(HNM) - Để việc kiểm soát sản phẩm động vật trong và ngoài thành phố đưa về Hà Nội, đặc biệt là trong dịp Tết sắp tới vào nền nếp, nhiều ý kiến cho rằng phải xử lý dứt điểm tình trạng “trên nóng, dưới nguội” hiện nay, trong đó tập trung kiểm dịch tại gốc và tăng cường phối hợp trong xử lý vi phạm...
Tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm ra thị trường. Ảnh: Linh Ngọc |
Kiểm dịch từ gốc
Theo quy luật vào dịp Tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao, đây là cơ hội thương lái trà trộn, bán sản phẩm không rõ nguồn gốc vào các chợ. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, để ngăn chặn tình trạng trên, trước mắt, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra các cơ sở đang giết mổ nhưng không đủ điều kiện vệ sinh thú y, chưa được cấp phép và chính quyền địa phương phải cương quyết xóa bỏ, nghiêm cấm hoạt động giết mổ này, đưa các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào các khu tập trung theo quy hoạch.
Yêu cầu đầu tiên chính là các địa phương cần quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh, xử lý nghiêm các tiểu thương bày bán sản phẩm động vật không có dấu kiểm soát giết mổ để bắt buộc thương lái phải mua sản phẩm động vật ở lò mổ đã được quản lý. Đối với các ngành chức năng, cần tăng cường kiểm dịch tại nơi sản xuất đối với động vật, sản phẩm động vật; xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm (GSGC) ốm, chết không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch lưu thông, ra vào thành phố. Các xã, thị trấn có bến phà, đò giáp ranh với chợ hoặc nơi buôn bán động vật cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý để ngăn chặn vi phạm. Đồng thời quy trách nhiệm cho các ban quản lý chợ về việc để xảy ra tình trạng kinh doanh, buôn bán GSGC bệnh, động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch vận chuyển, bày bán trong chợ.
Đối với trường hợp tiểu thương trốn tránh hoặc bán hàng lưu động không rõ nguồn gốc, Ban Quản lý chợ cần thông báo kịp thời với lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an để tịch thu, tiêu hủy và xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp cố tình vi phạm mới cho hiệu quả.
Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng
Hiện Hà Nội mới đáp ứng được 60% sản phẩm động vật, còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu. Vì vậy, các chốt kiểm dịch động vật liên ngành cần tăng cường công tác phối hợp, trực 24/24 giờ với đầy đủ các lực lượng gồm: Công an, quản lý thị trường, thú y để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhà nước cần đầu tư trang thiết bị, kinh phí cho công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y cho các chốt đầu mối nhằm phát huy hiệu quả. Về lâu dài, lực lượng chức năng của thành phố cần phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, buôn bán giết mổ động vật, sản phẩm động vật đưa về Hà Nội cũng như từ Hà Nội đưa đến các tỉnh, thành phố khác.
Đối với chính quyền cấp huyện, xã, nhiều địa phương đề nghị các ngành chức năng tham mưu cho thành phố cho phép tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác này, đặc biệt là cấp kinh phí cho các địa phương làm công tác xét nghiệm, thành lập đội quản lý về an toàn thực phẩm tại cơ sở để thường xuyên kiểm tra, giám sát... Đặc biệt là có chính sách hỗ trợ cao hơn cho cán bộ thú y thôn, bản, làng, xã để khuyến khích họ tích cực tham gia vào việc kiểm soát, phát hiện vi phạm, giết mổ không đúng quy định. Để từng bước đưa việc kiểm soát sản phẩm động vật trên địa bàn vào nền nếp, các quận, huyện, thị xã cần xây dựng các chuyên đề phù hợp về an toàn thực phẩm trong sản xuất, lưu thông, giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để định kỳ tuyên truyền trên truyền hình, báo chí, pano, tờ rơi… nhằm phổ biến pháp luật, các quy định đối với người sản xuất kinh doanh và định hướng người tiêu dùng. Đồng thời, giúp người dân thay đổi thói quen tiêu dùng và lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có bao gói, tem nhãn.
Về lâu dài, các tỉnh, thành phố cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo quy trình khép kín, có sự kiểm soát chặt chẽ từ khâu chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến hệ thống phân phối nhằm cung cấp sản phẩm động vật an toàn cho thị trường. Cục Thú y cần ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, kiểm tra sản phẩm động vật để việc triển khai giữa các địa phương và các ngành chức năng được đồng bộ, với mục đích để từng bước quản lý được sản phẩm thịt bán trên thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.