(HNM) - Tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài gia tăng ở Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đặt ra nhiều vấn đề bức thiết đối với công tác quản lý.
Bị cáo người nước ngoài làm giả thẻ ATM chiếm đoạt tài sản tại Việt Nam bị đưa ra xét xử. |
Nhiều khó khăn, bất cập
Theo đánh giá của cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh, những biện pháp mạnh áp dụng trong thời gian qua mới chỉ cắt được phần ngọn của hoạt động tội phạm có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, ngay cả khi đã phát hiện tội phạm thì việc xử lý cũng không đơn giản. Ví dụ, việc triệu tập, lấy lời khai của bị hại gặp nhiều khó khăn khi nhiều người ở nước ngoài bị lừa đảo qua internet; hay việc xác định hậu quả của hành vi phạm tội có nghiêm trọng hay không cũng không dễ hoặc đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao, khi thực hiện hành vi phạm tội thường không để lại dấu vết... Bên cạnh đó, xu hướng hiện nay, có khá nhiều người sử dụng mạng xã hội. Điều này dễ dàng "tạo điều kiện" cho tội phạm đến từ một số nước thực hiện hành vi lừa đảo. Đã thế, không ít người lại rất mất cảnh giác trước thủ đoạn của những kẻ bất lương dù thủ đoạn không còn mới.
Một nguyên nhân nữa là đối tượng phạm tội có thể bị bắt giữ tại Việt Nam nhưng lại câu kết với các đường dây, tổ chức khác ở nhiều nước trên thế giới. Bởi vậy, việc thu thập chứng cứ rất khó khăn, tốn kém. Nhiều vụ án phải dậm chân tại chỗ hoặc chờ đợi rất mất thời gian, đến khi giải quyết được thì các đối tượng đã "cao chạy xa bay", chứng cứ vụ án cũng theo thời gian mà biến mất. Nhiều vụ án, kết quả điều tra mới chỉ xử lý được các đối tượng phạm tội tại Việt Nam còn đối tượng cầm đầu ở nước ngoài không có điều kiện để bắt giữ, điều tra, gây khó khăn cho việc mở rộng điều tra dẫn đến xử lý vụ án không được triệt để.
Thêm vào đó, theo phân tích của một cán bộ tư pháp, có trường hợp bắt quả tang hay bắt khẩn cấp các đối tượng người nước ngoài phạm tội nhưng không có phiên dịch đi cùng đã gây khó khăn trong việc lập biên bản cũng như lấy lời khai ban đầu làm căn cứ cho việc khởi tố, tạm giữ, tạm giam sau này. Nếu có phiên dịch thì những phiên dịch viên này có kiến thức chuyên ngành về pháp luật còn ít. Khi mời luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo là người nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn do khả năng của luật sư không đáp ứng được yêu cầu hoặc luật sư khi tiến hành các hoạt động theo luật định lại gặp khó khăn trong việc mời người phiên dịch mà cơ quan điều tra đã trưng cầu. Đó là chưa kể các điều kiện bảo đảm cho công tác điều tra, xử lý người nước ngoài phạm tội như: Nơi giam giữ, phiên dịch, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, kinh phí… chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác kiểm tra, kiểm soát tại biên giới, cửa khẩu còn nhiều sơ hở để tội phạm từ bên ngoài xâm nhập, cư trú bất hợp pháp và gây án.
Một kinh nghiệm hay
Anh Nguyễn Tiến Du, tổ phó khu phố thuộc Trung tâm phục vụ khách hàng Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng cho biết, với số lượng người nước ngoài sinh sống trong KĐT hiện tại lên tới khoảng 50%, tương đương 27 nghìn người, đến từ nhiều quốc gia (chủ yếu là những người đến từ khu vực Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản), ban đầu Ban quản lý cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Theo anh Du, nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, cũng như từ thực tiễn kinh nghiệm công tác, để có phương pháp quản lý người nước ngoài tốt nhất, Trung tâm phục vụ khách hàng Phú Mỹ Hưng đã thành lập Tổ chăm sóc cộng đồng người nước ngoài để tiếp cận khách hàng, giải quyết những thắc mắc nảy sinh khi cư dân ngoại gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Việc tuyển chọn thành viên trong tổ cũng có những yêu cầu khắt khe như đều có trình độ văn hóa cao và đa dạng, thông thạo nhiều thứ tiếng để có thể giao tiếp với người nước ngoài. Phương pháp tuyên truyền đến các cư dân cũng được tổ chức đa dạng với việc xây dựng nội quy khu phố, như một quy ước bắt buộc những cư dân sinh sống trong khu vực phải chấp hành. Thêm nữa, Trung tâm cũng dán thông báo bằng nhiều ngoại ngữ trên bảng thông báo trong từng khu dân cư, cư dân có thể hằng ngày tiếp xúc với những thông tin cần thiết. Đặc biệt, các thành viên trong tổ sẽ trực tiếp hướng dẫn giải đáp những thắc mắc nảy sinh của cư dân ngoại trong quá trình sinh sống.
Ban quản lý cũng đã lắp đặt các thiết bị vui chơi giải trí, thể thao ngoài trời để các cư dân có thể vui chơi tập thể thao ngay gần khu vực lưu trú. Thêm nữa, thường xuyên tổ chức các lễ hội truyền thống cho người nước ngoài, từ đó gắn chặt tình đoàn kết giữa các cộng đồng để cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Trung tâm phục vụ khách hàng Phú Mỹ Hưng cũng thường xuyên tổ chức thăm hỏi, đánh giá độ hài lòng của khách hàng, từ đó rút kinh nghiệm để phục vụ được tốt hơn...
Làm tốt công tác phòng ngừa từ cơ sở
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thượng tá Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất - nhập cảnh (Công an TP Hồ Chí Minh) cho biết: Trong các vụ án, hầu hết đối tượng người nước ngoài gây án đều không khai báo tạm trú. Do quản lý tạm trú lỏng lẻo nên khó khăn lớn nhất trong việc truy tìm các đối tượng người nước ngoài phạm tội là xác minh lai lịch của đối tượng. Điển hình như vụ mất trộm ở một siêu thị nằm trên địa bàn quận Bình Thạnh, camera an ninh của siêu thị đã ghi lại khá rõ hình ảnh thủ phạm là hai đối tượng người nước ngoài có đặc điểm giống người Trung Á. Tuy nhiên, khi rà soát thì đối tượng lại không có trong danh sách quản lý của Cơ quan Quản lý xuất - nhập cảnh nên không thể nắm được nhân thân, khiến việc điều tra truy tìm hết sức khó khăn.
Do đó, để làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm người nước ngoài, đòi hỏi công an địa phương cấp phường, xã phải tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp người nước ngoài không khai báo tạm trú, quá hạn tạm trú và các vi phạm khác về cư trú. Đồng thời, phải nâng cao vai trò của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo lãnh hoặc làm thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam... Cũng theo đại diện PC-45 Công an TP Hồ Chí Minh, ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thì việc đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực cho cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật trong xử lý tội phạm nước ngoài cũng là một yếu tố quan trọng nhằm góp phần kịp thời phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm những đối tượng tội phạm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.