ của trại này.
Theo LĐ
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.