Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Những “kẻ thù” giấu mặt

Bảo Nga - Ngọc Thủy| 22/02/2013 07:23

(HNM) - Tuổi thọ trung bình của người Việt đạt 73 tuổi nhưng tuổi khỏe mạnh chỉ dừng ở 60 tuổi. Như vậy, mỗi người đã mất 13 năm sống với bệnh tật.


1.01 kiểu thực phẩm gây độc

Thực trạng việc sử dụng hóa chất độc hại không thể kiểm soát trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản và chế biến thực phẩm đã khiến môi trường sống của chúng ta bị nhiễm độc nghiêm trọng.

Một ca ngộ độc thực phẩm đang được điều trị.


Như đánh giá của Thạc sỹ y học Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: "Người tiêu dùng dù có thông thái đến đâu cũng không thể kiểm soát được mức độ an toàn của thực phẩm, bởi chính các cơ quan chức năng với đầy đủ cán bộ chuyên môn và thiết bị xét nghiệm nhiều khi còn khó xác định được hóa chất độc hại đã khiến bệnh nhân bị ngộ độc, phải đi cấp cứu". Đó cũng là một trong những lý do khiến hằng ngày Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai phải đón tiếp, điều trị hàng chục ca ngộ độc với rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Chỉ tính riêng năm 2012, trung tâm đã khám, điều trị cho 386 trường hợp ngộ độc thực phẩm, 221 ca ngộ độc rượu, chủ yếu là trường hợp nặng được đưa từ bệnh viện tuyến dưới lên.

Dẫn chúng tôi đến thăm một bệnh nhân tên là Nguyễn Hà L, 28 tuổi, quê ở Bắc Giang, Thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, bệnh nhân đến đây sau khi đã điều trị 4 ngày ở bệnh viện tỉnh mà các triệu chứng tiêu chảy, nôn, phù nề, mẩn ngứa… không giảm. Sau ba ngày điều trị tại trung tâm với chẩn đoán ngộ độc hóa chất (chưa xác định được tên gọi của loại hóa chất này), đến nay các triệu chứng trên đã giảm đáng kể, sức khỏe bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục tốt. Dáng vẻ mệt mỏi, chị giơ hai ngón nói: "Tôi chỉ ăn một miếng cam nhỏ thế này mà chỉ sau chừng một giờ đồng hồ, khắp người đã mẩn ngứa, mặt phù nề, nôn mửa, tiêu chảy. Chồng tôi ăn ít hơn cũng bị đau bụng". Khi được hỏi nguồn gốc, màu sắc thực phẩm đã ăn, chị cho biết đó là cân cam một người quen mang đến biếu bố chồng chị, thấy màu sắc đẹp, ngon mắt chị mới gọt để mời mọi người ăn…

Ở kho lưu trữ của Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi thấy rất nhiều mẫu thực phẩm người nhà bệnh nhân đã cung cấp nhằm giúp bác sỹ nhanh chóng xác định được nguyên nhân gây ngộ độc. Nhiều nhất là rượu tự ngâm, hoa quả, bánh kẹo, các loại thuốc Nam không rõ nguồn gốc, cũng chẳng có nhãn hiệu, bao bì. Chỉ những túi thuốc nam "ba không" ngổn ngang trên bàn, Thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên cũng nhắc cho chúng tôi nhớ về gần chục trường hợp trẻ em uống thuốc cam đã bị nhiễm độc chì được điều trị vào đầu năm ngoái cùng những di chứng nặng nề các em phải gánh chịu. Có cả một vỉ thuốc diệt chuột nhãn hiệu Trung Quốc nhìn đẹp như những viên kẹo - thủ phạm khiến một cháu bé 6 tuổi nhà ở phố Trương Định, quận Hoàng Mai bị ngộ độc đầu tháng 1 vừa qua. Theo Thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên, việc xác định chính xác tên loại hóa chất mà bệnh nhân bị nhiễm độc là việc vô cùng khó bởi những năm gần đây xuất hiện nhiều loại hóa chất mới, độc tính chưa rõ ràng, có nhiều loại hóa chất cơ quan chuyên môn chưa thể "điểm mặt chỉ tên". Tình trạng ngộ độc thực phẩm không còn rầm rộ như trước, ít xảy ra tử vong hơn do độc tính của hóa chất không quá mạnh nhưng hậu quả lâu dài về sức khỏe lại khó lường. Điều trị ngộ độc thực phẩm chỉ là điều trị triệu chứng, còn về lâu dài chất độc ngấm từ từ vào cơ thể, là nguyên nhân gây nên các tổn thương về não, thần kinh hoặc các căn bệnh mạn tính nguy hiểm khác.

Trao đổi với phóng viên Hànộimới về những hậu quả do sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn, ông Nguyễn Minh Hải, chuyên viên Phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngộ độc thực phẩm cấp tính thường có các biểu hiện đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, tụt huyết áp, trụy tim mạch; rối loạn đông máu… những trường hợp này có thể điều trị triệu chứng. Nhưng về lâu dài, chất độc tích tụ trong cơ thể có thể gây tổn thương gan, tim mạch, gây viêm gan mạn tính hoặc biến đổi cấu trúc di truyền của cơ thể gây ra đột biến gen, dẫn đến ung thư. Hóa chất độc hại làm biến đổi cấu trúc gen còn ảnh hưởng đến thế hệ sau, con cái sinh ra dễ mắc bệnh down…

Ung thư: Phải ngăn chặn từ "gốc"

Bệnh nhân mắc bệnh ung thư đang gia tăng nhanh tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K, mỗi năm tại Việt Nam có 150.000 bệnh nhân ung thư được phát hiện mới và có 75.000 người tử vong vì căn bệnh này. Thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 250.000 người đang sống chung với ung thư. Trong những năm qua, nhiều cơ sở khám chữa bệnh ung thư đã được mở rộng, cả nước có 6 bệnh viện ung bướu, 35 trung tâm điều trị ung bướu thuộc bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến trung ương và tuyến tỉnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị của người dân. Tại Bệnh viện K, bệnh nhân đến khám, điều trị năm sau cao hơn, năm trước từ 20 đến 30%.

Cũng theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, lý do hàng đầu là ngày càng xuất hiện quá nhiều yếu tố gây bệnh với trên 80% là do môi trường bên ngoài như hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp, sử dụng nhiều chất bảo quản thực phẩm, làm việc trong môi trường độc hại, tuổi thọ người dân tăng cao, người dân có ý thức hơn qua tuyên truyền phòng chống ung thư nên đi khám nhiều hơn, thiết bị khám hiện đại hơn qua đó tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư được phát hiện nhiều hơn.

Một ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, có mặt tại cơ sở 1 Bệnh viện K tại số 43 phố Quán Sứ, chúng tôi đã chứng kiến được phần nào sự quá tải của bệnh viện cũng như sự vất vả của các y bác sỹ, nỗi nhọc nhằn của các bệnh nhân ung thư khi phải chờ đợi đến lượt được khám và điều trị căn bệnh mạn tính nguy hiểm này. Đã 11h15, nhưng ở khu vực khám bệnh vẫn đông nghẹt người ngồi chờ, tất cả các dãy ghế đều không còn chỗ trống. Tình trạng này xuất hiện ở tất cả các hành lang trong bệnh viện, từ khu vật lý trị liệu đến các phòng xét nghiệm, chụp chiếu… Tiến sĩ Bùi Diệu - Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ, từ tháng 8-2012, khi cơ sở 2 của Bệnh viện K tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì được đưa vào sử dụng, tình trạng quá tải tại cơ sở 1 đã giảm đáng kể. Hiện mỗi ngày, Bệnh viện K khám và điều trị cho khoảng 4.000 bệnh nhân. Vì vậy, cơ sở 2 của bệnh viện dù mới hoàn thành giai đoạn 1, đưa 300 giường bệnh vào hoạt động cũng đã phát huy tác dụng trong việc khám và điều trị cho các bệnh nhân ung bướu, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương. Lý giải thêm với phóng viên Hànộimới về tình trạng số lượng bệnh nhân ung thư tăng 20 đến 30% mỗi năm, Tiến sỹ Bùi Diệu cho rằng mỗi bệnh nhân mắc ung thư thường phải điều trị lâu dài, cần nhiều thời gian, ngay cả khi đã khỏi, được ra viện vẫn phải quay lại khám định kỳ theo y lệnh của bác sỹ. Bên cạnh đó số lượng người nhà đi theo bệnh nhân ung thư thường là 1-2 người, tập trung ở hành lang các phòng, khoa bệnh viện càng khiến nhiều người có cảm giác bệnh viện đang quá tải. Tiến sỹ Bùi Diệu cũng khẳng định, lãnh đạo Bệnh viện K đặc biệt quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Các suất cơm dành cho bác sỹ, y tá, cán bộ CNV bệnh viện cũng như bệnh nhân đều được kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, quy trình chế biến khoa học, bảo đảm chất lượng, kể cả những suất ăn của các tổ chức từ thiện cung cấp cho bệnh nhân hằng ngày. Vì vậy, hơn ba năm qua, tại Bệnh viện K chưa từng xảy ra vụ ngộ độc thức ăn nào.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ung thư chưa phải là căn bệnh mạn tính duy nhất liên quan đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn rất nhiều "kẻ thù giấu mặt" là các căn bệnh nguy hiểm khác có nguồn gốc từ thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn, từ môi trường sống độc hại chúng ta đang vô tình dung nạp vào cơ thể hằng ngày. Những cuộc vận động, kêu gọi hướng đến "lương tâm người sản xuất" hay "Người tiêu dùng thông thái" cũng chỉ là phần ngọn mà cái gốc chính là công tác kiểm tra, quản lý, giám sát các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản, chế biến thực phẩm cũng như chế tài xử phạt thật nặng, thật nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 1-7-2011.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Những “kẻ thù” giấu mặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.