Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Lịch sử không lãng quên

Năng Lực| 01/05/2011 06:45

(HNM) - Bây giờ, những người lính cách mạng tại Trại Davis cách nay gần 40 năm đã ở vào tuổi 60, 70, có người đã ngoại 80 như Thiếu tướng Trưởng đoàn Hoàng Anh Tuấn, Đại tá Vũ Nam Bình…

Trăm công nghìn việc của thời kỳ sau chiến tranh, xây dựng lại đất nước, của cuộc mưu sinh thời bao cấp cuốn họ đi. Không ai trong số họ có dịp trở lại căn trại mang cái tên Mỹ đã gắn bó với họ suốt 823 ngày đêm hào hùng. Cũng rất ít người trong số họ biết được số phận của căn cứ Trại Davis…

Sau ngày Sài Gòn giải phóng, Trại Davis được giao cho Ủy ban Quân quản thành phố quản lý, sau đó thuộc quyền quản lý của Quân chủng Phòng không - Không quân.

Tháng 4-2003, thể theo nguyện vọng của anh em, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Ban Liên hợp Quân sự Trại Davis được thành lập, hằng năm cứ đến ngày 30-4 lại tụ họp ở hai đầu đất nước, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, thăm hỏi nhau đời sống, gia đình, con cái, công việc… nhưng ai cũng đau đáu mong có một ngày về thăm chiến trường xưa. Trại Davis, nơi họ đã thân quen từng ngọn cây, góc nhà, từng con hào chiến đấu họ đào trong những ngày tháng Tư 1975 sôi động, nơi đồng đội họ ngã xuống, nơi họ cống hiến tuổi xuân đẹp nhất của đời người vì lý tưởng Độc lập - Tự do, vì mục tiêu đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Bây giờ Trại Davis ra sao?

Cổng Trại Davis thời Hiệp định Paris năm 1973.


Năm 1994, nhà báo Trần Duy Hinh, phóng viên Trại Davis năm xưa đi làm phim "Mùa Xuân toàn thắng" nhân kỷ niệm 20 năm thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Anh mang giấy giới thiệu của Tổng cục Chính trị đến gặp lãnh đạo đơn vị quản lý sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có Trại Davis. Chỉ huy sở đơn vị chỉ cách Trại Davis vài trăm mét, người chỉ huy đơn vị ngơ ngác: "Trại Davis là cái gì, tôi không biết gì cả, nó ở chỗ nào?".

Tháng 4-2005, kỷ niệm 30 năm Ngày Toàn thắng, Đại tá Đinh Quốc Kỳ cùng nhiều đồng đội một thời Trại Davis có dịp vào sân bay, cùng đi với những người bạn đương chức mới vào được Trại Davis. Cũng trong dịp này, Đại tá Kỳ gặp lại cái bàn gỗ lát mỗi cạnh dài gần 4m, hình vuông, là vật chứng của 125 cuộc họp cấp Trưởng đoàn 4 bên, rồi 2 bên năm nào. Cái bàn ấy hiện ở Văn phòng đơn vị C59B, Cục Hậu cần Cơ quan Bộ Quốc phòng phía Nam. Đại tá Kỳ ngậm ngùi: Gắn liền với cuộc đấu tranh vì hòa bình ở Việt Nam có hai chiếc bàn. Chiếc bàn tròn ở Hội nghị Paris đường kính 8m và chiếc bàn vuông diện tích hơn 10m2 tại Trại Davis. Liệu có ai có ý thức giữ gìn, bảo quản cái bàn vuông không, hay một lúc nào đó nó lại thất lạc?

Kỷ niệm 36 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), 36 năm Ngày kết thúc thắng lợi nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao quân sự của hai đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, sáng 30-4, tại Hà Nội, Ban Liên lạc CCB Ban Liên hợp quân sự "Trại Davis" đã tổ chức giao lưu, gặp mặt truyền thống. Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao đã trao tặng Kỷ niệm chương "về thành tích đóng góp to lớn vào việc thi hành Hiệp định Paris tại Việt Nam" cho 34 CCB.

Khánh Thu

Ngày 31-3-2010, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nghệ sỹ Ưu tú Trần Duy Hinh cùng đồng đội Trại Davis năm xưa vào thăm "trận địa" cũ. Anh kể lại: Vượt qua vọng gác khá nghiêm ngặt của đoàn Không quân quản lý sân bay, chúng tôi vào sát sân bay, phải vất vả lắm mới nhận ra con hào bảo vệ, còn tất cả đã thành bình địa, chia lô. Hỏi mấy người đang cắt cỏ gần đấy xem đây có phải đất của Trại Davis không, họ ngơ ngác, cuối cùng có người reo lên: "Còn cái miếu Davis kia kìa… các chú đến mà xem". Cuối cùng, nhờ cái miếu thờ viên hạ sỹ quân báo Mỹ năm xưa, cái miếu còn nguyên mái hình mui rùa, mà anh em mình mới tin rằng đây là Trại Davis, họ đứng lặng dưới cái nắng xiên khoai để tưởng tượng đâu là dãy nhà A, nhà B, đâu là nhà chỉ huy, phòng họp, sân chơi bóng rổ, sân đậu ô tô… Những người làm cho Trại Davis trở thành một cứ điểm quân sự huyền thoại độc nhất vô nhị trên thế giới còn đây, nhưng Trại Davis đâu rồi?

Một PV Báo Hànộimới năm 2010 đã mầy mò vào được đến Trại Davis, khi về anh có viết một bài về hiện trạng di tích này. Anh cho biết khu vực Trại Davis đã được chia lô, cho thuê làm chỗ đá bóng, chơi tennis, bi-a… Cái miếu thờ hạ sỹ Davis nằm giữa sân tennis.

Cũng từ sau ngày giải phóng, nhất là từ đầu những năm 2000 đến nay, các cựu chiến binh Trại Davis cùng nhiều cơ quan chức năng đã bắt đầu hành trình đề nghị công nhận địa điểm Trại Davis là Di tích lịch sử - cách mạng và đề nghị phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho hai đoàn đại biểu quân sự ta trong thời kỳ đấu tranh thi hành Hiệp định Paris. Năm 2003, Bộ Quốc phòng có công văn gửi UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định: "Trại Davis là chứng cứ lịch sử, ở đó đã chứng kiến quá trình đấu tranh kiên cường của cán bộ, chiến sỹ ta, thể hiện ý chí Việt Nam, tính độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng và hoạt động ngoại giao quân sự của ta trong quá trình đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định Paris". Được biết, đến nay đã có nhiều tổ chức, cá nhân có uy tín hết sức ủng hộ việc công nhận này.

Hy vọng một ngày không xa, ước nguyện của những cựu chiến binh Trại Davis và cũng là đòi hỏi chính đáng của lịch sử sẽ được đáp ứng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Lịch sử không lãng quên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.