Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Nhìn lại để thay đổi

Nhóm phóng viên| 17/07/2020 05:29

(HNM) - Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, mỗi người chúng ta đều cảm nhận rõ hơn văn hóa Thăng Long, tinh thần người Hà Nội sau những cơn sóng dữ dội như một phép thử về giá trị nhân văn, giá trị con người. Từ đây, mỗi người cũng cần nhìn lại để xác định phải làm gì, nhằm phát huy nét đẹp văn hóa có được trong những ngày cách ly, giãn cách xã hội, góp phần xây dựng một Hà Nội văn minh, thanh lịch.

Ngành Văn hóa Thủ đô đẩy mạnh tuyên truyền ứng xử thanh lịch, văn minh sau dịch Covid-19.

Những giá trị tốt đẹp

Có thể nói, khi đại dịch Covid-19 tràn vào nước ta, Hà Nội chính là nơi "đầu sóng" với những ổ dịch, như: Trúc Bạch (quận Ba Đình), Hạ Lôi (huyện Mê Linh), Đông Cứu (huyện Thường Tín), Bệnh viện Bạch Mai. Trong cuộc chiến vừa âm thầm, vừa dữ dội ấy, nền tảng văn hóa được bộc lộ một cách rõ nhất qua cung cách ứng xử của mỗi con người.

Tuy rằng, trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng đã xuất hiện những hành vi, thái độ ứng xử không phù hợp, cần lên án. Tuy nhiên, về tổng thể, dịch Covid-19 đến cũng là cơ hội cho mỗi chúng ta thấy rõ hơn trí tuệ và khả năng thích ứng, qua việc cộng đồng chống lại gian thương bằng phát khẩu trang miễn phí, chống lại tin giả bằng cách phản đối trực diện; ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc thường nhật, thúc đẩy thương mại điện tử để giữ nhịp cuộc sống; hình thành những ý tưởng tái cấu trúc sản xuất, kinh doanh để đón đầu những cơ hội mới... Hơn tất cả, nghĩ về Hà Nội trong những ngày chiến đấu với dịch Covid-19, mỗi người từ những góc nhìn riêng, càng hiểu và tự hào về phẩm chất, văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán - Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng: Suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội, kể cả trong thời chiến và thời bình, trước mỗi khó khăn, thách thức, luôn thể hiện một bản lĩnh riêng. Trong cuộc đối đầu với dịch Covid-19, người Hà Nội đã thể hiện rõ nét cốt cách của đất văn hiến, qua những biểu hiện phong phú của tinh thần cố kết cộng đồng, tinh thần tương thân, tương ái, nhất là trong phong cách ứng xử hằng ngày.

Thay vì "đèn nhà ai nhà nấy rạng", người trong phố trở nên thân thiết với nhau hơn, quan tâm đến nhau nhiều hơn và nhường nhịn nhau nhiều hơn ở những nơi công cộng. Trong mỗi gia đình, ít nhiều đều có những thay đổi khi sự tất bật mưu sinh nhường chỗ cho việc gia đình quần tụ. Cách ly nhưng không cách lòng, mỗi người "sống chậm" hơn để hiểu rõ hơn những giá trị có được từ cuộc sống.

Ở một điểm nhìn khác, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ nhận định: Trong những ngày thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, dễ nhận thấy những đổi thay ở các làng quê, từ việc rất nhỏ, như nhắc nhở con cháu đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giúp đỡ những gia đình phải cách ly để theo dõi... đến những việc lớn của một đời người, như cưới hỏi, tang ma... đều có sự vào cuộc của dòng tộc, cộng đồng. Khi hương ước của mỗi xóm, thôn, khuôn phép của mỗi dòng họ phát huy qua ý thức tự giác của mỗi người, sẽ tạo nên sức mạnh, dìu dắt chúng ta bước qua lằn ranh của sự ích kỷ, đoàn kết đồng tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Làm gì để phát huy?

Không ai muốn trở lại với những ngày cách ly, giãn cách xã hội, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, ngay trong những ngày "sống chậm" đầy âu lo ấy, chúng ta cũng củng cố được thêm nhiều giá trị tốt đẹp. Bà Đặng Thị Loan (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) chia sẻ: "Sau dịch, tôi vẫn thường động viên con cháu cố giữ cho được những thói quen tốt đẹp mới hình thành, từ duy trì thăm hỏi lẫn nhau, đến cung cách ứng xử ở nơi công cộng. Cao hơn nữa là sự sẻ chia của mỗi người với cộng đồng trong công việc từ thiện xã hội, tùy theo điều kiện bản thân. Tôi mong các cấp chính quyền có thêm nhiều giải pháp để giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa người Hà Nội đã thể hiện trong những ngày thành phố gồng mình chống dịch Covid-19, để phẩm chất của người Hà Nội tỏa sáng trong mọi thời điểm".

Xây dựng, phát triển văn hóa, con người là vấn đề luôn được Hà Nội chú trọng trong những năm qua, mà Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" là kim chỉ nam xuyên suốt, được cụ thể hóa bằng Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Dịch bệnh xảy ra là lúc chúng ta nhận diện rõ hơn những thành quả của sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa ở Hà Nội.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, ngành Văn hóa Thủ đô xác định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện hệ thống quy tắc ứng xử; đồng thời xem xét, bổ sung các quy tắc mới vào Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố, từng bước duy trì, phát huy những giá trị tốt đẹp mới hình thành, loại bỏ cung cách ứng xử không còn phù hợp, góp phần duy trì, lan tỏa phong cách, lối sống văn hóa trong mỗi người.

Từ góc độ của một người nghiên cứu văn hóa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức nhận định: Sức mạnh văn hóa đã góp phần quan trọng giúp Hà Nội vượt qua đại dịch. Những mạch ngầm văn hóa đã chảy qua bao năm tháng, không dễ gì đứt gãy trong "cơn bão" dịch bệnh, trái lại càng trở nên tươi mới hơn trong mỗi chung cư, dãy phố, góc nhà Hà Nội, lan tỏa đến cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Thủ đô. Điều này rất đáng trân trọng và rất cần được khích lệ, bởi đây là điều kiện cần cho việc xây dựng một Thủ đô văn hiến, hiện đại.

Còn theo Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), từ thói quen hình thành trong một điều kiện nhất định trở thành lối sống trong mỗi con người cần có thời gian và cả sự điều chỉnh, dẫn dắt, bởi những quy định chung của cộng đồng, làm sao để trong bộn bề xấu - tốt, cái tốt sẽ gieo mầm sống bền vững, cái xấu sẽ nhanh chóng bị loại bỏ.

Công tác tuyên truyền, vận động, nêu gương từ cơ sở có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần thay đổi nhận thức và ý thức trong mỗi người. Cùng với đó, là sự vào cuộc của các cơ quan báo chí phát hiện, tôn vinh những việc làm nhân văn cao đẹp, lên án những thói hư, tật xấu, từ đó từng bước chung sức cùng cộng đồng tạo dựng những không gian sống lành mạnh, lan tỏa năng lượng tích cực trong đời sống xã hội.

"Văn hóa Thăng Long - Hà Nội tạo nên bản lĩnh và phong cách người Hà Nội tỏa sáng trong khó khăn, thách thức. Đây chính là nguồn lực để Hà Nội bước vào một giai đoạn phát triển mới", ông Trịnh Hòa Bình khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Nhìn lại để thay đổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.