Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Mưu sinh bên cạnh “tử thần”

Thọ Sơn - Trường Giang| 05/09/2013 06:48

(HNM) - Đó là những người làm nghề khơi thông cống nước, hàng giờ ngụp lặn trong cống rãnh, hố ga chứa đầy chất thải, khí độc hại, nhưng sự nguy hiểm không sợ bằng cái mùi chất thải

"Móc" cống - nghề đầy mặc cảm và cơ cực

Sau hơn 10 phút "ngụp lặn" dưới hố ga, anh Nguyễn Văn Hải (47 tuổi, công nhân thoát nước lưu vực Tây Sài Gòn) mới ngoi lên mặt đường tiếp chuyện chúng tôi. Rất ý tứ, sau khi ngồi ne né ra xa, bởi sợ chúng tôi chịu không nổi cái mùi chất thải "thập cẩm" trên người mình, Hải mới tâm sự: "Trước đây, khi mới vào nghề, nhiều lúc tôi đã muốn bỏ vì thường xuyên tiếp xúc với mùi hôi thối đến mức đêm nhức đầu không thể ngủ được. Nhưng cũng bởi miếng cơm manh áo nên cứ cố từng tí, riết rồi quen, đeo đuổi đến giờ". Hải kể, mỗi ca làm việc anh và những công nhân khác gần như phải ngâm toàn thân (chừa mỗi khuôn mặt) dưới nước thải trong lòng cống, hố ga từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ để moi đủ thứ dưới cống sau đó dùng xô chuyển lên trên mặt đất cho xe vận chuyển đến nơi xử lý.

Công nhân sửa điện mưu sinh với “tử thần”.



Sau khi dẫn chúng tôi đi "thưởng thức" cái mùi cống rãnh, anh Uông Văn Sang (Tổ trưởng tổ công tác số 5, Xí nghiệp Thoát nước lưu vực Bắc thành phố) nói, khu vực tổ anh quản lý là quận Bình Thạnh, chịu ảnh hưởng của thủy triều nên việc thông cống càng khó khăn hơn. "Anh em thường phải đợi đến đêm, khi thủy triều rút thì mới dám chui xuống nạo vét cống. Nhiều hôm mưa lớn, nước lên nhanh, chúng tôi phải nháo nhào rút khỏi đường cống, chấp nhận không hoàn thành công việc, bởi nếu ở lại, không chết ngọp thì cũng chết đuối..."- Sang chua chát, rồi lại cười mà rằng, muốn làm nghề nạo vét cống, người công nhân không chỉ có sức khỏe mà còn phải có cái mũi... vô cảm với các loại mùi và cái "mặt dày" trước ánh mắt của thiên hạ. Dễ hiểu thôi, khi tiếp xúc với hố ga, nắp cống đậy kín thì bên dưới thường có khí metan, khí độc đủ loại do rác thải ủ lâu ngày bên dưới sinh ra. Thế nên nếu mới đến làm mà chui xuống ngay thì rất dễ bị ngộp thở, dễ hít phải khí độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Còn "mặt dày" và "mũi vô cảm", cũng dễ hiểu, bởi cả ngày ngâm mình trong cống, dù kỳ cọ tắm rửa bao nhiêu thì người ngoài vẫn cứ ngửi thấy mùi. Thương thì họ né xa xa, ghét, khó chịu thì khi công nhân móc cống đi qua, họ bịt mồm, bịt mũi. Nhưng buồn nhất là mỗi bữa cơm với gia đình, vợ, con làm sao nuốt ngon lành được miếng cơm trước cái mùi chất thải "thập cẩm" của chồng.

Trước đây khi chưa được trang bị bảo hộ đầy đủ, nỗi sợ lớn nhất của người công nhân móc cống là dẫm đạp phải kim tiêm, rắn rết. Ông Lê Văn Hùng một con người gắn bó nhiều năm với công việc nạo vét cống tâm sự với chúng tôi: "Tôi làm việc này từ ngày mới giải phóng, ngày ấy công việc này có rất ít người làm, toàn thành phố chỉ có khoảng hơn trăm người. Hằng ngày tôi cùng anh em nạo vét cống ở quận 5 và 6. Trong một lần ngụp lặn dưới hố ga để nạo vét rác thải, bùn đất ở vòng xoay Phú Lâm, tôi bị rắn cắn vào chân. Nghĩ là rắn nước như mọi khi, tôi cố làm cho xong công việc. Khi lên mặt đất, thấy chân tôi sưng phù, tím ngắt, anh em công nhân tức tốc đưa vào Trung tâm Y tế quận 6 cấp cứu và phải nằm điều trị mất hơn một tuần. Ngày tôi xuất viện, bác sĩ mới nói thẳng rằng, tôi may mắn thoát chết đấy bởi bị rắn độc cắn và để thời gian quá lâu mới tìm đến bệnh viện. Sẽ không có may mắn lần hai nữa đâu!".

Vài năm trở lại đây, mặc dù những công nhân làm nghề thông cống, cấp thoát nước được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động nhưng những rác thải, khí độc hại dưới cống lại càng nguy hiểm hơn cho họ. Nhất là những nắp cống, hố ga ở gần khu công nghiệp, công ty hóa chất bởi hóa chất có thể ăn mòn da thịt hoặc gây bỏng. Anh Nguyễn Đức Cường (29 tuổi, hiện là công nhân Xí nghiệp Thoát nước lưu vực Tây thành phố) cho biết đã từng bị bỏng hóa chất do tiếp xúc với nước dưới hố ga: "Đó là vào đầu năm 2013, tôi được phân công đi nạo vét, lưu thông dòng chảy lòng cống ở khu vực vòng xoay Mũi Tàu Cộng Hòa. Làm được một lúc thì thấy người ngứa ngáy khác thường. Khi được đồng nghiệp đưa lên mặt đường thì một nửa cơ thể ngâm nước thải đã bị bỏng rát. Tôi ngất xỉu luôn tại chỗ. Lần ấy tôi phải điều trị tại Bệnh viện Triều An gần hai tháng trời mới trở lại làm việc".

Trèo cột điện - đụng mặt "tử thần"

Trái ngược với người làm nghề móc cống suốt ngày dưới lòng đất tối tăm, những công nhân ngành "ánh sáng" lại có mối nguy hiểm khác. Ở khu vực ngã tư Bình Triệu, tôi gặp một công nhân công ty công ích đang sửa chữa điện. Giữa cái nắng trưa như đổ lửa, trên trụ điện cao chót vót, một công nhân đang sửa lại dây điện, vặn ốc bóng đèn. Đáng ngại hơn, những chân đèn không chịu nằm yên mà hết xoay bên này rồi lại xoay bên khác, rồi đung đưa như muốn hất người đứng phía trên xuống, buộc một người khác phải níu dưới chân. Hơn một tiếng đồng hồ sửa xong điện, những người công nhân đó mới chịu ngơi tay ngồi cùng tôi uống cốc nước. Duy Quang, công nhân trẻ nhất của nhóm cũng đã theo nghề này 10 năm xòe bàn tay đã chai sần, thô ráp cho chúng tôi xem rồi nói: Không biết đã bao lần bàn tay ấy bị kẹt, bị va đập khi sửa điện tại các công trình. Còn điện giật thì không nhớ hết, nhưng làm nghề này bị điện giật là.. chuyện thường ngày. Tôi bị điện giật đến độ quen luôn. Quen rồi thì mới dám leo lên những trụ điện cheo leo, mới dám cầm những sợi dây điện mà vác, mà kéo đi sền sệt như vậy chứ", Quang cười!

Còn N.V. Duy (công nhân một đơn vị công ích) thì bảo, cực nhọc nữa việc nửa đêm đi kéo cáp điện ngầm. "Nhiều hôm làm quần quật cả ngày, tối chưa kịp nghỉ ngơi lại bị gọi dậy đi kéo dây cáp ngầm. Lúc đó là cực nhất, những đoạn dây cáp to kềnh, nặng và dài, phải 2 người lực lưỡng cùng kéo thì mới nổi. Kéo cáp đêm, tối om còn không biết đâu mà mò nên ngã, trầy xước xảy ra như cơm bữa", Duy kể.

Kể chuyện thì tếu táo xem "tử thần" chả ra gì vậy nhưng thực tế những người thợ điện họ luôn phải cẩn trọng với mạng sống của mình. Trước khi làm, việc kiểm tra nguồn điện rất kỹ, nhiều khi điện đã cắt rồi nhưng còn phải dùng bút thử tới thử lui nhiều lần mới dám leo lên cột. Tuy vẫn biết là có đồ bảo hộ, những sợi dây buộc họ với một vật cố định, nhưng nếu có sơ sảy, thì khả năng thương tật, hay chí ít cũng bầm dập, gãy tay gãy chân là không tránh khỏi. Với độ cao như vậy, chưa kể phải tránh né những dây điện cao thế loằng ngoằng trước mặt, rồi kiểm tra dây của đơn vị mình, thì công việc của họ quả thật nguy hiểm bội phần. Chẳng khác nào như đang "đụng mặt" tử thần phía trước. Đó là về mặt kỹ thuật, về tâm lý nếu không vững mà leo cột điện cao thế thì còn nhiều chuyện có thể xảy ra. Nên với người mới vào làm chỉ cho đứng dưới ghi và quan sát, dần dà mới cho lên sửa.

Tâm sự của những người công nhân móc cống, leo cột điện, thực ra nguy hiểm thì nghề nào cũng có. Nhưng cái khó của họ hơn nữa chính là đồng lương thấp do bị "tước đoạt quyền lợi" bằng việc công ty ký kết các hợp đồng thời vụ, hợp đồng thời hạn cho những người đã quá nhiều năm cống hiến. Lương thấp đã đành, công ty còn nợ lương lên nợ xuống, chưa nói quyền lợi bảo hiểm xã hội y tế không bảo đảm. "Đáng nói hơn, công nhân ngành này chủ yếu là đàn ông, là trụ cột chính trong gia đình bởi phụ nữ ai lại đi... trèo cột điện, đi móc cống. Ấy vậy nhưng đa phần công nhân ngành công ích lương chúng tôi chỉ 5-7 triệu đồng/tháng, giữa thời buổi cái gì cũng tăng giá gấp đôi gấp ba thế này, tằn tiện lắm thì chỉ đủ một phần cho chi phí sinh hoạt gia đình và nuôi con. Như nhà tôi, nuôi 2 đứa con, một đang đi học, một đứa tới đây cũng học mẫu giáo, hầu như tháng nào cũng thiếu tiền, phải làm thêm, tăng ca, rồi phải muối mặt đi vay đi mượn để đóng tiền học, tiền quần áo, sách vở cho con... Nói thẳng nhé, đời chúng tôi chỉ có tóm gọn là 2 chữ thôi: "Cực và nhục" - một công nhân uất ức khi nghe chúng tôi nhắc về vụ "lương khủng" của lãnh đạo đơn vị họ đang công tác.

Hình ảnh đối nghịch giữa những người công nhân quét rác, móc cống, thợ điện lam lũ và những lãnh đạo lương một ngày bằng cả tháng làm việc quần quật của người lao động cứ ám ảnh mãi chúng tôi khi thành phố đã lên đèn với những vầng hào quang rực rỡ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Mưu sinh bên cạnh “tử thần”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.