Người dân không nên cho con cái sử dụng tài sản có giá trị khi không có sự giám sát của người lớn, cần khóa cổng, cửa ra vào khi ở trong bếp hoặc lên tầng trên, đặc biệt là vào những thời điểm sáng sớm hay nhá nhem tối.
Ngay sau khi thông tin cơ quan CSĐT - CA TP.Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự 2 đối tượng để làm rõ các hành vi trộm cắp và cướp giật tài sản (iPad) trên tay trẻ em được đăng tải, chúng tôi liên tục nhận được thông tin phản hồi của bạn đọc thể hiện sự cảm phục các chiến sỹ công an đã nỗ lực hết mình phá án.
Giải tỏa nỗi lo
Như đã đưa tin, chiều 8/3 tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã xảy ra vụ cướp tài sản.
Kẻ cướp đã xông vào một gia đình giật chiếc iPad trên tay cháu bé hơn 2 tuổi ở phòng khách. Trước đó, hồi 19h ngày 1/3, tại một nhà dân ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, cháu bé 10 tuổi khi đang ngồi chơi iPad ở tầng 1 cũng bị một thanh niên mặc quần áo sẫm màu, đội mũ bảo hiểm vào nhà cướp đi chiếc iPad.
Táo tợn vào nhà cướp iPad tại khu Hồ Đình B, phường Thanh Lương, Hà Nội (Ảnh chụp từ clip) |
Việc 2 vụ cướp giật iPad xảy ra trong vòng chưa đầy 10 ngày trên cùng một địa bàn với cách thức tương tự là thủ đoạn mới, vô cùng táo tợn và liều lĩnh của các đối tượng trộm cắp.
Điều này đã khiến người dân lo lắng. Chỉ sau chưa đầy một tuần, cơ quan CSĐT - CA TP.Hà Nội đã có lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự các đối tượng Hoàng Ngọc Điệp, SN 1988, trú tại tập thể Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng và Trần Sơn Tùng, SN 1988, ở phường Trung Phụng, quận Đống Đa.
Qua đấu tranh khai thác, Điệp và Tùng khai đã cướp chiếc iPad trên tay bé trai ở một căn hộ trong ngõ 230 phố Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng tối 1/3.
Hai đối tượng này còn khai nhận đã gây ra một số vụ trộm cắp điện thoại di động, iPad, iPhone và nhiều tài sản có giá trị khác bằng thủ đoạn tương tự.
Thông tin trên làm cho không ít người dân yên tâm, phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Thành ở phường Kim Mã, quận Ba Đình chia sẻ, nhà bà có 2 cháu nhỏ dưới 10 tuổi đều thích chơi iPad.
Thông thường vào mỗi buổi chiều sau khi được đón từ trường về, 2 cháu được chơi iPad khoảng 1 tiếng trước giờ ăn cơm và học bài. Không ít lần 2 bé ngồi ngay ngoài cửa, thậm chí mang hẳn iPad ra ngõ để chơi chung với bạn mà gia đình không đề phòng gì, may mà chưa có chuyện xấu xảy ra.
“Từ hôm nghe tin lực lượng công an đã tìm ra đối tượng trộm iPad của các cháu ở quận Hai Bà Trưng tôi bớt lo hẳn. Không ngờ các anh lại khám phá vụ án nhanh đến vậy. Đây quả thực là chiến công lớn vì nó có tác dụng không nhỏ trong việc trấn an dư luận, giúp người dân yên tâm hơn và đề cao tinh thần cảnh giác" – bà Thành cho biết.
Thêm một lần khẳng định mình
Cũng với tâm trạng phấn khởi, anh Lê Vũ Hoàng - chuyên viên Bộ NN& PTNT cho rằng, việc các gia đình cho con nhỏ sử dụng iPad và những chiếc điện thoại đắt tiền chơi trò chơi hiện đang diễn ra khá phổ biến.
Thông thường khi người lớn bận việc, để không phải quan tâm nhiều đến con, họ “dúi” cho con những thiết bị này để chúng ngồi yên. Do đây là các thiết bị đắt tiền, trong khi đó khả năng tự phòng vệ của trẻ nhỏ lại rất kém nên đã trở thành đích ngắm của tội phạm.
Anh Hoàng hồ hởi: “Ban đầu khi đọc thông tin về hai vụ cướp giật tôi đã nghĩ, các gia đình biết sự việc này chỉ để nhằm nâng cao cảnh giác, còn khả năng tìm ra các đối tượng phạm tội là rất thấp. Không ngờ chỉ sau mấy ngày, 2 đối tượng đã bị bắt. Điều này không chỉ nâng cao uy tín của lực lượng công an mà còn có tác dụng rõ rệt trong việc trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô”.
Còn theo ông Lê Đình Hùng - cán bộ hưu trí phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, sự sơ suất của người dân trong nhiều thời điểm đã đẩy họ và người thân vào tình huống nguy hiểm. Không chỉ cho con sử dụng các thiết bị điện tử có giá trị quá sớm mà nhiều gia đình còn để con cái đeo nhiều đồ trang sức đắt tiền đến lớp.
Đến khi xảy ra mất trộm, mắt cắp một số người còn đổ lỗi cho lực lượng công an không làm tốt trách nhiệm của mình. Tuy vậy, mỗi khi bị công an xử lý về một lỗi nào đó như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ hay kinh doanh dưới lòng đường, vỉa hè… không ít trong số họ lại có thái độ trách móc, thậm chí chửi rủa người thi hành công vụ.
Họ không nghĩ rằng nếu không có những chiến sĩ công an, trật tự xã hội sẽ đảo lộn. Qua việc khám phá nhanh chóng những vụ án trên, một lần nữa các chiến sỹ Công an Hà Nội đã chứng tỏ cho người dân thấy sự quả cảm, hết lòng vì dân phục vụ của mình.
Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú nhận xét, khi bị cướp tài sản trên tay, ngay cả người lớn còn hoang mang, sợ hãi, huồng hồ là trẻ nhỏ. Chắc chắn những việc trên sẽ khiến nạn nhân bị hoảng hốt, thậm chí có thể bị ảnh hưởng về tâm lý sau này.
Hơn nữa, việc được sử dụng tài sản có giá trị khi còn quá nhỏ không chỉ gây nguy hiểm cho các em mà còn tạo cho trẻ tâm lý, thói quen thích dùng đồ đắt tiền trong tương lai. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.
Để tránh vụ việc tương tự
Có thể nói, sự sơ hở, mất cảnh giác của người dân đã làm nảy sinh tình huống để các đối tượng gây án. Do đây là thủ đoạn phạm tội mới, hành vi phạm tội thể hiện sự liều lĩnh của đối tượng nên đã gây hoang mang trong dư luận.
Bên cạnh đó, khó khăn trong công tác phá án đối với những vụ việc này là đối tượng lưu động, chúng thường ra tay trong những thời điểm người dân sơ hở thiếu cảnh giác nhất và tại các khu vực vắng vẻ, bị hại là trẻ em…
Đối với các đối tượng đã bị bắt giữ, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành sớm hồ sơ vụ án chuyển cơ quan chức năng xử án điểm vụ án này.
Để tránh xảy ra những vụ việc tương tự, bên cạnh cố gắng của lực lượng công an, đề nghị người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không nên cho con cái sử dụng tài sản có giá trị khi không có sự giám sát của người lớn, cần khóa cổng, cửa ra vào khi ở trong bếp hoặc lên tầng trên, đặc biệt là vào những thời điểm sáng sớm hay nhá nhem tối.
Khi phát hiện thấy hành vi này, người dân cần gọi điện ngay đến Đội chống tội phạm về cướp giật - Phòng CSHS - CA TP.Hà Nội để được tiếp nhận thông tin và nhanh chóng giải quyết với số máy đường dây nóng là 04.39396780.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.