(HNM) - Nhằm lượng hóa được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp (DN), đã có nhiều chỉ số được đưa ra như: Chỉ số cạnh tranh năng lực cấp tỉnh (PCI) hay chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); bộ chỉ số theo dõi đánh giá cải cách hành chính (PAR Index).
Tàu vào cảng xếp hàng tại cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Cùng là một chính quyền, cùng một hệ thống chính sách ấy, có địa phương nhận được sự hài lòng của DN nhưng ngược lại người dân lại không đánh giá cao sự điều hành của các cấp chính quyền. Hà Tĩnh là một trong những địa phương hiếm hoi trên cả nước có được sự cân bằng giữa các chỉ số. Theo chỉ số PCI mới được công bố, Hà Tĩnh đứng trong Top 10 tỉnh được các DN đánh giá cao nhất về môi trường đầu tư cho các DN. Mặc dù năm trước đó, Hà Tĩnh xếp thứ 37. Cú lội ngược dòng ngoạn mục này đã khiến cho các nhà nghiên cứu về chỉ số PCI lấy làm "mẫu" cho các tỉnh bạn. Mới đây, Hà Tĩnh cũng là một trong những tỉnh được nêu tên trong buổi công bố chỉ số PAPI. Ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Chúng tôi coi trọng vai trò của người dân trong quản lý các công trình. Đặc biệt chúng tôi đã để người dân tham gia giám sát các công trình. Và đặc biệt là chúng tôi có cơ chế trích 10% tiền giám sát của Ban quản lý dự án cho Ban quản lý cộng đồng. Và huy động vai trò làm chủ của người dân khi tham gia cộng đồng nông thôn mới…". Thực tế đã được chứng minh qua sự hài lòng của người dân, DN, song chưa dừng lại ở đó, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vẫn cho rằng, họ còn nhiều việc cần phải làm.
Tuy nhiên, Hà Tĩnh nằm trong số rất ít các địa phương có mẫu số chung về chỉ số hài lòng của cả người dân và DN. Trên thực tế, sự "lệch pha" này còn rất nhiều. Chẳng hạn như ở Bình Dương, các DN đã chấm điểm cao cho họ, nhưng ngược lại người dân lại không đánh giá cao về sự điều hành và hành chính công của bộ máy công quyền. Nghịch lý này tưởng chừng rất khó có thể xảy ra, vì cùng một bộ máy chính quyền ấy, vẫn con người ấy, những chủ trương, chính sách đó, nhưng sự hài lòng của hai phía là người dân và DN lại khác nhau đến vậy. PGS-TS Đặng Ngọc Dinh, thành viên chính trong nhóm nghiên cứu PAPI giải thích: "Về nguyên tắc là phải giống nhau, nếu một nơi quản lý tốt thì DN cũng ưng ý, người dân cũng ưng ý. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, các tỉnh chưa thật thăng bằng mà đôi khi trải thảm đỏ cho nhà đầu tư còn người dân không có thảm đỏ, họ phải đi vào cái thảm có gai hơn".
Theo các chuyên gia, để cân bằng hơn giữa chỉ số đánh giá của người dân và DN, các tỉnh phải cân chỉnh hành vi. Mẫu số chung cho bài toán này chính là các tỉnh khi phục vụ các lợi ích khác nhau cần phải tìm ra những giải pháp để cho một trong hai nhóm đó không bị thiệt. Nếu một trong hai nhóm thiệt thì môi trường cũng bất an. Do vậy không quá tập trung vào người dân hoặc DN… Sự cân bằng vốn dĩ không hề khó giữa hai nhóm là người dân và DN khi chính quyền địa phương thực sự chú trọng cả hai. Và Hà Tĩnh là một bài học ví dụ cho sự cân bằng ấy. Những chuyên gia nghiên cứu về các chỉ số đó có một kỳ vọng rất giản đơn rằng, sự công bằng của người dân và DN sẽ khiến cho các cơ quan công quyền coi mình như một cửa hàng dịch vụ và người dân, DN là những khách hàng tiềm năng.
Nếu như các cơ quan công quyền có sẵn quyết tâm thì có lẽ trong các chỉ số - thước đo của sự hài lòng sẽ không có một bức tranh tối màu về những lĩnh vực được coi là nhạy cảm, không còn sự đối nghịch giữa các nhóm khác nhau. Đây cũng chính là sự mong mỏi của người dân với các cơ quan công quyền hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.