Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Quyết tâm tạo sự thay đổi

Thu Trang| 20/04/2016 06:36

(HNM) - Hà Nội đang rốt ráo đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp để quyết tâm tạo ra sự thay đổi lớn trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, văn minh đô thị.

Thức ăn đường phố khó kiểm soát bởi hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, cơ động. Ảnh: Anh Tuấn


Những khó khăn ở cơ sở

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Luật ATTP và các văn bản pháp quy có liên quan đã quy định rõ, có sự phân cấp trong quản lý để bảo đảm an toàn cho chuỗi thực phẩm. Đối với loại hình thức ăn đường phố, chính quyền cơ sở là cơ quan quản lý hiệu quả nhất do nắm vững địa bàn, đối tượng.

Tuy nhiên, khi được hỏi, đa phần chính quyền địa phương đều cho biết, việc quản lý kinh doanh thức ăn đường phố gặp rất nhiều khó khăn. Trên địa bàn quận Đống Đa hiện có 959 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 715 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Chỉ trong vòng hơn một tháng (từ ngày 29-2 đến 15-4), Đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP của quận đã kiểm tra 17 cơ sở, phát hiện 12 cơ sở vi phạm (nhắc nhở 1 cơ sở, đóng cửa 3 cơ sở và 8 cơ sở bị phạt 38,9 triệu đồng). Bà Hà Thị Lê Nhung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, những vi phạm chủ yếu là không có phương tiện phòng chống côn trùng và động vật gây hại; vệ sinh cơ sở không đạt; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng; phương tiện bảo quản thực phẩm không bảo đảm quy định… Nhiều điểm sản xuất, kinh doanh thực phẩm nằm sâu trong ngõ, ngách, tổ dân phố, không có địa điểm cố định, nên việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Phó Trưởng phòng Y tế quận Đống Đa cho biết, quận mới chỉ thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch, còn thanh tra đột xuất thì chưa thực hiện được. Khi phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm phải chờ đến khi có quyết định của Chủ tịch UBND quận mới được kiểm tra, đủ để chủ cơ sở tẩu tán tang vật...

Ông Nguyễn Cảnh Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Láng Hạ (quận Đống Đa) cho rằng, quản lý thức ăn đường phố rất khó, do các cơ sở bất hợp tác với tổ thanh tra. Đó là chưa kể, Phó Chủ tịch UBND phường (thường làm tổ trưởng thanh tra) phải kiêm nhiệm quá nhiều việc, từ hành chính một cửa, đến phòng chống dịch bệnh, gia đình chính sách…

Còn theo ông Hoàng Đức Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung (huyện Đông Anh), giám sát ATTP tại cơ sở rất khó khăn, dù đã được trao quyền. Bởi những người bán xôi, trứng vịt lộn, cháo sườn cho công nhân khu công nghiệp chỉ hoạt động từ 5h đến 7h hằng ngày.

Khó mấy cũng phải làm!

Thể hiện quyết tâm của Thủ đô kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không bảo đảm ATTP, ngày 14-4-2016, UBND TP Hà Nội đã có Chỉ thị số 08/CT-UBND về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Theo chỉ thị này, đến nay đã có 99% các cơ sở dịch vụ ăn uống ký cam kết bảo đảm đủ điều kiện ATTP, nhưng khoảng 17% cơ sở chưa đạt các điều kiện về ATTP, cơ sở chật hẹp, lấn chiếm vỉa hè… Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu yêu cầu, tại 30 tuyến phố văn minh đô thị được đăng ký làm điểm ở mỗi quận, huyện, thị xã phải duy trì và nhân rộng mô hình điểm về thức ăn đường phố, bảo đảm ATTP. Ngay trong Tháng hành động vì ATTP năm 2016 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), toàn thành phố phải triển khai mạnh mẽ hơn nữa bảo đảm ATVSTP, triển khai đúng chỉ đạo của thành phố, không thể để xảy ra tình trạng "trên bảo, dưới không nghe".

Cuối năm 2013, Sở Y tế Hà Nội bắt đầu triển khai đề án xây dựng "mô hình tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống bảo đảm ATTP" và đã chọn phố Quán Thánh (phường Quán Thánh, quận Ba Đình) - nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống để tiến hành thí điểm. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, việc triển khai mô hình tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống bảo đảm ATTP không phải dễ. Ngay cả 10 quy định bắt buộc về bảo đảm ATTP thức ăn đường phố dễ thực hiện như: Ghi chép đầy đủ nguồn gốc thực phẩm sử dụng hằng ngày, có tủ kính chứa đựng thực phẩm, bán hàng phải có mũ, khẩu trang, tạp dề, đeo găng tay khi chế biến thức ăn…, cũng khó khăn như "một cuộc cách mạng". Thế nhưng, sau hơn hai năm triển khai đã cho thấy những chuyển biến về ý thức chấp hành quy định ATVSTP của người quản lý, sản xuất, kinh doanh và khách hàng.

Toàn thành phố hiện có khoảng 58.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Sở Y tế đang đề nghị chính quyền địa phương thống kê, rà soát lại toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, rau, thịt trên địa bàn. Từ đó đưa ra những quy định về tiêu chí ATTP để những cơ sở này nghiêm túc thực hiện như: Khoảng cách để tủ đựng thức ăn chín tính từ mặt đất; thực phẩm ăn nhanh phải bao gói, có địa chỉ, có ngày sản xuất, hạn sử dụng, hàm lượng, định lượng, những phụ gia thực phẩm được phép sử dụng… Cơ sở nào không đạt yêu cầu, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, chính quyền địa phương sẽ công khai trên hệ thống truyền thanh phường để người dân biết và tẩy chay. Thành phố cũng sẽ tuyên truyền những nơi, những địa điểm cung cấp thực phẩm an toàn để người dân yên tâm lựa chọn, không phải quá lo lắng vì "ăn cái gì cũng sợ".

Để đi đến một sự thống nhất trong hành động, mỗi người dân không chỉ kiên quyết nói không với thực phẩm "bẩn", mà còn cần nâng cao ý thức đấu tranh, dũng cảm tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Khi và chỉ khi các cơ quan, chính quyền địa phương và mỗi người dân không còn tư tưởng "sống chết mặc bay", kiên quyết trong "cuộc chiến" chống thực phẩm "bẩn" chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực, bảo đảm chất lượng ẩm thực đường phố, văn minh đô thị.

Ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết: Để tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người dân, các lực lượng liên ngành của Ban Chỉ đạo Phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Hà Nội đã tập trung kiểm tra các mặt hàng thực phẩm, cơ sở chế biến, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, sản xuất, tàng trữ, kinh doanh thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã chế biến nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm; lập các chốt kiểm dịch hàng hóa gần bến xe, nhà ga, chợ đầu mối, rà soát tại các chợ cóc, chợ tạm. Ông Chu Xuân Kiên cũng đề nghị UBND các cấp phối hợp cung cấp thông tin kịp thời những doanh nghiệp vi phạm để lực lượng chức năng xử lý và thông tin rộng rãi đến người dân; đồng thời, cần bổ sung thêm thiết bị, công cụ hỗ trợ kiểm tra nhanh cho lực lượng chức năng; tăng cường tập huấn kỹ năng và đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu.

Thanh Hiền



Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết: Thực hiện Chỉ thị 08/CT-UBND của UBND TP Hà Nội, quận Ba Đình đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đồng thời triển khai kế hoạch tổ chức phong trào thi đua "An toàn thực phẩm" trên địa bàn quận giai đoạn 2016-2020 và "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2016. Quận đã in tờ rơi tuyên truyền về bảo đảm ATVSTP cho các hộ kinh doanh tại các chợ ở 14 phường; tổ chức giao ban định kỳ về công tác ATVSTP mỗi tháng một lần; chọn 2 tuyến phố Thành Công (phường Thành Công) và Nguyễn Chí Thanh (phường Ngọc Khánh) thanh tra thí điểm. Đến nay, đã thanh tra 36 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 2 tuyến phố trên, xử phạt vi phạm hành chính 54 triệu đồng. Quan điểm của quận là không lấy tiêu chí xử phạt làm chính, mà thông qua thanh tra, kiểm tra tăng cường tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chấp hành các quy định về ATVSTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Tuấn Việt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Quyết tâm tạo sự thay đổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.