Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học từ sự hồi sinh điệu múa Legong

Quỳnh Dương| 22/03/2020 07:26

(HNMCT) - Không chỉ sở hữu những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, nền ẩm thực phong phú, Bali (Indonesia) còn là vùng đất văn hóa với những điệu múa truyền thống vô cùng độc đáo như Kecak, Barong và đặc biệt là điệu múa cho các vị thần - Legong. Sau rất nhiều thập kỷ đứng trước nguy cơ mai một, điệu múa Legong truyền thống mới dần hồi sinh nhờ sự nỗ lực của chính quyền và cộng đồng người dân địa phương.

Tôn giáo giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống của người Indonesia nói chung và Bali nói riêng. Dù đa phần dân số Indonesia đều theo đạo Hồi nhưng hầu hết người dân ở Bali đều theo đạo Hindu. Đây cũng là một điểm khác biệt về tôn giáo của Bali so với các đảo khác tại Indonesia. Theo những ghi chép lịch sử, đạo Hindu bắt đầu vào Bali từ đầu thế thế kỷ XVI, và nhảy múa được xem là cây cầu kết nối người dân hòn đảo này với loại hình tôn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Người Bali tin rằng nhảy múa là cách tốt nhất để tiếp cận với các thần linh. Do đó, tổ tiên họ đã sáng tạo nhiều điệu múa để làm vui lòng các vị thần. Với những động tác thanh thoát, uyển chuyển, múa Legong được xem là một phần quan trọng trong những buổi cúng tế của làng. Theo tục lệ từ thời xa xưa, người thể hiện vũ điệu này là vũ công nữ. Họ hóa thân thành những nàng tiên xinh đẹp với trang phục lộng lẫy. Thông qua những động tác múa uyển chuyển, người dân Bali bày tỏ niềm tin, khát vọng và sự tôn kính các vị thần, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Có nhiều giả thuyết về tên của điệu múa Legong. Nhiều người tin Legong được ghép bởi hai từ là Lega và Ing wong. Lega có nghĩa là “hạnh phúc” và Ing wong có nghĩa là “người”, khi ghép hai từ vào có nghĩa là “điều làm cho người ta hạnh phúc”. Một cách giải thích khác đó là Legong xuất phát từ Oleg - nghĩa là múa, và Gong nghĩa là âm nhạc, âm nhạc đi cùng với điệu múa. Nội dung của các điệu nhảy Legong thường xoay quanh tích chuyện thần thoại có trong đạo Hindu. Một truyền thuyết được yêu thích là câu chuyện về vị hoàng tử có tên là Dewa Karna Agung. Trong một lần bị ốm nặng, hoàng tử đã mơ thấy hai vị nữ thần trẻ tuổi và xinh đẹp tuyệt trần đang múa điệu múa Legong trong một ngôi đền như trên thiên đường. Và khi hoàng tử khỏi bệnh, chàng đã hiện thực hóa điệu múa ấy thành điệu múa hoàng cung.

Theo truyền thống, vũ công Legong là những cô bé chưa đến tuổi dậy thì và được trọng vọng trong xã hội. Hình ảnh các cô gái trong điệu múa truyền thống này thường được in lên bề mặt nhiều sản phẩm để quảng bá về Bali. Bởi vì múa Legong có quy tắc nghiêm ngặt, áp đặt những điệu bộ chính xác từ cử động của bộ mặt, vị trí các bàn tay, động tác các ngón tay để bảo đảm mỗi cử chỉ, hành động dù là nhỏ nhất đều duyên dáng và mang ý nghĩa hình thể cũng như truyền tải niềm tin tôn giáo. Chính vì thế, các vũ công thường được đào tạo từ khoảng 5 tuổi. Để có thể trở thành một diễn viên múa Legong chuyên nghiệp là điều không dễ dàng, bởi phải trải qua nhiều giai đoạn luyện tập gian khổ. Do đó, những vũ công Legong rất được coi trọng. Đến tuổi kết hôn, các cô sẽ được chọn gả vào hoàng gia hoặc các gia đình danh giá. Sau kết hôn, vũ công Legong sẽ giải nghệ. Tuy vậy, ngày nay, Legong được biểu diễn bởi các vũ công ở mọi lứa tuổi, thậm chí có cả vũ công nam biểu diễn trong trang phục phụ nữ để phục vụ khách du lịch.

Theo một số nhà văn hóa, cũng chính vì Legong phải mất nhiều thời gian và công sức mới có thể học thành nghề nên nguy cơ điệu múa này bị mai một là rất lớn. Trên thực tế, trong lịch sử hình thành, Legong cũng đã có nhiều lần được cách tân. Ngay cả dàn nhạc đệm cũng được thay đổi bằng những nhạc cụ hiện đại hơn. Thời kỳ u ám của Legong có lẽ là vào giữa những năm 1970, khi các vũ công giải nghệ gần hết và người am hiểu điệu múa này không còn nhiều. Hơn nữa, sự du nhập của các loại nhạc mới từ phương Tây khiến giới trẻ giảm dần hứng thú với nghệ thuật truyền thống.

Khoảng hơn 1 thập niên sau đó, khi hình thức du lịch kết hợp với trải nghiệm văn hóa được đẩy mạnh, điệu Legong truyền thống mới dần hồi sinh. Đặc biệt, du khách phương Tây luôn mong muốn được thưởng thức nghệ thuật này trong một không gian văn hóa thực sự của người bản xứ chứ không phải những phiên bản lai tạp. Những buổi biểu diễn Legong mang âm hưởng hiện đại dần dần không còn thu hút khách. Khi ấy, chính quyền bừng tỉnh và tập trung vào công việc bảo tồn giá trị quý báu của di sản văn hóa này. Nhận được nguồn tài trợ của các nước phát triển, Bali bắt đầu xây dựng các trung tâm nghiên cứu, đào tạo Legong. Những người cao tuổi am hiểu về điệu múa này được mời đến tư vấn. Nhiều lớp học miễn phí được mở ra cho người dân trong vùng và người tốt nghiệp được tạo điều kiện biểu diễn trong các chương trình phục vụ du lịch. Người dân Bali dần có nhận thức nghiêm túc hơn về giá trị của việc bảo tồn di sản văn hóa.

Giờ đây, nhiều bà mẹ Bali đã ghi danh cho con vào các lớp học Legong từ năm lên 4. Với họ, học múa Legong không chỉ để biểu diễn cho các thần linh xem trong những dịp lễ hội mà còn giúp các em có nghề mưu sinh sau này, đồng thời giúp bảo tồn điệu múa cổ truyền được xem như trái tim của tâm hồn dân tộc Indonesia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài học từ sự hồi sinh điệu múa Legong

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.