(HNM) - Trong căn phòng nhỏ nhà K1 Khu tập thể Bách Khoa - Hà Nội, nơi nhà giáo Trần Thị Thục Nga đang ở vẫn còn nhiều kỷ vật, những bức ảnh quý về ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (năm 1946). Nhà giáo Thục Nga là đại biểu Quốc hội khóa V (1975 - 1976) và thân sinh của bà - cụ Nguyễn Thị Thục Viên từng là một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên.
Nhà giáo Thục Nga là đại biểu Quốc hội khóa V (1975 - 1976) và thân sinh của bà - cụ Nguyễn Thị Thục Viên từng là một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên.
Nhà giáo Trần Thị Thục Nga bên những bức ảnh quý. |
Noi theo lý tưởng cao đẹp
Trong lịch sử Hiến pháp nước ta, Quốc hội khóa V là Quốc hội tồn tại trong khoảng thời gian ngắn nhất, từ tháng 4-1975 đến 4-1976 do yêu cầu cấp thiết tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung sau khi đất nước thống nhất. Nhưng bù lại, Quốc hội khóa V được bầu trong không khí vui mừng, phấn khởi, đất nước sạch bóng quân xâm lược, nhân dân ta hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình. Quốc hội khóa V bắt đầu nhiệm kỳ giữa lúc nhân dân ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cả nước thống nhất tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa V cũng khá đặc biệt khi đạt tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất với 137 đại biểu (chiếm 32,3%) và nhà giáo Trần Thị Thục Nga, Bí thư Đảng ủy, Hiệu phó Trường ĐHSP Hà Nội vinh dự là một trong số đó.
Đến giờ, khi đã ở độ tuổi "cổ lai hy" nhưng nhà giáo Trần Thị Thục Nga vẫn nhớ rõ những ngày hân hoan ấy, Quốc hội khóa V thể hiện đầy đủ bản chất của một cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của khối đại đoàn kết toàn dân mà nòng cốt là liên minh công nông. Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, động viên nhân dân thi đua xây dựng đất nước, củng cố lực lượng quốc phòng… Quốc hội nhất trí phê chuẩn kết quả của Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, thể hiện ý chí mạnh mẽ, nguyện vọng thiết tha và sự nhất trí cao của toàn dân tộc về vấn đề thống nhất Tổ quốc trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Quốc hội quyết định kế hoạch Nhà nước năm 1976, năm thứ nhất của kế hoạch 5 năm lần thứ hai, mở đầu thời kỳ xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, xã hội chủ nghĩa.
Cũng vào một thời khắc quan trọng khác của đất nước, thời kỳ mở đầu cho kỷ nguyên độc lập của dân tộc, năm 1946 cụ bà thân sinh của nhà giáo Trần Thị Thục Nga là nhà giáo Nguyễn Thị Thục Viên vinh dự được bầu vào Quốc hội khóa đầu tiên, là Ủy viên dự khuyết, rồi Ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội và ở trong Tiểu ban dự thảo Hiến pháp lần thứ nhất của nước nhà. Bà Nguyễn Thị Thục Viên là nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của Thủ đô Hà Nội và là thành viên nữ duy nhất trong Ban soạn thảo Hiến pháp 1946.
Lịch sử còn ghi trong số 333 đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thông qua chế độ phổ thông đầu phiếu (6-1-1946), có 10 đại biểu nữ. Mặc dù số lượng đại biểu nữ chỉ chiếm 3%, song đó là những nữ cán bộ ưu tú từ Bắc tới Nam: Vũ Thị Khôi (Bắc Ninh), Trương Thị Mỹ (Hà Đông), Bùi Thị Diệm (tức Lê Phương - Hải Dương), Cao Thị Khương (Hưng Yên), Tôn Thị Quế (Nghệ An), Lê Thị Xuyến (Quảng Nam), Trịnh Thị Miếng (Gia Định), Nguyễn Thị Thập (Mỹ Tho) và Ngô Thị Huệ (Bạc Liêu). Riêng đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thục Viên (Hà Nội) là phụ nữ trí thức ngoài Đảng nhưng với tấm lòng son sắt với quê hương đất nước, bà đã sống, chiến đấu và nuôi dạy con cháu trưởng thành theo lý tưởng cộng sản cao đẹp.
Cả nhà trung nghĩa, tiếng thơm lan tỏa
Câu thơ hào sảng "Lớp cha trước, lớp con sau/Đã thành đồng chí chung câu quân hành" có lẽ phù hợp với truyền thống gia đình nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của Thủ đô Hà Nội, nhà giáo Nguyễn Thị Thục Viên. Nhà giáo Nguyễn Thị Thục Viên sau Cách mạng tháng Tám (1945) được Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ làm Hiệu trưởng Trường nữ sinh Đồng Khánh, nơi đào tạo các nữ trí thức hàng đầu cho nước nhà. Không phụ lòng mong mỏi đó, bà đã ươm mầm tài năng, đào tạo một thế hệ học trò về sau đã tích cực tham gia công tác cách mạng, nhiều người giữ trọng trách. Đó là bà Cao Thị Nga (công tác tại Báo Nhân Dân), Nghiêm Chưởng Châu (Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo), GS Lê Thi (Viện trưởng Viện Triết học), Nguyễn Thị Như - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam…
Quốc hội đầu tiên ra đời như một tất yếu của lịch sử, khẳng định chủ quyền dân tộc Việt Nam. Vào thời khắc đó, nghe theo lời khuyên chân thành của GS Đặng Thai Mai, cô giáo Nguyễn Thị Thục Viên cũng ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Và ở kỳ bầu cử Quốc hội đầu tiên đó, cô giáo Nguyễn Thị Thục Viên đã trúng cử với số phiếu tín nhiệm cao. Rồi cũng năm đó, toàn quốc kháng chiến nổ ra, trên cương vị người đại biểu nhân dân, cô giáo Nguyễn Thị Thục Viên hòa cùng dòng người yêu nước từ biệt Thủ đô lên đường đi kháng chiến. Gánh vác trọng trách, nhà giáo Nguyễn Thị Thục Viên vẫn miệt mài đứng lớp truyền thụ kiến thức tại trường trung học kháng chiến và sư phạm, góp sức đào tạo cán bộ cho cách mạng. Bà được Ty Giáo dục Liên khu 10 (do nhà giáo Nguyễn Lân làm Giám đốc) phân công làm Hiệu trưởng Trường Thi Sách (sau gọi là Trường Tân Trào).
Ngày 29-5-1947, Bộ Quốc gia Giáo dục đã ra Quyết định số 145/NĐ thành lập trường trung học chuyên khoa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trường Trung học Kháng chiến Chu Văn An ở Đào Giã - Phú Thọ (do Giáo sư Trần Văn Khang làm Hiệu trưởng) và Liên khu đã tín nhiệm điều bà Nguyễn Thị Thục Viên sang giảng dạy văn - sử tại đây. Vẫn với phong thái đĩnh đạc, nghiêm khắc, giàu lòng yêu nghề, bà luôn là giáo viên dạy giỏi dù bộn bề công việc của một thành viên Ban Thường trực Quốc hội và Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam.
Rồi cô giáo Nguyễn Thị Thục Viên lại được tin tưởng giao nhiệm vụ Hiệu phó Trường Sư phạm trung cấp trung ương. Năm 1950, khi ngôi trường này chiêu sinh thêm để bổ sung cho lớp sinh viên tình nguyện ra chiến trường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trường nhập vào Khu học xá Nam Ninh (nước bạn), cô giáo Nguyễn Thị Thục Viên được điều về Ban Thường trực Quốc hội. Bà là Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam từ khóa đầu tiên cho đến nhiều khóa liên tiếp sau đó. Quốc hội khóa II (1960-1964), bà lại trúng cử đại biểu Quốc hội và tiếp tục giữ trách nhiệm Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội.
Kháng chiến gian lao nhưng nhà giáo Nguyễn Thị Thục Viên vẫn gắng gỏi giỏi việc nước, đảm việc nhà. Ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng, cô giáo Nguyễn Thị Thục Viên đã nêu gương sáng một người mẹ đứng trên tuyến đầu chống giặc. Bốn người con của bà, hai trai, hai gái, noi gương mẹ đều trở thành những trí thức hàng đầu, góp phần đóng góp sức lực của mình xây dựng đất nước. Con trai cả, Trần Chí Đạo là một cán bộ Quân giới giỏi; con gái lớn Trần Thị Thục Nga là Bí thư Đảng ủy, Hiệu phó Trường ĐHSP Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa V (1975-1976) và người con gái út, họa sĩ Trần Thị Thục Phi là Giám đốc Xưởng tranh cổ động Trung ương. Riêng người con trai thứ Trần Doãn Đính tình nguyện ở lại Thủ đô cầm súng chiến đấu trong lực lượng Tự vệ thành. Như bao người lính Thủ đô khác, anh đã chiến đấu dũng cảm trên từng góc phố thân yêu, góp phần kìm chân địch suốt 2 tháng trời trong lòng Hà Nội để Chính phủ cách mạng an toàn lên chiến khu Việt Bắc. Trong đoàn binh Tây Tiến oai hùng, người lính Hà Nội Trần Doãn Đính đã mãi mãi nằm xuống cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho những lý tưởng cao đẹp đã được gia đình mà trực tiếp là người mẹ anh hùng hun đúc, dạy dỗ.
* *
*
Trong tấm ảnh lịch sử ghi lại thời khắc Bác Hồ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên ra mắt quốc dân đồng bào, nhà giáo Nguyễn Thị Thục Viên chính là người mặc áo the đen đứng ngay sau Bác, bên cạnh Chủ tịch UBND đầu tiên của Hà Nội - Bác sỹ Trần Duy Hưng. Hậu thế chắc chắn sẽ còn nhắc nhớ câu chuyện về nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của Thủ đô cũng như bao liệt nữ khác đã làm rạng danh non sông đất Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.