(HNM) - Khi bấm nút thông qua Luật Thủ đô, không ít đại biểu Quốc hội kỳ vọng, bên cạnh trách nhiệm cả nước vì Thủ đô, thì Thủ đô Hà Nội cũng phải vì cả nước để mỗi người dân khi đặt chân đến và trở về đều có thể tự hào về một Thủ đô văn minh, lịch sự, hiện đại, xứng đáng là trái tim của cả nước. Để hoàn thành trọng trách lớn lao này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô và người dân cả nước…
Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật là nếp sống văn minh của người Hà Nội. Ảnh: Trà My |
Trách nhiệm cao nhất thuộc về Thủ đô Hà Nội
Thời gian từ nay đến ngày 1-7-2013 khi Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực không còn nhiều, trong khi đó công việc chuẩn bị để luật đi vào cuộc sống đang đòi hỏi nỗ lực và trách nhiệm rất cao của nhiều cấp, ngành. Tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Thủ đô tổ chức chiều 14-12, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết, công việc trước mắt là Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội và các cơ quan hữu quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện luật. Đồng thời, tiến hành soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Thứ trưởng Lê Hồng Sơn cũng nhấn mạnh, HĐND và UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm cao nhất trong triển khai, thực hiện Luật Thủ đô.
Những điều này cũng đã được quy định rõ trong luật. Trong khi điều 5 quy định cụ thể trách nhiệm của Thủ đô với cả nước, thì tại điều 25 có các điều khoản quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người dân Thủ đô khi thực hiện luật khá chi tiết. Theo đó, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp chính quyền của TP Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện các quy định của pháp luật về Thủ đô và chịu trách nhiệm về những vi phạm, yếu kém xảy ra trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. HĐND định kỳ xem xét báo cáo của UBND TP về việc thực hiện Luật Thủ đô. Cán bộ, công chức, viên chức của Thủ đô phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, luật cũng quy định, người dân Thủ đô có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, nếp sống văn minh, thanh lịch, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi, Luật Thủ đô đã xác định rõ tính chất đặc thù và các chính sách, cơ chế dành cho Thủ đô. Với vị thế và vai trò đặc biệt thì nhân dân và chính quyền Thủ đô có trách nhiệm không những thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của riêng mình mà còn có trách nhiệm rất quan trọng và rất vinh dự là thay mặt cả nước bảo đảm điều kiện và môi trường hoạt động tốt đáp ứng những tiêu chuẩn cao về cơ sở hạ tầng, về quản lý, tổ chức đô thị, về văn minh đô thị, xứng đáng ngang tầm với những thủ đô tiên tiến, văn minh hiện đại khác trên thế giới.
Luật Thủ đô sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện về mọi mặt của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng |
Cả nước với Hà Nội
Hà Nội hiện là đô thị lớn thứ 17 trên thế giới, lớn nhất cả nước về diện tích, đứng thứ hai cả nước về dân số và tổng sản phẩm quốc nội, bên cạnh những thuận lợi cũng có rất nhiều khó khăn phát sinh mà chỉ riêng Hà Nội không thể giải quyết được. Chính vì vậy, Luật Thủ đô đã dành chương 3 quy định trách nhiệm xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các bộ, cơ quan ngang bộ trong quản lý giám sát cũng như phối hợp thực hiện.
Việc luật hóa này là vô cùng cần thiết, bảo đảm nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Đơn cử việc di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội thành Hà Nội. Trên thực tế, nhiều năm nay kế hoạch nói trên khi triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc luật hóa quy định giao Thủ tướng Chính phủ quyết định các biện pháp và lộ trình di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp; bệnh viện; cơ sở giáo dục đại học; cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội thành là tạo cơ sở pháp lý ở tầm luật cho việc tổ chức thực hiện. Và muốn thành công, ngoài quyết tâm, Hà Nội rất cần sự đồng thuận của các bộ, ngành, các đơn vị có liên quan, sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sắc, cụ thể của Chính phủ.
Trong khi chờ đợi các hướng dẫn thi hành Luật, các tổ chức, đoàn thể của Hà Nội cũng đang chủ động xây dựng các kế hoạch "đón" ngày 1-7-2013 thời điểm Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Song đúng như Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhìn nhận, Luật Thủ đô không phải là "đôi đũa thần" để giúp Hà Nội có ngay bộ mặt mới mà cần có thời gian. Đặc biệt là cần sự nỗ lực, chung tay giúp sức của người dân Thủ đô và nhân dân cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.