(HNM) - Nói như nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh là:
Trong quá trình xác định thời cơ phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã phân tích một cách khoa học, đánh giá cao mối quan hệ giữa Cách mạng Đông Dương với cuộc chiến tranh của các nước đồng minh chống phát xít; luôn coi trọng cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yếu tố chủ quan có ý nghĩa quyết định. Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" ngày 12-3-1945 đã khẳng định: "Dù sao ta không thể đem việc quân đồng minh đổ bộ vào Đông Dương làm điều kiện tất yếu cho cuộc Tổng khởi nghĩa" và dự kiến "nếu tình thế chuyển biến thuận lợi thì dù quân đồng minh chưa đổ bộ, cuộc Tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi".
Lệnh Tổng khởi nghĩa đã được quần chúng đồng loạt hưởng ứng. Ảnh tư liệu |
Đánh giá tình hình Cách mạng Đông Dương lúc này, Đảng ta cho rằng: "Những điều kiện khởi nghĩa chưa thực chín muồi; những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi". Trên cơ sở đó, Đảng ta đã phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước rộng khắp với những hình thức đấu tranh phong phú và cao hơn giai đoạn trước. Cùng với đó là đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh. Tại nhiều địa phương, các cuộc khởi nghĩa từng phần đã liên tiếp nổ ra. Ở nhiều thành phố, thị xã, các hoạt động tuyên truyền, động viên quần chúng nhân dân tham gia và ủng hộ Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị khởi nghĩa được đẩy mạnh. Trong khi đó, trên chiến trường Châu Âu, phát xít Đức đã bại trận, hòa bình đã được lập lại trên toàn Châu Âu và Châu Phi. Tại Châu Á, phát xít Nhật cũng đang bị đẩy lùi dần về thế phòng ngự. Hội nghị Pốt-xđam ra tuyên bố chung đòi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện và quyết định mở cuộc tiến công cuối cùng vào các đạo quân của Nhật cho tới khi Nhật Bản chấm dứt mọi kháng cự.
Với tầm nhìn chiến lược nhạy bén, trên cơ sở phân tích một cách khoa học về thời cơ, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng đã phát lệnh Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước. Nửa đêm 13-8-1945, từ đại bản doanh trong ATK Việt Bắc, bản Quân lệnh số 1 đã đựơc phát đi. Ngày 19-8, trong khi Hồng quân Liên Xô đánh tan đạo quân Quan Đông và làm chủ Mãn Châu thì tại Hà Nội, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân, các địa phương trong cả nước lần lượt khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Ngày 2-9-1945, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, lãnh tụ Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công cho thấy sự lãnh đạo sáng suốt, nhạy bén và kịp thời của Trung ương Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thời cơ Tổng khởi nghĩa chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn, trong vòng hai tuần lễ, nhưng đó là "thời cơ vàng". Tổng khởi nghĩa nổ ra vào thời điểm khi mà ở trong nước, cao trào kháng Nhật, cứu nước đã phát triển lên đến đỉnh cao, quân đội Nhật Bản ở Đông Dương mất nhuệ khí, không còn chỗ dựa, nhiều đơn vị quân Nhật đã bị "trung lập hóa"; quân đội Anh, Pháp, Tưởng thì chưa kịp kéo vào. Với chính quyền mới giành được, nhân dân Việt Nam có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, ngẩng cao đầu tiếp quân đội các nước vào giải giáp quân Nhật theo sự phân công của các lực lượng đồng minh chống phát xít.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 cho chúng ta nhiều bài học, trong đó bài học về nắm bắt thời cơ - cho đến tận hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.