Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Trở về từ ký ức

Hoàng Minh - Miên Hạo| 30/07/2017 07:09

(HNM) - Có hình hài và số phận khác nhau nhưng những kỷ vật thời chiến luôn mang đến cảm xúc mãnh liệt cho người xem. Mỗi kỷ vật đều gắn với một câu chuyện đầy ý nghĩa nhân văn, có tính giáo dục sâu sắc, khẳng định sự bất tử của những Anh hùng liệt sĩ đã dâng hiến cuộc đời cho đất nước.

Trao trả kỷ vật cho thân nhân liệt sĩ Nguyễn Sỹ Quy.


Một manh áo, một bức chân dung chì, chiếc bi đông đựng nước…, những hiện vật tưởng như vô tri bỗng một ngày trở về khiến mọi người khôn nguôi xúc động. Chúng không chỉ là hiện thân của “những người đi mãi không về”, mà còn là minh chứng của một thời “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Anh vẫn nằm trong vòng tay mẹ

Suốt bao năm lăn lộn từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc hỗ trợ tìm kiếm thông tin liệt sĩ, chị Ngô Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Trợ giúp pháp lý gia đình liệt sĩ (Marin) có cơ duyên tiếp cận vô vàn kỷ vật thời chiến tranh. Mỗi kỷ vật mang một câu chuyện đầy ý nghĩa nhân văn ghi dấu trong lòng người, góp phần xoa dịu nỗi đau cho thân nhân liệt sĩ.

Chị Ngô Thúy Hằng kể: Cách đây vài năm, Trung tâm Marin hỗ trợ gia đình liệt sĩ Ngô Trí Khoa tìm kiếm phần mộ sau nhiều năm dài vô vọng. Sau một thời gian trích lục, khớp nối hồ sơ, thông tin từ nhiều nguồn tin cậy, ngày tiếp cận vị trí chôn cất, thân nhân liệt sĩ không khỏi nghẹn ngào khi nhìn thấy vật chứng không thể xác thực hơn về người nằm dưới mộ: Chiếc túi vải mẹ liệt sĩ may tặng con từ ống tay áo cũ, là vật liệt sĩ gối đầu trước lúc hy sinh. Còn gì xúc động hơn sự “trở về” của kỷ vật vốn là nơi neo giữ tình cảm, hơi ấm gia đình cũng là vật xác tín danh tính người nằm xuống! Ông Ngô Trí Hà, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 (Quân chủng Hải quân), em trai liệt sĩ, rưng rưng: Hóa ra bấy lâu nay anh tôi vẫn nằm trong vòng tay của mẹ!

Cũng trong hành trình tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ, Trung tâm Marin đã giúp đỡ những người “một thời bên kia chiến tuyến” tìm lại, trao trả kỷ vật của những chiến sĩ Cách mạng Việt Nam cùng nỗi khắc khoải: Chỉ khi trả lại những kỷ vật này họ mới có thể yên lòng sống tiếp. Với nỗ lực của các tình nguyện viên Trung tâm Marin, sau hàng chục năm phiêu bạt, những kỷ vật thời chiến đã trở về trong vòng tay người thân, mang theo cả những câu chuyện cảm động về năm tháng đấu tranh anh dũng, sự hy sinh quả cảm của người đã khuất.

“Thật khó để nói đâu là kỷ vật để lại ấn tượng sâu sắc nhất, bởi chúng đều có những câu chuyện, giá trị riêng” - chị Ngô Thúy Hằng cho biết. Những kỷ vật ấy không chỉ giúp xác định nơi an nghỉ của liệt sĩ, cho thân nhân biết về thời khắc hy sinh của họ, mà còn giúp cho cả hai phía (cựu chiến binh Mỹ và thân nhân liệt sĩ Việt Nam) nguôi ngoai nỗi day dứt, trăn trở đã đeo đẳng trong lòng suốt hàng chục năm qua.

Câu chuyện trả lại tên cho liệt sĩ Nguyễn Sỹ Quy cũng đầy ý nghĩa. Từ nguyện vọng của người cựu chiến binh Australia mong muốn trao trả kỷ vật cho gia đình liệt sĩ bị chính tay ông giết hại, Trung tâm Marin đã khớp nối thông tin tìm kiếm thân nhân. Qua đó, Trung tâm Marin xác định được nơi chôn cất của liệt sĩ, bấy lâu vẫn mang tên trên bia mộ là “Nguyễn Sỹ Huy”. Thế là, sau hơn 40 năm, người chiến sĩ ấy đã được “hội ngộ” với gia đình.

Hồn thiêng sông núi đắp nên tượng đài

Bao năm lăn lộn với hành trình xác định danh tính liệt sĩ, chứng kiến sự trở về của biết bao kỷ vật cùng câu chuyện cảm động, chị Ngô Thúy Hằng luôn mong mỏi những câu chuyện này sẽ được nhiều người biết đến, để các thế hệ mai sau hiểu sâu sắc, trọn vẹn giá trị của quá khứ cũng như cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Với mong mỏi ấy, nhiều năm qua, cùng với hành trình tìm mộ liệt sĩ, Trung tâm Marin triển khai Dự án Kể chuyện lịch sử bằng kỷ vật chiến trường cho nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội.

Cùng với Dự án Kể chuyện lịch sử bằng kỷ vật chiến trường, Trung tâm Marin còn duy trì một chương trình đầy ý nghĩa khác mang tên “Sống trong lòng đồng đội”, nơi lưu giữ ký ức không phai của những người chiến sĩ cách mạng với đồng đội mình. Đây cũng là nơi giúp thế hệ trẻ thấu hiểu những con người với số phận riêng đã làm nên hơi thở chung của thời đại thế nào; sự hy sinh của họ đã hòa vào hồn thiêng sông núi đắp nên tượng đài vĩnh cửu cho đất nước ra sao.

Trung tuần tháng 4-2017 vừa qua, Trung tâm Marin tiếp nhận một đề nghị tìm giúp thân nhân của tờ giấy khen mang tên “Võ Văn Trác” từ một cựu chiến binh Mỹ đã già yếu. Kỷ vật được ông giữ gìn suốt 50 năm sau khi thu lại từ thi thể một chiến sĩ giải phóng quân miền Tây Nam Bộ. Sau rất nhiều sự hỗ trợ, Trung tâm Marin đã xác định được người có tên trong tấm giấy khen là chiến sĩ đặc công nước Võ Văn Trác, hiện đang sống cùng vợ, con tại quê nhà. Chị Hằng hồ hởi: Cựu chiến binh Võ Văn Trác rất ngỡ ngàng khi đón nhận thông tin về tấm giấy khen đã lưu lạc hơn nửa thế kỷ của mình. Ông cũng băn khoăn không hiểu vì sao cựu binh Mỹ lại gìn giữ tờ giấy suốt từng ấy năm. Tấm giấy khen cũng khiến nhiều người tò mò về sự ra đời của nó cùng danh tính người chiến sĩ mang tấm giấy khen chưa kịp chuyển tới đồng đội thì đã hy sinh... Tất cả những thắc mắc này sẽ sớm được giải đáp khi Văn phòng Tùy viên Đại sứ quán Hoa Kỳ hỗ trợ trao trả kỷ vật trong thời gian tới đây...

Và như thế, sự trở về của kỷ vật thời chiến, cùng những câu chuyện vượt thời gian sẽ tiếp tục bồi đắp, làm đầy thêm trang sử hào hùng; cho chúng ta cảm nhận về những thời khắc định mệnh của mỗi con người, của lịch sử đất nước; qua đó thấu hiểu cha anh ta đã sống, cống hiến như thế nào cho độc lập, tự do của dân tộc.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Trở về từ ký ức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.