(HNM) - Ngày chia tay Trường Sa, chúng tôi cảm nhận rõ ràng một niềm tin đang tràn ngập trong tim về những con người đang canh giữ biển trời Tổ quốc. Niềm tin ấy xuất phát từ những điều hết sức giản dị mà nhịp sống hằng ngày trên đảo đã gieo vào lòng chúng tôi từ lúc nào không hay.
Hát hay như lính đảo
Bữa ăn hằng ngày của lính đảo Trường Sa thường xuyên là đồ hộp, đã trở thành chuyện quá đỗi bình thường. Nên khi hỏi về khó khăn vật chất, lính đảo chỉ cười xòa một cái rồi thôi. Với các anh, đó chỉ là chuyện "chẳng có gì ghê gớm". Còn nhớ, thời chiến tranh chống Mỹ, nhà thơ Phạm Tiến Duật chỉ với một câu thơ mà làm toát lên cả tinh thần chiến sĩ "Cái vết thương xoàng mà đem ra viện" (trong bài "Nhớ"). Nay gặp lính đảo Trường Sa, mới thấy tinh thần lạc quan, ý chí cách mạng của cha anh năm nào vẫn dạt dào chảy trong lớp chiến sĩ trẻ hôm nay.
Xương rồng và nhiều loại cây khác đang vươn lên mạnh mẽ. |
Đi qua gần 10 đảo chìm, đảo nổi, tận mắt chứng kiến cuộc sống thường nhật nơi đây, ấn tượng sâu sắc trong chúng tôi là quân và dân trên đảo rất biết chăm chút cho đời sống tinh thần. Ở đảo Đá Lớn, ngoài một tủ sách thường xuyên với hàng trăm cuốn sách, một cây đàn ghi-ta thùng được treo ngay ngắn trong phòng sinh hoạt chung. Anh em chiến sĩ kể, khi rảnh rỗi thì tập đàn, lúc vui buồn thì tụ lại đàn hát cho nhau nghe. Mỗi lần như vậy, những mệt nhọc, khó khăn dường như xua tan hết. Từng chứng kiến nhiều cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhưng hiếm khi chúng tôi lại thấy vui như những cuộc giao lưu với các chiến sĩ đảo Trường Sa. Vui nhất trong các cuộc giao lưu có lẽ là giữa đoàn văn công tỉnh Hà Giang, Hải Dương, Kiên Giang (đoàn công tác số 14 - năm 2012) với chiến sĩ đảo Sơn Ca. Các ca sĩ từ đất liền hát hay là một nhẽ, nhưng ít ai ngờ trên đảo lại có tốp ca nam hát khỏe và đẹp đến vậy. Khi giọng các anh vừa cất lên, hàng trăm người hò reo cổ vũ. Những cô gái đất liền cứ đỏ ửng đôi má, mắt long lanh nghe "lính đảo hát tình ca". Ca sĩ Thanh Hương của đoàn Hải Dương không giấu nổi xúc động: "Hát hay quá các anh ơi!". Những câu hát của tốp ca nam đảo Sơn Ca cứ vang vang mãi trong tôi: "Ta là chiến sĩ đảo Trường Sa. Giữa bão tố phong ba, đảo vẫn là nhà. Theo tiếng gọi của quê hương đất nước, cùng về đây chung lòng bảo vệ đảo Trường Sa"… Chẳng nghi ngờ gì nữa, đó là những lời hát từ trái tim lính đảo.
Ca hát là thế mạnh của lính đảo Trường Sa. Lính mới còn bẽn lẽn đôi chút, chứ lính "già" hay sĩ quan hát càng hay, pha trò càng giỏi. Hôm lên đảo Nam Yết, trong khi các hoạt động chính của đoàn công tác đang diễn ra, có một nhóm nhỏ sinh viên và giáo viên Học viện Cảnh sát nhân dân xuống thăm một phân đội trên đảo. Lạ làm sao, những con người chưa từng gặp, lần đầu quen nhau mà sao gần gũi, thân thương thế. Chỉ qua vài lời giới thiệu, tiếng cười đùa đã rộn ràng cả căn phòng. Một cuộc giao lưu văn nghệ ngay lập tức được tổ chức. Sau khi nghe ba "cây văn nghệ" của Học viện Cảnh sát nhân dân thể hiện tài năng, đến lượt chiến sĩ đảo. Trung tá Trần Mạnh Dũng xung phong hát đầu tiên. Anh hát bài Còn duyên rất hay, hay đến mức khiến mọi người vỗ tay dần dần.
Có một tinh thần Trường Sa như thế
Một điều khiến chúng tôi rất hạnh phúc là ở đảo, không chỉ trồng rau để cải thiện bữa ăn, trồng cây xanh để chắn sóng, anh em chiến sĩ rất quan tâm đến việc trồng và chăm cây cảnh, cây hoa cho đảo thêm xinh đẹp. Ở các đảo chìm, cây cảnh là bàng vuông, cây tra hay hoa đại. Thế cây chưa đẹp, nhưng cây nào cũng xanh tốt. Cuối tháng 5 vừa qua, khi đoàn chúng tôi đặt chân lên các đảo Cô Lin, Đá Lớn, Đá Tây, Đá Lát, bàng vuông và hoa đại thi nhau trổ hoa trông rất vui mắt. Nói về cây cảnh trên các đảo chìm phải kể đến đảo Đá Tây. Ở đây có một cây xương rồng có một không hai. Thân cây với hàng chục cành tụ lại cao kịch trần nhà (có lẽ phải tầm ba mét). Điều lạ là trên cây đang trổ ba bông hoa rất xinh. Cánh hoa mập mạp, bóng sáng. Thấy chúng tôi lân la bên cây xương rồng, Trung tá Nguyễn Đức Tuấn, Lữ đoàn trưởng Công binh như đoán được sự tò mò, cho biết: Anh em chiến sĩ không biết gốc tích của cây, nhưng có một điều chắc chắn là cây có tuổi đời trên 6 năm. Cây xương rồng đặc biệt này được đặt ngay bên hành làng tòa nhà lâu bền, một mặt cây hướng ra biển. Hơn 6 năm với biết bao gió bão, hơi nóng và vị mặn của biển vậy mà cây xương rồng vẫn vươn lên mạnh mẽ đến kỳ lạ, nay lại còn trổ hoa. Điều đó gieo vào chúng tôi một cảm giác thích thú kỳ lạ. Vì thiên nhiên và con người ở Trường Sa luôn biết thích nghi một cách tốt nhất trong mọi hoàn cảnh. Đó còn có thể coi là biểu tượng cho sức sống trường tồn nơi đây.
Đảo chìm có cây xương rồng khiến chúng tôi nhớ mãi, nhưng đảo nổi như Nam Yết cũng khiến chúng tôi chẳng thể nào quên. Một trong những ấn tượng khó phai mờ và rất thú vị là trên đảo có một "quán gió" xinh xắn. Đó là công trình của cán bộ, chiến sĩ nhiều thế hệ trên đảo làm nên. Diện tích tuy nhỏ (chỉ chừng 6 mét vuông), nhưng đây là nơi anh em chiến sĩ có thể ngồi nghỉ ngơi, uống chén trà và trò chuyện những khi rảnh rỗi. Bộ bàn ghế đá là do lớp quân nhân chuyên nghiệp năm 2009 tặng, hai chú chim cu gáy và mấy giò hoa lan treo bên hông tự tay cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên đảo kỳ công mang từ đất liền ra. Một góc tiểu cảnh rất sinh động với hòn non bộ, suối chảy róc rách, tượng cò, Lã Vọng ngồi câu… là công trình của Trung tá Trần Minh Thuần, Phó Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết. Anh quê ở Nam Định, nơi có nghề cây cảnh lâu năm nức tiếng trong Nam ngoài Bắc. Anh nói: "Mình muốn mang một chút hồn quê ra đảo. Để vừa đỡ nhớ nhà, vừa giúp anh em thư giãn".
Ngồi trò chuyện với anh Thuần ngay tại "quán gió" độc nhất ở Trường Sa này, mới thấy hết được sự thú vị ở nơi đầu sóng này. Bao nhiêu nhọc nhằn, khó khăn mà họ phải trải qua ngày này qua ngày khác như chợt tan biến hết. Tự nhiên trong tôi hiện lên hình ảnh về người chiến sĩ Trường Sa, đứng giữa sóng cả với khuôn mặt bình thản, tự tin và kiên cường.
Lời kết
Cho đến tận hôm nay, khi nhớ lại những ngày lênh đênh trên biển để đến đảo, tận mắt chứng kiến cuộc sống quân, dân trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi vẫn bồi hồi xúc động. Một cảm giác thân thương khó tả len lỏi trong tim vì cảm phục, mến yêu những người lính đảo. Tinh thần lạc quan, yêu đời thể hiện ngay trong nếp sống hằng ngày của các anh với lời ca tiếng hát, với cây cảnh xinh tươi hay một góc nghỉ ngơi êm đềm như "quán gió" đảo Nam Yết đã gieo vào trong lòng chúng tôi một cảm giác tin tưởng kỳ lạ. Tin tưởng bởi vì sự mặn mòi của biển, những cơn bão gió giật liên hồi, những ngày nắng cháy thịt da hay những hiểm nguy đang rập rình ngoài khơi xa đã không làm các anh chùn bước. Tin tưởng vì trong gian khó, hiểm nguy là thế, các anh vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Tin tưởng vì với tinh thần như thế, các anh đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, sẵn sàng hy sinh để giữ vững chủ quyền đất nước.
Nhịp sống thường nhật ở Trường Sa mà trong cuộc hành trình ngắn ngủi chúng tôi đã cảm nhận và kể lại chỉ mới nói lên được phần nào cuộc sống phong phú và rất đáng học tập của quân và dân huyện đảo. Nhưng chừng ấy tựa như một lời nhắn gửi của quân và dân trên đảo với đất liền, rằng: Đất liền hãy yên tâm, chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng. Trường Sa, chủ quyền Tổ quốc sẽ luôn vững vàng với tinh thần ấy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.