(HNM) - Cách quản lý yếu kém của một số đơn vị nhà nước liên quan tại TP Hồ Chí Minh; ý thức chấp hành bảo vệ môi trường của người dân chưa cao được xem là nguyên nhân gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng trên địa bàn thành phố sau các trận mưa liên tiếp những ngày qua.
Ngập lụt không chỉ làm thiệt hại tài sản, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường nhật của hàng triệu người dân mà còn đe dọa đến an toàn tính mạng của người tham gia giao thông. Theo lãnh đạo thành phố, đây là bài học đắt giá các cơ quan quản lý nhà nước cần rút kinh nghiệm sâu sắc…
Quản lý kém, ý thức người dân chưa cao
Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy, trận mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay xảy ra chiều 26-9 đã gây ngập 59 tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo Cảnh sát PCCC thành phố, trên địa bàn thành phố có gần 1.300 xe gắn máy và hơn 100 xe ô tô bị hư hỏng, thiệt hại ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng. Riêng khu A ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 800 xe máy của sinh viên bị ngập nước trong hầm. Nước ngập đã làm hư hỏng toàn bộ máy móc, thiết bị điều hành của tòa nhà, trị giá khoảng 4 tỷ đồng. Hàng loạt nhà vườn tại các quận, huyện ngoại thành cũng chịu thiệt hại nặng nề khi nhiều héc ta rau củ và cây cảnh bị ngập úng, thiệt ước tính lên đến cả trăm triệu đồng mỗi vườn.
Trước những thiệt hại lớn do ngập lụt nghiêm trọng mấy ngày qua, ngày 29-9, tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2016 của thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa thừa nhận, vấn đề này đã gây nên sự bức xúc lớn cho người dân thành phố. Theo ông Khoa, khi trực tiếp đi kiểm tra các dự án, công trình thoát nước mới thấy được sự chủ quan về cách quản lý của các cơ quan nhà nước và các đơn vị liên quan. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng ngập lụt trên địa bàn thành phố và gây ra nhiều khó khăn trong xử lý thoát nước hiện nay. Thực tế, hầu hết tại các điểm ngập lụt ở quận, huyện đều có cống xả, miệng ga thoát nước… nhưng lại bị chiếm dụng, xây dựng nhà làm ngăn dòng chảy. “Sau khi các cống xả, kênh rạch được khơi thông, từ nay về sau nếu như địa bàn quận, huyện nào tiếp tục để xảy ra tình trạng này thì phải xem xét trách nhiệm, thậm chí kỷ luật địa phương đó” - ông Khoa gay gắt nói.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong khẳng định, tình trạng ngập nước của thành phố không chỉ do mưa lớn, triều cường, nước lũ thượng nguồn, hay do biến đổi khí hậu, mà còn do công tác quản lý kém và yếu ở một số nơi, một số đơn vị, cũng như ý thức chấp hành và bảo vệ môi trường của người dân chưa cao.
Chủ động xây dựng kịch bản chống ngập
Giải pháp nào cho tình trạng ngập nước tại TP Hồ Chí Minh? Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND thành phố Võ Văn Hoan cho rằng, cần phải xây dựng những kịch bản để chủ động giải quyết. Trước hết, Trung tâm chống ngập thành phố phải là đơn vị đi đầu trong việc xây dựng kịch bản, bản đồ lưu vực để có cảnh báo, tuyên truyền và phổ biến cho người dân và các đơn vị khác. Cùng quan điểm này, PGS.TS Hồ Long Phi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nước và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Phó ban Điều hành chương trình chống ngập thành phố cho rằng, hệ thống cống mới xây lại làm theo thiết kế từ những năm 2004-2007 nên giờ đã lạc hậu. Theo thiết kế hệ thống cống mới xây chỉ chịu được những cơn mưa với lượng từ 85 đến 92mm. Do đó, giải pháp về công trình cũng phải được tính đến thời gian tới. Đặc biệt, thành phố cần cập nhật lại các thiết kế đối với các công trình chống ngập và thoát nước đô thị.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đưa ra giải pháp: Đối với các dòng kênh, rạch bị lấn chiếm, dứt khoát thành phố sẽ thực hiện các dự án cống hộp để đảm bảo yêu cầu thoát nước. Đồng thời, thành phố sẽ tổ chức di dời các hộ dân lấn chiếm trái phép. “Chúng ta phải tốn rất nhiều ngân sách để làm những dự án này, cho nên cái giá để trả cho việc quản lý kém là ngân sách phải bỏ ra lớn” - ông Phong nhấn mạnh.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, thành phố cần đánh giá thẳng thắn các vấn đề và có những thay đổi cơ bản về cách tư duy và quản lý đô thị mới có thể giải quyết được tình trạng ngập lụt. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cho dù là vùng đất thấp hay đất cao đều có thể phát triển đô thị theo mọi hướng mà vẫn đảm bảo không bị ngập, trong đó diện tích bê tông hóa phải được khống chế, đảm bảo đủ không gian dành cho nước tại từng khu đô thị thông qua hệ thống sông hồ, kênh rạch, diện tích cây xanh và hệ thống đường ống kênh mương thoát nước. Vì thế, thành phố không nên tiếp tục chống ngập và chống kẹt xe theo kiểu xác định các điểm nóng vì cách này chỉ tốn kém mà không hiệu quả.
Việc bồi thường cho người dân khó khả thi Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nêu lên quan điểm như vậy tại buổi họp báo trưa 29-9 tại Văn phòng UBND TP khi trao đổi về vấn đề ngập nước sau những trận mưa cực đoan mấy ngày qua. Theo ông Hoan, việc thống kê thiệt hại cho người dân và các đơn vị bị ảnh hưởng của ngập nước hiện chưa có; còn về bồi thường thiệt hại cho người dân rất khó khả thi. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.