(HNM) - Khi thực phẩm
Thưởng cho người tố cáo, xử lý nghiêm vi phạm
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Thanh tra Bộ NN&PTNT, mức độ xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTP hiện nay quá nhẹ nên không đủ sức răn đe. Từ ngày 1-7-2016, khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được xem xét dưới góc độ cấu thành các tội liên quan tới sức khỏe con người. Đối tượng sản xuất, kinh doanh chất cấm có thể bị phạt 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt tù 1-5 năm; vận chuyển chất cấm phạt 200 triệu đồng, phạt tù 1-5 năm; sử dụng chất cấm bị phạt 200-500 triệu đồng, phạt tù 1-5 năm. Nếucó tình tiết tăng nặng có thể đến 20 năm tù...
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), việc sửa đổi luật sẽ tạo hành lang pháp lý để cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, để hạn chế chất cấm trong chăn nuôi cần phải kiểm soát các hoạt động nhập khẩu dọc đường biên giới. Mặt khác, đối tượng đưa chất cấm vào các hộ chăn nuôi chủ yếu là thương lái nên phải có biện pháp xử lý triệt để các đối tượng này.
Loại trừ vấn nạn chất cấm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN&PTNT trong năm 2016 với mục tiêu giải quyết dứt điểm và tiêu hủy toàn bộ động vật có nhiễm chất cấm. Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Để chấn chỉnh việc lạm dụng chất cấm, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, cần tăng cường lấy mẫu, giám sát, nếu phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn và " nói không" với sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mặt khác, các địa phương phải chỉ cho người tiêu dùng nơi bán sản phẩm an toàn và thường xuyên kiểm tra giám sát về chất lượng. Bên cạnh đó là xử lý nghiêm hành vi vi phạm và có chế độ thưởng cho người tố cáo hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP.
Mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Văn Đức - Gia Lâm. Ảnh: Thái Hiền |
Kiểm soát chất lượng sản phẩm từ chợ đầu mối
Nhằm bảo đảm cung cấp nguồn thực phẩm, an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban điều phối chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn (với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp thuộc 20 tỉnh, thành phố). Qua các chuỗi liên kết này, các mặt hàng nông sản như rau, quả, thịt, trứng, cá, tôm, gạo có chất lượng tốt được đưa về các siêu thị và điểm phân phối, đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng. Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định: Ngành nông nghiệp Hà Nội coi việc xây dựng, phát triển, nhân rộng các chuỗi sản xuất an toàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong thời gian tới. Việc phát triển các chuỗi cung ứng, không chỉ hướng tới với mục tiêu thị trường mà còn có tác động tích cực đến các vùng sản xuất. Theo Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Hoàng Văn Thám, chỉ cần 80% bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện tiêu thụ rau an toàn thì "đầu ra" cho sản phẩm "sạch" sẽ rất rộng và đây là kênh lớn giúp cho thị trường này sôi động hơn. Được biết, năm 2016, Hà Nội sẽ xây dựng 35 chuỗi thực phẩm an toàn gồm rau, thịt, quả, chè có xác nhận chất lượng và công bố công khai.
Liên quan đến việc phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho các thành phố sẽ được đẩy mạnh để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản Việt Nam. Trong bối cảnh ngành Nông nghiệp ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và quốc tế, nếu không làm được điều này thì sản phẩm nông nghiệp sẽ không đủ sức cạnh tranh bởi người tiêu dùng trong nước sẽ lựa chọn nông sản của nước ngoài ngay tại thị trường Việt Nam.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cam kết giải quyết các vấn đề về an toàn thực phẩm Chiều 3-4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có buổi trao đổi với một số cơ quan báo chí về phát ngôn liên quan tới vấn đề ATTP nông, lâm, thủy sản của ông trên diễn đàn Quốc hội chiều 1-4. Lý giải về phát ngôn "Đa số thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng nhân dân không biết", Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, do thời gian trình bày ngắn, diễn đạt chưa rõ ràng đã làm cho các độc giả, người dân bức xúc. Số liệu mà Bộ NN&PTNT có được cho thấy phần lớn thực phẩm của ta là an toàn, nhưng người dân khó có thể phân biệt, không biết đâu là thực phẩm thực sự an toàn, đâu là thực phẩm có vi phạm. Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận: "Để giúp người dân phân biệt được là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT và các cơ quan quản lý nhà nước nên Bộ đang phối hợp với các địa phương xây dựng những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, có xác nhận, có thương hiệu và thông tin để người dân yên tâm mua và tiêu dùng". Hiện Bộ NN&PTNT đã phối hợp với 35 tỉnh, thành phố xây dựng được 280 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và bán tại 549 cửa hàng, trong đó 406 cửa hàng đã có xác nhận. Người đứng đầu Bộ NN&PTNT cũng khẳng định, việc bảo đảm ATTP là nhiệm vụ trọng tâm số một của ngành và cam kết quyết tâm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về ATTP trong thời gian tới. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.