Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Đất vàng bỏ hoang và những hệ lụy

Nhóm PV NN-NT| 18/06/2014 06:14

LTS: Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) trong năm 2013, tuy nhiên sau hai năm quyết liệt triển khai, Hà Nội vẫn còn 3.200ha chưa thực hiện DĐĐT, nằm rải rác trên địa bàn 49 xã, thuộc 11 huyện.

LTS: Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) trong năm 2013, tuy nhiên sau hai năm quyết liệt triển khai, Hà Nội vẫn còn 3.200ha chưa thực hiện DĐĐT, nằm rải rác trên địa bàn 49 xã, thuộc 11 huyện. Dù chỉ chiếm hơn 3% diện tích, song lại ẩn chứa nhiều hệ lụy, không ít diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang do vướng mắc trong DĐĐT, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của một bộ phận người dân; thậm chí ở một số nơi vẫn có dấu hiệu người dân không nhận ruộng sản xuất…

Bài đầu: Đất vàng bỏ hoang và những hệ lụy

Trước thực trạng một số địa phương chưa hoàn thành DĐĐT, ngày 18-4, tại hội nghị giao ban quý I-2014 về thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 Nguyễn Công Soái đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành diện tích cần DĐĐT theo kế hoạch trước tháng 5-2014. Song đến nay, việc DĐĐT vẫn chưa tiến triển nhiều.

Xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (Hà Nội) hiện còn tới 128,6ha đất nông nghiệp có nguy cơ bỏ hoang do người dân không đồng thuận với phương án dồn điền đổi thửa.


Nóng chuyện DĐĐT

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương, triển khai công tác DĐĐT ở Hà Nội đã thu được kết quả rất lớn. Đến nay, đa số các huyện đã chỉ đạo thực hiện xong và cơ bản xong việc DĐĐT với diện tích 73.569,97ha/76.365,07ha, bằng 96,34% kế hoạch. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 3.200ha chưa thực hiện DĐĐT. Trong đó, các huyện Quốc Oai có 800,16ha, ở 6 xã (Tuyết Nghĩa, Cộng Hòa, Yên Sơn, Đồng Quang, Ngọc Liệp); huyện Đông Anh có 600,58ha, ở 4 xã (Thụy Lâm, Vân Hà, Liên Hà, Dục Tú) và huyện Ứng Hòa có 533,9ha, ở 4 xã (Viên An, Vạn Thái, Phương Tú , Viên Nội). Đáng lưu ý, trong số đó có 275,6ha người dân bỏ không sản xuất vụ chiêm xuân như xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) là 128,6ha; hai xã Tuyết Nghĩa, Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai) là 90ha; xã Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín) là 42ha và xã Hòa Bình (huyện Thường Tín) là 15ha.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, ngoài những nguyên nhân do đặc thù đồng đất khó dồn đổi, ở một số địa phương triển khai DĐĐT còn chưa quyết liệt, chưa đúng quy trình theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT, khiến người dân chưa đồng tình. Có nơi người dân lại lợi dụng những khó khăn trong DĐĐT để "phá đám". Một số nơi còn tồn tại vướng mắc trong quản lý đất đai từ nhiều nhiệm kỳ trước, người dân gây sức ép, đòi hỏi phải giải quyết các tồn tại mới nhận ruộng… Điển hình như thôn Nguyễn Xá, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, những tồn tại trong công tác DĐĐT kéo dài từ vụ xuân đến nay vẫn chưa được giải quyết. Tại thôn Yên Trường, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, một số hộ dân các xóm Trung Tiến, An Ninh, Tân Yên chưa nhất trí rũ rối đất 5% và chưa đồng tình với việc tính hệ số K khi chuyển đất màu sang đất lúa, nên chưa nhận 69,7ha đất nông nghiệp để sản xuất. Ông Bùi Đắc Kiểm (thôn Yên Trường) thắc mắc, xã có 3 thôn nhưng hai thôn Nhật Tiến, Phù Yên và xóm Quyết Tiến (thôn Yên Trường) lại được giữ nguyên đất 5%, trong khi hai xóm An Ninh và Trung Tiến đất 5% đã được chia gọn khu, sản xuất ổn định nhưng không hiểu sao lại bị rũ rối? Tương tự, tại thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, do thiếu sót trong công tác quản lý ruộng đất từ trước của lãnh đạo địa phương, khi tiến hành DĐĐT một số hộ dân đề nghị cưỡng chế 22 hộ đã vi phạm trật tự xây dựng, thu hồi đất lấn chiếm và đề nghị san gạt mặt ruộng cho phẳng do đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng mới nhận ruộng sản xuất… Còn thôn Trường Xuân, xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, 41 hộ dân chưa đồng thuận với phương án DĐĐT, không nhất trí góp 21m2/sào làm quy hoạch giao thông thủy lợi nội đồng, cán bộ thiếu gương mẫu. Các thôn Đống, Trung, Vĩ, Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai "tố" cán bộ yếu, thiếu gương mẫu, phương án DĐĐT chưa được đồng thuận cao đã thực hiện việc đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng. Người dân đề nghị mỗi hộ 2 thửa, Ban chỉ đạo DĐĐT chỉ cho gắp 1 thửa, do tỷ lệ diện tích/người thấp…

... Và những hệ lụy

Việc chậm hoàn thành DĐĐT giao ruộng cho người dân, nhất là 275,6ha ở một số nơi, người dân bỏ đất hoang, không canh tác được, đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế của nhiều hộ gia đình nông dân. Đặc biệt, tại các xã thuần nông, người dân chỉ trông vào cây lúa, đồng nghĩa với việc một số hộ dân thiếu gạo phải ăn đong. Trong khi một số địa phương, bước đi, cách làm còn bộc lộ nhiều sai sót thì một bộ phận không nhỏ người dân ở các thôn đã lợi dụng việc DĐĐT tư lợi cá nhân và lôi kéo người dân khiếu kiện vượt cấp, gây rối làm mất an ninh trật tự địa phương và ảnh hưởng đến phong trào chung toàn thành phố. "Điển hình như tại đội 6, xã Hòa Bình, một số phần tử xấu tuyên truyền và thu tiền các hộ đóng góp để đi khiếu kiện vượt cấp. Nếu hộ nào không góp tiền, khi đòi được đất sẽ không được chia và gia đình đó sẽ bị cô lập. Tương tự, tại thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Trưởng thôn Nguyễn Hữu Tân cho hay, triển khai công tác DĐĐT, người dân nhất trí cao với phương án được thôn đưa ra. Tháng 10-2013, khi triển khai giao ruộng, người dân phản hồi ruộng không bằng phẳng nên không nhận. Trong khi đó, có một số đối tượng ngăn cản, đe dọa người dân gắp phiếu - ông Tân cho biết.

Theo Trưởng thôn Nam Dương, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa Đinh Văn Viễn, đến nay, thôn đã hoàn thành giao ruộng được 98% diện tích; diện tích còn lại chỉ chiếm 2% (tương đương 6.000m2) theo kế hoạch được giao cho 42 hộ dân. Ông Viễn khẳng định: "Việc xây dựng phương án, giao ruộng cho dân được làm hết sức minh bạch và rõ ràng nhưng đang bị 3 hộ gia đình chính sách cho mình là "công thần" đưa ra những yêu sách và không chịu giao ruộng để thôn chia cho 42 hộ. Hiện 42 hộ này chưa nhận được ruộng canh tác đã yêu cầu thôn phải "đền bù" sản lượng 200kg thóc/sào/vụ, nhưng thôn không lấy ở đâu ra để trả". Hiện thôn Nam Dương đang tiềm ẩn trở thành điểm nóng, phức tạp tại cơ sở. Đáng ngại nhất, nếu không giao được đất cho các hộ này, dẫn đến một hệ lụy nghiêm trọng hơn, đó là người dân mất niềm tin vào Đảng, vào chính quyền.

Rõ ràng, việc chậm giải quyết những vướng mắc khiến người dân chưa thể được nhận ruộng để sản xuất đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân và phong trào phát triển KT- XH của các địa phương trên địa bàn Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Đất vàng bỏ hoang và những hệ lụy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.