(HNM) - Có thể thấy, việc cải tiến cơ chế quản lý hành chính tại các cấp chính quyền nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy, huy động các nguồn lực và phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Cũng về vấn đề này, Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định: "Tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương. Nâng cao chất lượng hoạt động của HÐND và UBND các cấp, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp. Nghiên cứu tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo. Tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức HÐND huyện, quận, phường".
Góc nhìn từ Thủ đô Hà Nội
Là đô thị lớn thứ 17 trên thế giới, lớn nhất cả nước về diện tích, đứng thứ hai cả nước về dân số, thời gian qua Thủ đô Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày càng lớn từ những bất cập trong phát triển đô thị. Từ thực tế đó, Luật Thủ đô được ban hành (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013) với nhiều quy định mang tính đặc thù đã tạo cơ chế để Hà Nội phát huy tiềm năng, vị thế.
Điều 8 của Luật Thủ đô quy định "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng Thủ đô và cả nước". Bám sát quy định này, trên cơ sở bản Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tháng 7-2011), công tác quy hoạch được TP đặc biệt chú trọng. Với một mô hình cấu trúc mới, Hà Nội sẽ là chùm đô thị với đô thị trung tâm phát triển đến Vành đai 4 cả hai bên sông Hồng, hình thành 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây, Sóc Sơn) và các thị trấn sinh thái.
Tại khu vực nội thành, Hà Nội chủ trương không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học... Với quy định tại Điều 9 của Luật Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định biện pháp và lộ trình di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, một số bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học… ra khỏi nội thành. Thực tế, đây là một chủ trương đã có từ lâu nhưng thành phố không thể triển khai hiệu quả khi chưa có cơ sở pháp lý. Tương tự, với những quy định tại Điều 16, Luật Thủ đô, Hà Nội có thể cụ thể hóa và tìm ra các nhóm giải pháp để cải tạo hơn 1.000 chung cư cũ đang đe dọa sự an toàn về tính mạng của người dân. Rồi các vấn đề dân sinh bức xúc khác như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quản lý và thực hiện quy hoạch… đều có định hướng và cách thức giải quyết.
Cũng theo quy định, HĐND và UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm cao nhất trong triển khai, thực hiện Luật Thủ đô. Đồng thời, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp chính quyền của TP Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện các quy định của pháp luật về Thủ đô và chịu trách nhiệm về những vi phạm, yếu kém xảy ra trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật Thủ đô không chỉ mang lại cho Hà Nội những điều kiện cần và đủ mà còn là bước đột phá tạo động lực giúp giải quyết những vướng mắc trong tiến trình xây dựng và phát triển bền vững. Vì thế, trong việc nghiên cứu thực tế, tham khảo các mô hình trên thế giới về tổ chức chính quyền đô thị, cũng cần tìm hiểu ngay từ chính việc tạo cơ chế đặc thù đang được áp dụng tại Hà Nội để mỗi địa phương có điều kiện phát huy tiềm năng, lợi thế, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền.
Và một số vấn đề đặt ra
Vào thời điểm hiện tại, trong khi TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đang gấp rút tổ chức lấy ý kiến và hoàn chỉnh đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị thì Hải Phòng và Quảng Ninh đều muốn tham gia thí điểm thực hiện mô hình này. Điều đó cho thấy áp lực ngày càng lớn của việc đổi mới bộ máy quản lý của các cấp chính quyền. Theo Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ, năm 2012 có hơn 4.000 hồ sơ của các sở, ngành trình lên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Nếu tổ chức chính quyền đô thị, việc giải quyết được ủy quyền cho giám đốc các sở, ngành, mỗi hồ sơ giảm 5-7 ngày, tổng cộng sẽ giảm trên 20.000 ngày cho dân. Nhiều hồ sơ cần đến 15 ngày, thậm chí hai tháng thì tổng thời gian giảm được có thể đến 50.000 ngày. Đây là một ví dụ cụ thể rất đáng phải suy nghĩ. Ở một khía cạnh khác, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho rằng, mô hình chính quyền đô thị chỉ phát huy hiệu quả khi cơ chế phân cấp và ủy quyền được đổi mới và thực hiện triệt để theo hướng nâng cao tính tự chủ của địa phương. Do đó, việc gì địa phương làm tốt hơn, sát với thực tế hơn, bảo đảm lợi ích của dân hơn thì giao địa phương làm. Việc gì đã phân cấp địa phương thì trung ương chỉ ban hành chính sách và thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ...
Xây dựng mô hình chính quyền đô thị bên cạnh việc tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống của người dân, các vấn đề như vai trò lãnh đạo của Ðảng, cơ chế giám sát của người dân, những lợi ích mang lại cho Nhà nước, cho xã hội và người dân khi triển khai mô hình này… cũng cần được giải quyết hài hòa, phù hợp với Hiến pháp và các quy định của pháp luật. Như vậy, cùng với việc tổ chức thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, các địa phương cần đề xuất toàn diện cả về chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền và phương thức hoạt động của chính quyền đô thị. Kết quả việc thực hiện thí điểm chính là căn cứ để đánh giá, báo cáo và đề xuất Quốc hội xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, với quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, TS Trần Du Lịch: Việc thay mô hình 3 cấp chính quyền địa phương hiện hành (nhưng không có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm) thành 2 cấp chính quyền nhưng có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là cần thiết. Chính quyền 2 cấp được quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền, sẽ xóa được tình trạng dân chủ hình thức, bảo đảm được tính chất chính quyền của dân, do dân, vì dân. PGS.TS Vũ Thị Phụng, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội): Do các đô thị của Việt Nam hình thành từ nền tảng của một quốc gia mạnh về nông nghiệp nên việc tổ chức và quản lý của chính quyền đô thị ở Việt Nam phải có sự nghiên cứu để tìm ra giải pháp phù hợp. Nếu xây dựng chính quyền đô thị theo mô hình một số nước phương Tây thì trình độ năng lực, tư duy của đội ngũ cán bộ hiện nay đã đáp ứng được hay chưa? Cán bộ quản lý đã thoát khỏi sự ảnh hưởng của tư duy nông thôn, nông nghiệp? |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.