(HNM) - Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, sự vào cuộc của các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn, vệ sinh thực phẩm là vô cùng cần thiết.
Lực lượng liên ngành kiểm tra và tạm đình chỉ tiệm bánh Nhọ Nồi (144 phố Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội). |
Kiểm soát ngay từ nguồn nguyên liệu
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia, việc không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm của một công đoạn hay nhiều công đoạn làm bánh, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của người sử dụng. Bởi trong mỗi loại nguyên liệu (bột, nhân bánh...) đều có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây nên các loại bệnh như: Tả, lỵ, tiêu chảy... Ngoài ra, mỗi loại bánh đều có nguy cơ ô nhiễm hóa chất độc hại (chất bảo quản, chất ổn định, chất tạo màu cấm sử dụng...). Hơn nữa, các điều kiện vệ sinh nơi sản xuất nếu không bảo đảm, đều có nguy cơ chứa đựng các tác nhân làm bánh không bảo đảm chất lượng.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, dịp Tết Trung thu năm nay, thành phố đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã cũng lập các đoàn liên ngành để kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh, kẹo trên địa bàn trong dịp cao điểm này. Dù hằng năm, cứ vào mùa Trung thu, các hộ gia đình sản xuất bánh lại được chính quyền địa phương tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn, vệ sinh thực phẩm, song, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm của họ vẫn chưa cao.
Để ngăn chặn bánh “bẩn”, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, trong quá trình kiểm tra, đối với các cơ sở sản xuất cần tập trung thanh tra, kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, kiểm nghiệm sản phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở, việc ghi nhãn, bao bì sử dụng, công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm hoặc bán thành phẩm, quy định vệ sinh cá nhân người trực tiếp sản xuất. Còn đối với các cơ sở kinh doanh cần thanh tra, kiểm tra điều kiện nơi bảo quản, bày bán, nguồn gốc, xuất xứ, hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, quy định ghi nhãn sản phẩm…
“Làm sao để công tác thanh tra, kiểm tra phải thực sự quyết liệt, tránh tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”. Bên cạnh việc tập trung phát hiện, xử lý sai phạm, quá trình thanh tra, kiểm tra còn phải kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức thực hành an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng” - ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.
Đại diện Đoàn kiểm tra liên ngành trung ương số 2 về vệ sinh an toàn thực phẩm góp ý, vào thời điểm này, các đoàn kiểm tra từ trung ương, thành phố đến quận, huyện, thị xã đều đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu. Có những cơ sở, chỉ trong 1 tháng phải “tiếp” đến 2-3 đoàn. Vì vậy, để tránh sự chồng chéo, chủ cơ sở nên lưu lại biên bản sau mỗi lần kiểm tra. Từ những biên bản đó làm căn cứ cho những đoàn kiểm tra khác “soi” vào. Và thay vì việc phải kiểm tra lại từ đầu, các đoàn sau chỉ tập trung giám sát, đánh giá xem cơ sở đã khắc phục những tồn tại như thế nào.
Tăng cường kiểm tra đột xuất
Mùa Trung thu năm nay, từ những yêu cầu khắt khe trong bảo đảm an toàn thực phẩm, toàn TP Hà Nội chỉ còn 154 cơ sở sản xuất bánh trung thu được cấp phép, với 640 sản phẩm được công bố. Thế nhưng, trên thực tế, những cơ sở sản xuất theo thời vụ, không được cấp phép vẫn tung ra thị trường những sản phẩm “trôi nổi”, không rõ nguồn gốc.
Ông Trần Văn Chung cho biết: “Quan trọng là chính quyền địa phương phải thanh tra đột xuất, nếu báo trước thì không thể phát hiện ra sai sót. Ngoài ra phải xử lý nghiêm vi phạm, công bố tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết”.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, khi phát hiện sai phạm, cơ quan chức năng không chỉ xử lý một lần, mà phải quay lại kiểm tra xem cơ sở đó khắc phục ra sao, nếu còn tái phạm sẽ đình chỉ sản xuất. Ngoài những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, Chi cục tăng cường kiểm tra các loại bánh có thương hiệu nổi tiếng, cả ở nội thành và ngoại thành. Bởi lẽ, rất có thể nội thành bán bánh bảo đảm chất lượng, nhưng ngoại thành lại tuồn hàng không bảo đảm chất lượng. Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng sẽ kiểm tra sát sao nguồn gốc nguyên liệu làm bánh trung thu gia công và “handmade” (sản phẩm làm thủ công) tại các làng nghề và hộ sản xuất trên địa bàn Thủ đô.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, nhiều quầy bánh trung thu bày bán trên vỉa hè, dù được trưng bày trong tủ kính, nhưng với lưu lượng xe cộ tấp nập suốt ngày, lại phải phơi nắng, mưa từ sáng sớm tới tối khuya, khả năng bánh giảm chất lượng, nhiễm bụi bẩn, nhiễm khuẩn rất cao. Vì vậy, những quầy bánh này cũng cần được thanh tra, kiểm tra về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần tự bảo vệ bằng cách chọn mua những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, tránh những thiệt hại không đáng có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.