Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Phát triển nền nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao

Đào Huyền - Ngọc Quỳnh| 27/12/2016 07:16

(HNM) - Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố XVI, nông nghiệp Hà Nội phải hướng đến xây dựng thành công nền nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao (CNC), hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh chất lượng.

Vùng trồng hoa ly cho giá trị cao tại xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt


Để hoàn thành mục tiêu và phát triển theo định hướng đó, Ngành Nông nghiệp cần tập trung tái cơ cấu cây trồng, đưa CNC vào sản xuất, chế biến..., xây dựng liên kết chuỗi, minh bạch thông tin sản phẩm để bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tập trung tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp

Để phát triển nông nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo thì việc tái cơ cấu ngành được coi là giải pháp mang tính then chốt. Trong định hướng phát triển nông nghiệp, trồng trọt là ngành quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực. Do đó cần phát huy lợi thế về hệ thống thủy lợi để xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, bố trí các vùng thuận lợi cho canh tác, thu hoạch và ứng dụng đồng bộ các kỹ thuật mới. Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT) cho biết: Thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục chuyển đổi đất lúa vùng trũng sang nuôi trồng thủy sản, vùng cao khó khăn về nước tưới sang cây ăn quả, cây màu… cho giá trị kinh tế cao và kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.

Cụ thể là tăng chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm như: Lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả đặc sản;… Trong đó, chú trọng các khâu công nghệ sau thu hoạch và chế biến, đặc biệt là chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Kế hoạch của thành phố đặt ra là giảm 20-25% diện tích trồng lúa chuyển sang nuôi trồng cây, con có hiệu quả cao hơn và chuyển đổi đúng theo quy hoạch, không khuyến khích các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp.

Anh Nguyễn Văn Lợi, một trong những hộ sản xuất hoa ly lớn của xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng cho rằng: Các sở, ngành cần tham mưu cho thành phố ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ cây lúa sang cây trồng khác theo hướng hỗ trợ giống cây trồng mới và kỹ thuật canh tác mới. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần kiến nghị, để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau dồn điền đổi thửa, thành phố cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trạm bơm, điện, giao thông nội đồng, kênh mương để đáp ứng yêu cầu sản xuất, đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài thành phố... Thành phố cần đẩy mạnh thực hiện xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm bằng thiết bị điện tử, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm nông, lâm, thủy sản để từng bước hạn chế thực phẩm không có nguồn gốc tiêu thụ trôi nổi, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm an toàn có chỗ đứng trên thị trường.

Đầu tư hạ tầng và khoa học kỹ thuật


Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định: Ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp được xác định là mũi nhọn, đóng vai trò quyết định thành công của nông nghiệp Thủ đô trong bối cảnh hiện nay. Tại kỳ họp thứ 13 HĐND thành phố khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐND ngày 8-7-2015 về một số chính sách thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Trong đó yêu cầu xây dựng các chính sách khuyến khích các hộ gia đình, HTX, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp CNC bao gồm các hoạt động sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Đặc biệt, đối với đầu tư hạ tầng, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI cũng coi đó là một trong 3 khâu đột phá nhằm hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị và nông nghiệp, nông thôn. Để nông nghiệp CNC có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, các sở, ngành cần tiếp tục rà soát tham mưu cho thành phố ban hành các chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao (Mỹ Đức) Dương Thị Thu Huệ cho rằng, để việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, Nhà nước cần hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp về công nghệ cũng như vốn để đầu tư nhà lưới, khu xử lý sản phẩm và bảo quản sau thu hoạch nhằm mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, có chính sách phát triển khoa học công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trực tiếp hoặc liên kết với cơ sở nghiên cứu khoa học của Nhà nước để chuyển giao khoa học, ứng dụng ra thực tiễn nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm chất lượng.

Các địa phương cũng cần hỗ trợ người dân đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn; hỗ trợ kinh tế hộ phát triển sản xuất hàng hóa theo mô hình gia trại, trang trại. HTX cần làm tốt các dịch vụ "đầu vào, đầu ra", kể cả chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, đặc biệt là tháo gỡ rào cản về đất đai và tạo quỹ đất cho phát triển nông nghiệp. Để giúp doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo môi trường thật sự thuận lợi về quy hoạch, hạ tầng, đất đai. Chỉ khi có hạ tầng bền vững doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Phát triển nền nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.