(HNM) - LTS: Từ lâu, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia của Hà Nội không còn là nhiệm vụ của riêng Ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), mà của cả hệ thống chính trị. Nghị quyết của HĐND thành phố trong các giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội đều đặt ra chỉ tiêu về việc xây dựng trường chuẩn quốc gia (CQG).
Giờ học tin học của Trường Tiểu học chất lượng cao đô thị Sài Đồng - một trong những trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II của TP Hà Nội.Ảnh: Viết Thành |
Tính đến tháng 10-2016, tổng số trường công lập đạt CQG của toàn thành phố là 1.138 trường, chiếm tỷ lệ 54,4%. Tuy nhiên, chặng đường kế tiếp hướng tới mục tiêu xây dựng những ngôi trường khang trang, hiện đại với đầy đủ điều kiện phục vụ cho việc dạy và học vẫn còn nhiều thách thức...
Hiện nay, dù tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) của Hà Nội đã là 54,4%, song tiến độ xây dựng trường chuẩn ở các nơi có sự chênh lệch khá rõ, nơi cao đạt tới 93%, nhưng vẫn có địa phương chỉ mới dừng ở con số 23%. Thực tế ấy đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của cả hệ thống chính trị nhằm tìm ra giải pháp thiết thực, phù hợp, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo niềm tin với phụ huynh, chứ không chỉ đơn giản là dựng xây một thương hiệu.
Sức bật từ một chủ trương
Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Công tác xây dựng trường CQG trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến rõ rệt. Nếu như năm 1998, toàn thành phố mới có 6 trường đạt CQG, thì đến tháng 9-2010 có 541 trường, đạt tỷ lệ 24%, cao hơn so với tỷ lệ trung bình của cả nước, nhưng vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và yêu cầu, nhiệm vụ.
Nghị quyết số 06/2011/NQ-HĐND ngày 15-7-2011 của HĐND thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 với chỉ tiêu có từ 50 đến 55% số trường đạt CQG đã chính thức đưa phần việc này trở thành "chỉ tiêu pháp lệnh" trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp “trồng người”. Nghị quyết đã tạo động lực thúc đẩy toàn Ngành GD-ĐT Hà Nội nỗ lực chăm chút cho từng tiêu chuẩn để tạo nên một ngôi trường có đủ 5 tiêu chuẩn CQG; huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhằm mục tiêu xây dựng những ngôi trường khang trang, hiện đại với đầy đủ điều kiện phục vụ cho việc dạy và học.
Ghi nhận từ thực tế, có thể thấy rõ sự chuyển dịch từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà trường với việc xây dựng trường chuẩn. Với hầu hết các nhà trường, việc xây dựng trường CQG đã trở thành nhu cầu cấp thiết để tạo ra môi trường toàn diện, với đầy đủ các điều kiện tốt nhất cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Trường CQG không phải là một danh hiệu thi đua.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, tổng số trường công lập đạt CQG của toàn thành phố tính đến tháng 10-2016 là 1.138 trường trong tổng số 2.093 trường, chiếm tỷ lệ 54,4%. Chỉ tính trong khoảng thời gian 3-4 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm số trường chuẩn tăng bình quân 118-220 trường, trong khi đó giai đoạn 3 năm sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (2009-2011) là 72 trường/năm; giai đoạn 12 năm trước đó (từ năm 1997-2008) là 36 trường/năm.
Trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) - một trong những trường đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội. Ảnh: Mai Chi |
Mỗi nơi một kiểu khó
Theo số liệu hiện nay, chỉ tính riêng cấp THCS của Hà Nội là 60,4% số trường chuẩn, trong khi tỷ lệ trung bình cả nước là 36,8%; ở cấp THPT là 29%, so với tỷ lệ toàn quốc là 20%. Dù vậy, nếu tính kết quả riêng của từng cấp học, từng địa bàn của Hà Nội, thì số lượng và tỷ lệ trường đạt CQG của Hà Nội có sự chênh lệch đáng kể. Mầm non hiện là cấp học có tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn thấp nhất (40%), cao nhất là cấp tiểu học (gần 66%). Toàn thành phố có 9 quận, huyện nằm trong tốp có tỷ lệ trường đạt chuẩn cao nhất, trong đó Long Biên dẫn đầu với 93%, bỏ xa đơn vị cuối bảng Phú Xuyên với 23%. Trong danh mục 9 đơn vị xếp từ dưới lên về tỷ lệ trường đạt chuẩn, phần lớn là các huyện, nhưng cũng có cả quận nội thành.
Tại hội nghị vừa diễn ra về công tác xây dựng trường chuẩn năm 2016, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, trong đó khó khăn nhất ở các huyện ngoại thành là thiếu kinh phí. Điều kiện kinh tế - xã hội ở các địa bàn này còn nhiều khó khăn, nhiều trường xây dựng đã quá lâu, trong khi vừa phải lo kinh phí đầu tư cho trường công nhận mới, vừa tập trung duy tu, củng cố những trường đã đạt chuẩn. Điều này đòi hỏi sự chủ động, nỗ lực của chính địa phương, nhưng cũng cần sự hỗ trợ kịp thời của UBND thành phố trong việc đầu tư xây dựng trường chuẩn.
Theo bà Nguyễn Lưu Luyến, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Xuyên, 3 năm gần đây, tổng thu ngân sách của toàn huyện tăng từ 74 tỷ đồng lên 132 tỷ đồng, năm nay phấn đấu là 135 tỷ đồng, nhưng nhu cầu chi là khoảng 1.000 tỷ đồng. Dù Huyện ủy, UBND huyện rất coi trọng nhiệm vụ xây dựng trường đạt CQG, nhưng dù đã được hưởng cơ chế đặc thù của thành phố song kinh phí khó khăn nên tiến độ xây dựng trường chuẩn của huyện vẫn chưa như mong muốn.
Nằm trong số những quận nội thành lõi, song việc xây dựng trường CQG với Ba Đình lại có cái khó riêng. Toàn quận có 88 trường học với số lượng học sinh khoảng 50.000. Do có nhiều tòa nhà được xây mới, tốc độ dân số tăng nhanh, nên áp lực về quy mô học sinh là thách thức của hầu hết các trường trên địa bàn. Đây cũng là nguyên nhân làm chậm tốc độ xây dựng trường chuẩn mới lẫn cả việc thẩm định công nhận lại những trường đã đạt chuẩn trong giai đoạn trước của Ba Đình.
Mỗi nơi một kiểu khó. Xác định rõ những mảng việc trọng tâm để ưu tiên đầu tư hiệu quả, tránh dàn trải là việc cần rốt ráo triển khai. Có như vậy mới đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường CQG, tiến tới đạt mục tiêu có từ 65 đến 70% số trường đạt chuẩn vào năm 2020 như Nghị quyết HĐND thành phố đề ra.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.