LTS: Kể từ ngày 1-3, giá dịch vụ y tế bắt đầu được điều chỉnh tăng so với mức hiện hành. Bên cạnh nỗi lo viện phí đè nặng, một trong những vấn đề các bệnh nhân và xã hội băn khoăn là chất lượng khám chữa bệnh có tăng tỷ lệ thuận với viện phí?
Bài đầu: Nỗi lo người bệnh!
Liên Bộ Y tế - Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định giá của 1.887 dịch vụ thanh toán từ Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, kể từ ngày 1-3-2016, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế chính thức được thực hiện. Viện phí tăng, người bệnh như "ngồi trên đống lửa"...
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là đòi hỏi chính đáng khi viện phí tăng. Ảnh: Tuấn Vũ |
Viện phí tăng chóng mặt
Theo quy định mới, viện phí sẽ cộng thêm chi phí phụ cấp trực và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; từ tháng 7-2016, chi phí tiền lương sẽ được thêm vào giá dịch vụ. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, bình quân mức giá của các dịch vụ thực hiện từ ngày 1-3 sẽ tăng khoảng 30% và kể từ ngày 1-7, sẽ tăng khoảng 50%, một số dịch vụ y tế như khám bệnh, phẫu thuật sẽ tăng từ 2 đến 4 lần. Cụ thể, giá khám tại bệnh viện (BV) hạng đặc biệt và hạng nhất sẽ tăng từ 20.000 đồng từ ngày 1-3 lên 39.000 đồng từ ngày 1-7; BV hạng II tăng từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng; BV hạng III từ 10.000 đồng lên 31.000 đồng; BV hạng IV từ 7.000 đồng lên 29.000 đồng… Giá dịch vụ giường bệnh áp dụng từ 1-3 tại các BV từ 31.000 đến 354.000 đồng nhưng đến ngày 1-7, giá tăng lên mức từ 108.000 đến 677.000 đồng.
Lý giải mức tăng, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, Bộ Y tế và Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam đã tính toán cụ thể chi phí tiền lương trong từng dịch vụ, trên cơ sở định mức lao động để thực hiện từng dịch vụ và mức tiền lương do Nhà nước quy định. Do đó, mức chi phí tiền lương của từng dịch vụ có khác nhau, dịch vụ sử dụng nhiều nhân lực thì tăng nhiều, các dịch vụ chủ yếu sử dụng máy móc, thiết bị tăng ít. Trong số 1.887 dịch vụ, nhóm khám bệnh, ngày giường bệnh, các phẫu thuật, thủ thuật có mức tăng cao do chi phí tiền lương của nhóm này cao; nhóm các dịch vụ mà người bệnh hay sử dụng như chiếu, chụp, chẩn đoán hình ảnh hầu hết có mức tăng dưới 15% và nhóm xét nghiệm có mức tăng dưới 10%. Đơn cử như dịch vụ đánh giá nguy cơ di căn của khối u (chụp PET CT) giá hiện hành là trên 21,3 triệu đồng/lượt chụp, cộng phụ cấp cho cán bộ y tế là 246.000 đồng và tiền lương thêm 800.000 đồng, như vậy sau ngày 1-3, giá dịch vụ này là trên 22,3 triệu đồng, tăng không nhiều so với toàn bộ chi phí dịch vụ. Tuy nhiên, với dịch vụ sử dụng nhiều công sức cán bộ y tế, chẳng hạn như dịch vụ laser chiếu ngoài, hiện hành có giá 10.000 đồng/lượt nhưng từ ngày 1-3, phí dịch vụ này được tính thêm phụ cấp tới 19.500 đồng và 3.500 đồng tiền lương cán bộ cho mỗi ca, tính chung giá mới của dịch vụ này sẽ là 33.000 đồng/lượt (gấp 3,3 lần so với hiện hành).
Người bệnh… "sốc"
Trước thông tin giá viện phí thay đổi, một số bệnh nhân mạn tính như: Chạy thận, bệnh phổi, ung thư..., dù có thẻ BHYT, cũng vẫn như "ngồi trên đống lửa", bởi chi phí họ phải trả sẽ tăng lên. Ông Nguyễn Huy Thành (quê ở Bắc Giang, đang điều trị tại BV Bạch Mai) bị suy thận đã 4 năm, cuộc sống gắn liền với BV cho biết, lý do các cơ quan chức năng đưa ra để tăng viện phí nghe rất hợp lý nhưng cũng phải nhìn vào đời sống khó khăn của đại bộ phận người dân. Mỗi tuần, tôi có 3 ngày phải ở BV để chạy thận, dù được BHYT hỗ trợ 95% nhưng mỗi tháng vẫn nộp 450 nghìn đồng viện phí, chưa kể thuốc men và nhiều khoản khác. Vợ chồng tôi phải thuê trọ gần BV, đi làm thêm để có đồng ra đồng vào.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai), việc thay đổi giá dịch vụ y tế có ảnh hưởng tới bệnh nhân chạy thận nhân tạo được BHYT chi trả 95%. Cụ thể, khi giá dịch vụ y tế chưa điều chỉnh, chi phí chạy thận nhân tạo là 9 triệu đồng, bệnh nhân có bảo hiểm phải chi trả 5%, tức là 450.000 đồng. Khi giá dịch vụ y tế có sự điều chỉnh, lên 10 triệu đồng, BHYT chi trả 9,5 triệu đồng, người bệnh sẽ phải chi trả 500.000 đồng.
Dư luận đặt câu hỏi, tại sao ngành Y tế không tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trước, đầu tư xây thêm nhiều BV, sau đó mới tính đến việc điều chỉnh viện phí? PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Hữu nghị Việt-Đức cho rằng, nếu cứ để giá viện phí thấp sẽ gây ra một loạt hệ lụy, tạo ra sự mất cân bằng trong khám, chữa bệnh và là nguyên nhân gây ra nhiều tiêu cực trong ngành Y tế. Còn ông Nguyễn Nam Liên dẫn chứng, từ đợt điều chỉnh tăng giá viện phí vào năm 2012, sau hơn 3 năm thực hiện, bộ mặt khoa khám bệnh và buồng bệnh của hầu hết BV trên cả nước đã thay đổi, chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên một bước. Nếu đặt vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ trước thì rất khó, mà phải đi song song từng bước một, vừa điều chỉnh giá, vừa nâng cao chất lượng. "Để tránh việc tăng viện phí sẽ gây "sốc" cho người bệnh, trước mắt, việc điều chỉnh giá viện phí lần này chỉ áp dụng với người bệnh thanh toán BHYT" - ông Nguyễn Nam Liên cho biết.
Tuy nhiên, sau khi tăng giá viện phí, chất lượng khám chữa bệnh, nhất là với đối tượng BHYT có đáng "đồng tiền bát gạo"? Đây là câu hỏi khó có lời đáp. Bởi hiện nay, các BV tuyến cuối đều quá tải, BV tuyến dưới không đáp ứng được yêu cầu của người bệnh. Còn người bệnh có thẻ BHYT đi khám bệnh tại các cơ sở y tế sợ bị "hành", bị "phân biệt đối xử". Vì sức khỏe, có bệnh nhân chọn cách "bỏ" thẻ BHYT và chuyển sang khám chữa bệnh dịch vụ, theo yêu cầu.
* Ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng: Chúng ta đang trong giai đoạn quá độ từ nền y tế bao cấp sang y tế vận hành theo thị trường. Có thể khi viện phí tăng, chất lượng dịch vụ y tế sẽ tăng nhưng tăng ở mức độ nào, tăng ở tuyến nào thì phải chờ đợi. * Chị Bùi Thị Tân, ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên: Tôi đồng ý với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Song, với chất lượng khám chữa bệnh của tuyến huyện, xã như hiện nay thì người bệnh không thể yên tâm. Đơn cử như tôi bị viêm đỏ mắt, tôi có khám tại một phòng khám ở huyện Kim Động, Hưng Yên nhưng sau 3 ngày uống thuốc và tiêm, mắt tôi vẫn đỏ và nhìn mờ. Vì vậy, tôi đã phải đến BV Mắt trung ương để điều trị mới khỏi và khi vượt tuyến không được hưởng BHYT. * Ông Âu Xuân Kiên, Tổ 2, phường Việt Hưng, quận Long Biên: Lần nào tăng viện phí, ngành Y tế cũng kèm theo "khẩu hiệu" tăng chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, viện phí tăng thường xuyên nhưng chất lượng khám chữa bệnh trong nhiều năm qua chưa được cải thiện là bao. Không ít BV tuyến cuối vẫn xảy ra tình trạng quá tải, bệnh nhân chen chúc 2-3 người/giường. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.