(HNM) - Nghị quyết số 55-NQ/TƯ của Bộ Chính trị mới ban hành về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được coi là bước đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia. Đó là ưu tiên phát triển năng lượng nhanh, bền vững, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch…
Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch
Đề cập đến việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TƯ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh hai quan điểm có ý nghĩa then chốt. Đó là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, vừa là tiền đề, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ở quan điểm này, việc phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước được ưu tiên, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Quan điểm thứ hai là phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế. Sớm xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, nhiều vấn đề về phát triển năng lượng hiện nay cũng đã được đề cập cụ thể tại Nghị quyết. Như đối với điện gió và điện mặt trời cần ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành hợp lý; xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai chiến lược biển Việt Nam. Còn nhiệt điện khí phát triển theo hướng ưu tiên sử dụng nguồn khí trong nước; chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống.
Riêng nhiệt điện than sẽ phát triển ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái...
Đa dạng nguồn lực đầu tư
Có thể thấy, Nghị quyết số 55-NQ/TƯ đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng trong việc mở cửa thị trường năng lượng cho nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Thực tế, thời gian qua, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã bước đầu tham gia vào phát triển năng lượng, song kết quả còn tương đối khiêm tốn. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nắm giữ 60% nguồn điện, còn 40% của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị phát điện độc lập khác.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Nghị quyết số 55-NQ/TƯ đã mở ra cơ hội cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong tham gia phát triển năng lượng tái tạo, trên nguyên tắc phát triển có hiệu quả, dựa trên yếu tố của giá cả cũng như về công nghệ, độ an toàn. Xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng và hiệu quả cho ngành năng lượng.
Ngoài ra, Nghị quyết số 55-NQ/TƯ tập trung nhấn mạnh về cơ cấu lại toàn diện các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng theo hướng tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, có thế mạnh; tách bạch chức năng kinh doanh với chức năng quản lý nhà nước; áp dụng các mô hình và thông lệ quản trị tiên tiến. Trên cơ sở đó rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách; bảo đảm đầy đủ vốn cho các doanh nghiệp năng lượng nhà nước thực hiện các mục tiêu chiến lược và nhiệm vụ gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Phan Xuân Dương, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3 khẳng định, đây là chủ trương rất đúng, nêu rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước là tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư kinh doanh ở các lĩnh vực. Nghị quyết đã kịp thời tháo gỡ các vướng mắc và huy động được mọi tiềm lực từ các thành phần kinh tế để tham gia vào quá trình phát triển năng lượng quốc gia. Còn Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, Nghị quyết số 55-NQ/TƯ khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã làm thay đổi suy nghĩ, không chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới là "đòn bẩy" phát triển năng lượng.
Dù Nghị quyết số 55-NQ/TƯ mở ra “cánh cửa” rộng hơn để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, song không ít chuyên gia bày tỏ quan điểm: Vấn đề mấu chốt nhất để hiện thực hóa điều này vẫn là cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ trực tiếp. Đó là việc hỗ trợ từ Nhà nước thông qua chính sách tín dụng linh hoạt, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp năng lượng tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án năng lượng xanh; hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ về phát triển năng lượng bền vững, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hóa, bảo đảm độc lập về tài chính, không trùng lặp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước...
Để bảo đảm năng lượng cho phát triển kinh tế, Nghị quyết số 55-NQ/TƯ đã đề ra những mục tiêu quan trọng. Cụ thể là, cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2020-2030; trong đó, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175-195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, đạt khoảng 320-350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130GW, sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỷ kWh. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.