(HNM) - Cuối cùng thì
Nhạc sĩ Thanh Tâm thể hiện bài hát “Thềm nhà có hoa” trên sân khấu Bài hát Việt.
Giải thưởng BHV của năm kể từ khi "sân chơi" này khởi động lần lượt được trao cho các tác phẩm "À í a" (Lê Minh Sơn), "Chuông gió" (Võ Thiện Thanh), "Con cò" (Lưu Hà An), "Chênh vênh" (Lê Cát Trọng Lý) và năm nay là "Đồng hồ treo tường" của nhạc sĩ Nguyễn Xinh Xô. Dường như có một sự trùng hợp, khi các ca khúc đoạt giải này đều gắn liền số phận với ca sĩ thể hiện. Hầu như không thấy ca sĩ nào khác chọn biểu diễn các bài hát này, ngoại trừ người đã thể hiện thành công tác phẩm ở BHV. Có một phần nguyên nhân vì các ca khúc này không thuộc dạng dễ nghe và dễ hát. Vả lại, người đầu tiên "khai phá" tác phẩm đã thành công nên phần nào tạo áp lực cho những người sau. Nói cách chính xác hơn, như nhạc sĩ Nguyễn Cường - thành viên Hội đồng thẩm định BHV suốt 5 năm nay nhận xét về "Đồng hồ treo tường": "Tác phẩm này nằm ở lưng chừng, giữa một bên là âm nhạc nghệ thuật và một bên là âm nhạc thị trường. Nó khiến âm nhạc nghệ thuật bác học gần gũi hơn và nâng âm nhạc thị trường đến một bậc cao hơn".
Có lẽ vì luôn muốn tìm kiếm sự dung hòa giữa nghệ thuật và thị trường, nên không khó nhận ra, ca khúc đoạt giải bài hát của năm thường không xuất hiện nhiều trong các chương trình biểu diễn sau đó, so với các ca khúc khác. Nhiều thí sinh thi "Sao Mai" hay "Sao Mai điểm hẹn" đã chọn các ca khúc đoạt giải của tháng hay ca khúc được khán giả yêu thích nhất của tháng để biểu diễn. Hay những ca khúc đoạt giải bài hát mang khuynh hướng dân gian đương đại nổi bật, bài hát mang khuynh hướng pop đương đại nổi bật… thường có chỗ đứng hơn cả bài hát của năm. Chẳng hạn, "Bà tôi" và "Giọt sương bay lên" - hai ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến được đề cử giải bài hát phong cách dân gian đương đại nổi bật năm 2005. "Giọt sương bay lên" đoạt giải thưởng này nhưng "Bà tôi" mới là ca khúc nổi tiếng hơn cả và một thời từng "làm mưa, làm gió" ở nhiều sân khấu ca nhạc gắn với tên tuổi ca sĩ Ngọc Khuê.
Tuy nhiên, không chỉ vì ca khúc do Hội đồng Thẩm định bình chọn (với số phiếu áp đảo trong cơ cấu phiếu bầu các giải thưởng) nên mới khó "được lòng" công chúng, mà ngay cả với các bài hát được giải thưởng bình chọn nhiều nhất thì số phận của chúng cũng không sáng sủa hơn: "Mưa bay tháp cổ" (năm 2005), "Thềm nhà có hoa" (năm 2006), "Con cò" (năm 2007), "Em sẽ là giấc mơ" (năm 2008). Và không phải bài hát nào được khán giả yêu thích cũng trở thành bản "hit"? Đến nay, có thể kể tên "Thềm nhà có hoa" (Thanh Tâm), "Nồng nàn Hà Nội" (Nguyễn Đức Cường)… vẫn được nhiều người nhắc nhớ. Có lẽ đó là một phần lý do khiến "Thềm nhà có hoa" là ca khúc "cũ" duy nhất của BHV được chọn biểu diễn trong lễ trao giải vừa qua. Còn "Nồng nàn Hà Nội" gây "sốt" trên nhiều diễn đàn âm nhạc và được coi là một trong những ca khúc hay về Hà Nội.
BHV không nằm ngoài sự phát triển của thị trường âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng "Khi mà thời gian sống của ca khúc ở ta nhiều nhất thường là 6 tháng thì khó có thể trông đợi điều gì khả quan hơn". Bài hát được sáng tác ào ào, công chúng dễ nghe và mau chán. Đó là hiện trạng không mấy vui vẻ khi nhìn vào thực trạng đời sống âm nhạc nước nhà. Vậy nên để có được những ca khúc còn mãi với thời gian thực là điều không tưởng, với những sáng tác mới hiện nay.
Sau đêm chung kết BHV 2009, nhạc sĩ Nguyễn Cường cho rằng, bài hát đi vào lòng công chúng có số phận riêng của nó. Mà đã là số phận thì chẳng ai tính toán hay dự đoán được. Ông lấy ví dụ, ca khúc "Hò biển" của ông đoạt giải thưởng âm nhạc hẳn hoi mà phải mất gần chục năm sau đó mới được nhiều người biết đến. Tuy vậy, ông tin tưởng bài hát của năm 2009 sẽ được người nghe đón nhận, vì nó không quá cao siêu và không quá bình dân, cả về ca từ và âm nhạc. "Những giá trị thực sự sẽ có sức sống lâu bền, bất chấp thời gian. Có thể bây giờ người nghe chưa thích ca khúc này, nhưng 5-10 năm nữa nó lại được chú ý thì sao?", ông cự nự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.