(HNM) - Dẫn đến bức tranh ảm đạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thời gian qua, ngoài sự chủ quan, thiếu hiểu biết của người lao động thì nguyên nhân khách quan là các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này chưa chặt chẽ, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe người vi phạm...
Như thông tin chúng tôi đã đưa, thiệt hại mà các đối tượng lừa đảo gây ra với những người lao động mơ "đổi đời" bằng XKLĐ tính bằng nhiều nghìn đô la Mỹ. Số người bị lừa đảo cũng lên đến hàng chục, hàng trăm, như vậy lợi nhuận bất chính các tổ chức, cá nhân này thu được không hề nhỏ. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chỉ là 40.000.000 đồng, căn cứ Nghị định số 144/2007/ NĐ-CP ngày 10-9-2007 của Chính phủ. Các hành vi vi phạm nghiêm trọng chịu mức phạt cao nhất là: Thực hiện trái quy định hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi không được đổi giấy phép hoặc đã bị đình chỉ hoạt động, doanh nghiệp không trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ XKLĐ, chi nhánh vượt quá phạm vi nhiệm vụ được giao… Rõ ràng, so với lợi nhuận thu được, mức phạt tối đa này cũng chỉ như "muối bỏ bể".
Lao động xuất khẩu cần có thông tin chuẩn để tránh bị rơi vào bẫy của “cò” và các doanh nghiệp lừa đảo. |
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi lừa đảo XKLĐ không đơn giản bởi sự "tiếp tay" của chính nạn nhân. Trên thực tế, với tình trạng thiếu hiểu biết, cả tin, khát khao được đi lao động ở nước ngoài, phải rất khó và mất nhiều thời gian, người lao động mới phát hiện rằng mình bị lừa. Và nhiều người khi biết mình bị lừa vẫn không chủ động khai báo với cơ quan chức năng mà tìm cách tự đòi lại tiền, khi không đòi được, kẻ lừa đảo đã bỏ trốn thì mới trình báo cơ quan chức năng. Chính vì lý do này nên nhiều người lao động phải chấp nhận "tiền mất, nợ mang" khi kẻ lừa đảo đã "cao chạy, xa bay" hoặc tạo điều kiện "đánh động" cho chúng có đủ thời gian để xóa hết dấu vết phạm tội, cơ quan chức năng khó tìm ra đầu mối để xử lý. Theo thông tin từ Phòng Thanh tra, Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), chỉ tính từ đầu năm đến nay, Cục nhận được trên 60 đơn khiếu nại, tố cáo của người lao động liên quan đến việc tổ chức đi làm việc ở nước ngoài, trong đó không ít vụ việc có dấu hiệu lừa đảo. Sau khi kiểm tra, rà soát, thu thập chứng cứ, nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt, công khai trên trang thông tin điện tử của Cục. Ngoài ra, có những doanh nghiệp không thuộc 177 doanh nghiệp Cục đang quản lý hoặc không đủ bằng chứng kết luận vi phạm đã được chuyển hồ sơ đến cơ quan công an điều tra làm rõ. Lực lượng thanh tra mỏng cũng là một nguyên nhân khiến việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ trong lĩnh vực XKLĐ chưa được thường xuyên, triệt để.
Đối với những vi phạm của chính người lao động, theo quy định tại Điều 12, Nghị định 144, mức phạt tiền cũng quá thấp, tối đa chỉ 5.000.000 đồng cho các hành vi như sau khi nhập cảnh không đến nơi làm việc theo hợp đồng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định nhưng chưa đến mức truy cứu TNHS… Trên thực tế, theo thông tin từ một cán bộ Cục QLLĐNN, việc xử phạt người lao động hầu như không thực hiện được. Lý do, người lao động chủ yếu là người nghèo, mọi chi phí để được đi nước ngoài làm việc chủ yếu ký nợ các doanh nghiệp phái cử, trừ dần vào lương hằng tháng. Nếu họ vi phạm hợp đồng, bỏ ra ngoài làm cũng không biết tìm họ ở đâu, liên lạc được với gia đình họ thì người thân cũng không có tiền nộp phạt. Chính vì vậy, tiền lệ từ trước đến nay người lao động chỉ nhận được hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ từ các cơ quan chức năng, chứ trên thực tế "họ làm gì có tóc mà túm, lấy gì mà phạt" - lời của một cán bộ Cục QLLĐNN.
Thông tin để giúp người lao động "tự cứu"
Như đã phân tích ở bài trước, việc thiếu thông tin, nhận thức hạn chế là nguyên nhân chính khiến nhiều người lao động rơi vào bẫy của "cò" và các tổ chức lừa đảo. Nhiều người nộp tiền không được đi XKLĐ hoặc những người vì nhẹ dạ mà trở thành nạn nhân của những vụ buôn bán người ra nước ngoài, hay lao động đi theo visa du lịch, sau đó trốn ở lại làm việc bất hợp pháp trong môi trường lao động không an toàn, mất mạng vì dịch bệnh, bị công an nước sở tại bắt và trục xuất về nước. Ông Đào Công Hải, Cục phó Cục QLLĐNN, cho biết để hạn chế tình trạng trên, Cục đã tăng cường công tác thông tin truyền thông để người lao động có nhu cầu được tiếp cận với các thị trường lao động, danh sách và địa chỉ các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này, danh sách các hợp đồng đưa người lao động đi làm việc đã được Cục thẩm định cho phép thực hiện.
Đặc biệt, từ tháng 6-2013, Tổ chức di cư quốc tế và Cục QLLĐNN đã thành lập Văn phòng Hỗ trợ lao động ngoài nước (MRC), với nhiệm vụ tư vấn cho mọi người lao động có nhu cầu tìm hiểu về việc đi lao động ở nước ngoài. Đến đây, người lao động sẽ được cung cấp thông tin về các chính sách pháp luật và văn hóa của các nước đến, của Việt Nam; quy trình thủ tục ra nước ngoài làm việc, các rủi ro thường gặp khi di cư lao động trái phép, địa chỉ liên hệ của các cơ quan chính phủ, tổ chức trợ giúp liên quan ở Việt Nam và nước ngoài, cập nhật danh sách những công ty đang có nhu cầu tuyển dụng lao động, những vị trí cần tuyển, yêu cầu của nhà tuyển dụng... Ngoài ra, người lao động còn được tư vấn về phương án giải quyết khiếu nại, tranh chấp hợp đồng lao động cũng như các chương trình hỗ trợ khi trở về Việt Nam.
Tính đến ngày 26-8-2013, nghĩa là sau gần ba tháng chính thức đi vào hoạt động, Văn phòng Hỗ trợ lao động ngoài nước đã tư vấn cho 1.879 khách hàng, trong đó trên 30% là nữ, giải đáp nhiều câu hỏi qua trang thông tin điện tử và hộp thư điện tử. Website của Văn phòng từ khi đi vào hoạt động đến nay đã có hơn 42.000 lượt truy cập. Ngoài ra, Văn phòng đã phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam in tờ rơi phát miễn phí cảnh báo về tình trạng mua bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ ra nước ngoài, tổ chức đối thoại trực tiếp với người lao động tại các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Phú Thọ, Thái Bình… với nhiều nội dung liên quan đến vấn đề đi làm việc ở nước ngoài mà đông đảo người lao động địa phương quan tâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.