Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Thi đua phải bền bỉ, liên tục

Đức Trường| 25/12/2010 06:05

(HNM) - Những năm 60 của thế kỷ trước, "Sóng Duyên Hải" đã trở thành điển hình thi đua trong công nghiệp của toàn miền Bắc. Ngày đó, Nhà máy Cơ khí Duyên Hải không chỉ là niềm tự hào của riêng Hải Phòng mà còn là lá cờ đầu trong ngành cơ khí. Thế nhưng, sau nửa thế kỷ, "Sóng Duyên Hải" giờ chỉ còn lại tiếng vang trong quá khứ.

Quá khứ vàng son

Lần dò mãi, tôi mới tìm được ông Đào Thăng trước là Phó Giám đốc Nhà máy Cơ khí Duyên Hải chuyên trách Xí nghiệp Đóng tàu Bến Kiền từ năm 1978 đến 1986. Ông Thăng cho biết: "Khi tôi về nhà máy, "Sóng Duyên Hải" đã qua thời kỳ đỉnh cao, nhưng phong trào thi đua vẫn còn sôi nổi lắm". Sự lớn mạnh của Nhà máy Cơ khí Duyên Hải thời kỳ này có công sức không nhỏ của ông Thăng bởi chính Xí nghiệp Đóng tàu Bến Kiền với 1.300 công nhân, nhiều loại máy công cụ lớn, đã đóng thành công nhiều tàu thuyền, trong đó sản phẩm chính là tàu hút bùn các cỡ và tàu đánh cá 400CV. Ông nói: "Nếu muốn tìm hiểu về "Sóng Duyên Hải" con phải tìm gặp bác Trần Đức Lục và bác Nguyễn Xuân Cổn, người sau này về làm Giám đốc Nhà máy Cơ khí Hà Nội".

Anh Nguyễn Tiến Dũng đang điều khiển máy doa.

Trở lại Hà Nội, tôi gặp được ông Nguyễn Xuân Cổn. Đã 86 tuổi nên ký ức ngày trước về "Sóng Duyên Hải" lúc mờ lúc tỏ. Ông kể: "Tôi về Duyên Hải đúng lúc đang cao trào. Người khởi xướng là anh Lục. Nhưng từ những năm 60 đến lúc tôi được điều về Nhà máy Cơ khí Hà Nội, phong trào thi đua rất mạnh, liên tục vượt kế hoạch. Phần mạnh nhất chính là Xí nghiệp Đóng tàu Bến Kiền". Cùng với dòng ký ức ngắt quãng của những người lãnh đạo phong trào ngày nào và trang sử của Công ty Cơ khí Duyên Hải, tôi có những thông tin rõ hơn về "Sóng Duyên Hải" những ngày đầu.

Ngay sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III kết thúc, ngày 14-9-1960, Đảng ủy Nhà máy Cơ khí Duyên Hải tổ chức hội nghị mở rộng bàn và quyết định mở hội thao kỹ thuật vào mùa xuân năm 1961. Chính quyết định này là khởi đầu cho phong trào "Sóng Duyên Hải" toàn miền Bắc. Qua hai đợt hội thao kỹ thuật với những thành công về cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa sản xuất, ngày 15-3-1961, Bác Hồ đã về thăm nhà máy. Tại cuộc nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy, Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: "Phong trào ở đây đương phát triển tốt, đương thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất để bảo đảm hoàn thành vượt mức kế hoạch và sản xuất với phương châm nhiều, nhanh, tốt, rẻ nhưng không nên chỉ bốc lên từng lúc, mà phải bền bỉ, liên tục". Từ đó trong ngành công nghiệp miền Bắc dấy lên phong trào thi đua "Học tập Duyên Hải, đuổi kịp và vượt Duyên Hải". Những năm tiếp theo, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhiều lần về thăm nhà máy.

Trong những năm 1965 đến 1975, Nhà máy Cơ khí Duyên Hải phải gồng mình để duy trì sản xuất vượt qua những thử thách của hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Chính trong lúc gian khó, những người công nhân của Duyên Hải đã khẳng định được bản lĩnh của giai cấp công nhân trong sản xuất và chiến đấu.

Sóng đã thôi vỗ bờ

Cơ chế thị trường định hướng XHCN cùng những thay đổi của cuộc sống đã dồn cơ khí Duyên Hải vào chỗ im hơi lặng tiếng. Cũ kỹ về thiết bị, công nghệ và sản phẩm không tiếp cận được thị trường đã khiến "Sóng Duyên Hải" không còn được sôi sục như những ngày cách nay nửa thế kỷ. Phong trào thi đua vẫn còn, nhưng không được mạnh như trước khi mà đời sống của công nhân không được cải thiện. Từ sau khi xưởng A3 đóng tàu Bến Kiền được tách về Bộ Cơ khí luyện kim thành Nhà máy Cơ khí Bến Kiền, rồi năm 1989 về Bộ Giao thông Vận tải chuyên sản xuất tàu thuyền, những ngành hàng cơ khí còn lại của Duyên Hải chỉ còn sức cầm cự.

Tại địa chỉ 14 Trần Quang Khải nơi Nhà máy Cơ khí Duyên Hải đặt trụ sở trước đây, tôi chỉ còn thấy bãi đất trống rộng 12.000m2 với hai người bảo vệ. Thấy người lạ cầm máy ảnh chụp, bảo vệ ra đuổi như xua tà. Hóa ra bãi đất này đã được Công ty Cơ khí Duyên Hải trả về cho UBND thành phố Hải Phòng vì chủ trương không duy trì những nhà máy, xí nghiệp sản xuất lớn trong nội thành để đổi lại một mảnh đất rộng gần 6ha ngay mặt quốc lộ 5 cũ.

Tiếp chúng tôi tại nơi tọa lạc mới của Duyên Hải trên quốc lộ 5 cũ, ông Nguyễn Đình Chi, Trưởng phòng tổ chức hành chính có vẻ ngại ngần khi đề cập đến thực tại của công ty. Ông Chi cho rằng, từ cấp lãnh đạo thời kinh tế thị trường đến những người công nhân đều không theo kịp bước tiến của cuộc sống. "Thị trường vẫn cần sản phẩm nhưng công ty chưa đáp ứng được. Vay ngân hàng khó vì lãi suất thì cao trong khi ngành cơ khí cần đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn hàng chục năm. Tiền đền bù từ "mảnh đất vàng" 14 Trần Quang Khải chưa về, thế nên không đủ vốn để đầu tư chiều sâu" - ông Chi nói.

Trong đợt chuyển cơ ngơi từ Trần Quang Khải ra Quán Toan, công nhân của công ty phải nhận hỗ trợ 300.000 đồng mỗi tháng. Nhiều thợ lành nghề đã bỏ đi vì không chịu được thu nhập quá thấp. Giờ chỉ còn lại vài người như ông Nguyễn Xuân Phú, đã 61 tuổi, thợ doa bậc 4/4 ở phân xưởng cơ khí đang dạy nghề cho con trai thứ hai của mình tên là Nguyễn Tiến Dũng. Gần 6ha có vẻ như quá rộng cho một công ty chỉ còn hơn 250 người với trang thiết bị cũ kỹ. Sóng Duyên Hải giờ đã lặng!

Lời kết: Chúng tôi kết thúc loạt bài viết về những ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua xây dựng XHCN trên miền Bắc những năm 60 thế kỷ trước với cảm giác vừa vui vừa buồn. Vui vì hầu hết những ngọn cờ đầu thi đua sau bao nhiêu năm vẫn được phát huy và vẫn dẫn đầu. Buồn vì có ngọn cờ đầu như "Sóng Duyên Hải" trở thành… vang bóng một thời. Có ai đó đã nói: Hôm nay bạn là anh hùng, nhưng ngày mai người ta sẽ không tung hô nếu bạn không giữ được phẩm chất, không tiếp tục tiến về phía trước. Đó là quy luật của cuộc sống, là quy luật của nền kinh tế thị trường. Và nói về phong trào thi đua, Bác Hồ cũng từng căn dặn khi về thăm Duyên Hải: "Không nên chỉ bốc lên từng lúc, mà phải bền bỉ, liên tục". Nửa thế kỷ đã trôi qua, cờ Ba Nhất vẫn phấp phới tung bay; gió Đại Phong vẫn tiếp tục thổi; trống Bắc Lý vẫn vang xa, nhưng "Sóng Duyên Hải" thì đã lặng. Từ Duyên Hải, chúng ta rút ra được nhiều bài học, cho những điểm sáng trên các lĩnh vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Thi đua phải bền bỉ, liên tục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.