Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Mang thai hộ và những nỗi lo

Tuệ Diễm| 22/07/2015 05:50

(HNM) - Từ ngày 15-3-2015, Nghị định số 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bắt đầu có hiệu lực.


Những rào cản pháp luật

Người may mắn được làm thủ tục mang thai hộ (MTH) đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh là một cặp vợ chồng Việt kiều Mỹ. Người vợ đã 44 tuổi, sau nhiều lần chữa trị vô sinh tại Mỹ, họ về Việt Nam tìm cơ hội. Thế nhưng, nhiều lần thực hiện phương pháp thụ tinh ống nghiệm (TTÔN) vẫn không thành công, phôi của bệnh nhân đã được bảo quản bằng phương pháp đông lạnh tại Bệnh viện Từ Dũ. Khi luật pháp Việt Nam cho phép mang thai hộ, nữ Việt kiều đã được một người em họ đồng ý mang thai giúp. Theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, sau khi Nghị định 10 của Chính phủ có hiệu lực, bệnh viện đã thiết lập quy trình cụ thể để các bác sĩ tư vấn sàng lọc và tiến hành các thủ tục cần thiết đối với những trường hợp MTH. Khá nhiều trường hợp vô sinh hiếm muộn đến bệnh viện, nhưng mới có một trường hợp đủ điều kiện tiến hành.

Quảng cáo dịch vụ đẻ thuê công khai trên mạng xã hội.


Thế nhưng may mắn không mỉm cười với cặp vợ chồng lớn tuổi này. Sau 2 tuần chuyển phôi, người MTH đã đến khám tại bệnh viện và các bác sĩ tại đây buồn bã thông báo: Không đậu thai. Nữ Việt kiều lặng lẽ trở về nước khi MTH là biện pháp cuối cùng… để chữa hiếm muộn cũng đã thất bại. Theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, nguyên nhân thất bại là do tuổi quá cao. Người mẹ nhờ mang thai đã 44 tuổi, người nhận MTH đã có 2 con và ngoài tuổi 30. Ngoài ra, do thời gian trữ phôi lạnh kéo dài để chờ đợi người MTH đã ảnh hưởng đến không nhỏ đến chất lượng phôi cấy vào tử cung.

Cho đến thời điểm này, việc lập hồ sơ MTH vẫn còn nhiều vấn đề. Cụ thể, quy định người được mang thai phải là họ hàng ba đời cùng với người nhờ MTH - một quy định đưa ra để nhằm hạn chế tình trạng "đẻ thuê". Tuy nhiên, những ràng buộc quá kín kẽ này đã khiến không ít bệnh nhân phải "đỏ mắt" để tìm người nhờ MTH. Một phụ nữ đã chia sẻ trên diễn đàn của những người mẹ hiếm muộn: "Tôi thực sự mệt mỏi vì hy vọng cuối cùng tìm kiếm đứa con chung của vợ chồng vụt tắt. Qua tìm hiểu thì điều kiện được MTH phải là họ hàng thân thích và phải được sự đồng ý từ người chồng của người MTH. Tôi thuyết phục được chị họ mang thai giúp, nhưng chồng chị ấy đã không đồng ý vì sợ bà con, chòm xóm chê cười".

Một phụ nữ đang muốn cầu cứu một người nhận đẻ thuê vì đã nhờ cậy hết bà con nội, ngoại nhưng người thì không đủ điều kiện theo luật quy định, người thì đồng ý nhưng sợ ảnh hưởng đến công việc..., chia sẻ: "Luật quy định, người MTH phải là người đã có con. Chị họ tôi đồng ý mang thai giúp tôi, nhưng sau đó đổi ý vì hiện chị đang có công việc ổn định ở cơ quan nhà nước. Chị đã có 2 con, lần mang thai thứ ba này, sẽ có nhiều ảnh hưởng đến sự nghiệp của chị… vì chị lo sợ mang thai con thứ ba sẽ bị cắt thưởng, thậm chí kỷ luật ...

Theo quy định của pháp luật, khi MTH, người mang thai được tính chế độ thai sản, vậy trường hợp nêu trên có được tính vào trường hợp sinh con thứ ba? Trả lời phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Hồng Hải (Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế - Bộ Tư pháp) cho biết: Người MTH không phải thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình. Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi đã có các điều khoản để giải quyết những rắc rối phát sinh. Đáng chú ý là việc sinh con do MTH không tính vào số con của người MTH. Tuy nhiên, chính sách, nghị định sửa đổi mới ban hành từ năm 2015, người dân chưa kịp nắm bắt, đã trở thành những rào cản cho các cặp vợ chồng cần tìm người MTH.

Nhiều biện pháp để có con

Người phụ nữ đầu tiên được MTH từng nói với báo chí: "Tôi đã làm đến 15 bộ giấy tờ xác minh vì nhiều loại giấy tờ chồng chéo nhau. Ví dụ như, đã có bản cam kết việc đồng ý MTH giữa vợ chồng mình và vợ chồng em trai - người đồng ý mang thai giúp mình. Tuy nhiên, họ yêu cầu thêm một bản cam kết của người chồng xác nhận đồng ý MTH. Tôi cảm thấy văn bản này là thừa. Người dân ở xa lên các trung tâm điều trị sẽ rất hoang mang vì mất quá nhiều thời gian để làm thủ tục, giấy tờ xác nhận...

GS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: "Để kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tình trạng đẻ thuê thì buộc pháp luật Việt Nam phải có quy định nghiêm minh, rõ ràng. Nhưng nếu người chị hay người em nào quá thương người thân của mình, muốn MTH, nhưng chồng không đồng ý thì cũng đành chịu thua...". Quy định này, nhằm giải quyết tranh chấp đứa bé khi chào đời, cũng như tạo tiền đề để xử lý khi phát hiện sai phạm trong các hợp đồng MTH. Tuy nhiên, không ít người lo ngại, với những quy định như vậy, nhiều người sẽ tìm cách "làm chui". Hiện nay, trên nhiều diễn đàn, website đã đăng tải những thông tin công khai về môi giới MTH. Không khó tìm các trang mạng như: "Mang thai hộ", "Dịch vụ mang thai chuyên nghiệp". Các trang này bắt đầu hoạt động từ năm 2014, khi luật pháp Việt Nam thông qua quyết định cho phép thực hiện MTH. Đến tháng 3-2015, văn bản luật chính thức có hiệu lực, thì các trang mạng xã hội hoạt động sôi nổi. Nhiều cá nhân đăng tải thông tin cần tìm người MTH.

Ngoài các trường hợp đặc biệt không thể mang thai theo chỉ định của bác sĩ, theo BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, nhiều người muốn MTH vì mục đích cá nhân. Trong thời gian đầu, mỗi ngày Bệnh viện Từ Dũ nhận được hàng chục cuộc điện thoại nhờ tư vấn làm thủ tục MTH vì không muốn sinh con do sợ ảnh hưởng đến sự phát triển của sự nghiệp, sắc đẹp và nhiều lý do khác. Chính GS Nguyễn Viết Tiến cũng thừa nhận: "Nhu cầu tìm người đẻ thuê ở Việt Nam là có thật, tuy nhiên Việt Nam là nước đi sau, hy vọng sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật để ngăn chặn tình trạng trên". Ông Nguyễn Hồng Hải cho biết: Hiện nay người cố tình vi phạm quy định về MTH có thể chịu mức phạt tù lên tới 7 năm. Đối với bác sĩ điều trị hiếm muộn vi phạm, có thể bị phạt tù và cấm hành nghề trong 5 năm... Với vai trò vừa là người quản lý, vừa là bác sĩ điều trị vô sinh hiếm muộn, GS Nguyễn Viết Tiến có lời khuyên dành cho những người hiếm muộn: "Có nhiều biện pháp để có thể có con như việc xin con nuôi. Chúng ta không nên vì quá khát khao tìm kiếm đứa con chung mà tan nát cả hôn nhân, gia đình và vi phạm pháp luật".

Và một thực tế đau lòng, trong khi hàng nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn, tìm cách chạy chữa để có con, kể cả ra nước ngoài để sinh con thì tại Việt Nam, chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh mỗi năm có hơn 1.000 trẻ em bị bỏ rơi, trong đó gần 50% trẻ bị bỏ rơi ngay sau khi sinh tại bệnh viện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Mang thai hộ và những nỗi lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.