(HNM) - Trên thực tế, doanh nghiệp (DN) luôn phải tận dụng mọi cơ hội để làm ăn. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải điều chỉnh, hướng dẫn mọi hoạt động của DN theo khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, nếu loại trừ có tiêu cực thì cách hiểu, áp dụng luật hướng dẫn DN của cơ quan chức năng
Có hay không sự “vô cảm”?
Một nội dung quan trọng trong tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) đối với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương là "không phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết KCN Sóng Thần 3".
Một góc Khu du lịch Đại Nam. |
Để làm rõ vấn đề này, phải trở lại thời điểm năm 2009. Thời điểm này, phát hiện việc chuyển đổi khu đất ở trong KCN sang "đất ở lâu dài" thay vì 50 năm "có vấn đề", dẫn đến việc chủ đầu tư kêu gọi góp vốn, phân lô trái luật, UBND tỉnh Bình Dương vội vàng ra văn bản 2460/UBND-KTTH ngày 24-8-2009 kiểm tra việc thực hiện dự án KCN Sóng Thần 3. Đoàn kiểm tra gồm lãnh đạo Sở Xây dựng, TNMT, Cục Thuế cùng các chuyên viên quản lý xây dựng. Ngay cả thời điểm đó, tại biên bản làm việc với Công ty cổ phần Đại Nam (ngày 25-8-2009) và báo cáo số 2021/BC-SXD ngày 4-9-2009 gửi UBND tỉnh Bình Dương, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn trên đều vẫn khẳng định việc làm của chủ đầu tư là đúng, chỉ thiếu quy hoạch chi tiết 1/500.
Nhưng tại báo cáo 2144 ngày 1-10-2009 gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cũng căn cứ vào kết quả kiểm tra nêu trên được "bổ sung" cuộc họp Ban cán sự ngày 29-9-2009 do Chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ là ông Lê Hoàng Sơn chủ trì, các cơ quan chuyên môn trên đã thay đổi cách áp dụng quy định pháp lý khi cho rằng việc huy động vốn của ông Huỳnh Uy Dũng là trái luật, sang nhượng đất đai trái quy định... Từ văn bản này, tại cuộc họp ngày 1-10-2009, Tỉnh ủy Bình Dương mới đi đến chỉ đạo không cho Công ty cổ phần Đại Nam chuyển nhượng đất.
Tại báo cáo số 132 ngày 30-10-2013 với Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, sau khi bị cấm sang nhượng, Công ty cổ phần Đại Nam liên tục xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết, tách KCN Sóng Thần 3 thành hai dự án trong đó giảm đất công nghiệp, tăng đất đô thị nhằm hợp thức hóa việc diện tích khu ở đã được phân lô bán nền.
Thực tế, tại biên bản làm việc với các sở, ngành ngày 25-8-2009, ông Huỳnh Uy Dũng đề nghị được thực hiện theo quy hoạch, không chuyển đổi thêm một phần đất KCN thành đất ở theo như "gợi hướng". Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã tư vấn cho công ty này làm thủ tục xin UBND tỉnh điều chỉnh KCN Sóng Thần 3 theo phương án tách làm hai: khoảng 400ha làm KCN, hơn 133ha (trong đó có 61ha đã giao sai mục đích) làm khu dân cư đô thị. Bởi sau cuộc họp "chuyên môn" ngày 12-8-2010 các sở, ngành đều thống nhất rằng, "theo quy định" thì UBND tỉnh là cơ quan chịu trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết và thêm nữa chủ trương của tỉnh Bình Dương là "giảm diện tích đất công nghiệp, tăng diện tích đất đô thị - dịch vụ" để phấn đấu xây dựng đô thị loại II. Ngày 12-8-2010, Sở Xây dựng có báo cáo gửi UBND tỉnh, sau 2 năm "nghiên cứu" UBND tỉnh Bình Dương ra thông báo số 41 ngày 16-2-2012 khẳng định thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết của KCN Sóng Thần 3 thuộc Bộ Xây dựng. Lại một quyết định không đúng của Bình Dương, bởi theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, thẩm quyền phê duyệt thuộc UBND tỉnh, nhưng trước khi phê duyệt phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Thanh tra cũng kết luận, UBND tỉnh Bình Dương đã chậm xử lý các thủ tục để xin phép Thủ tướng phê duyệt.
Câu chuyện này khiến người ta đặt câu hỏi có hay không sự "vô cảm" với DN?
Giữ vững môi trường đầu tư
Dẫu cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương có những việc làm chưa đúng như kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng hành vi chuyển nhượng đất trong khu ở hơn 61ha khi chưa có quy hoạch chi tiết và chưa được phép của ông Huỳnh Uy Dũng cũng không thể chấp nhận. Vấn đề này, cơ quan Công an tỉnh Bình Dương hiện đang làm rõ.
Hành động "làm mình làm mẩy" đóng cửa KDL Đại Nam và đổ lỗi do tranh chấp với chính quyền của chủ đầu tư, theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội là không đúng. Nhà nước không tranh chấp với DN, việc đóng cửa DN là quyền của họ, Nhà nước tôn trọng quyền này của DN.
Việc làm của ông Huỳnh Uy Dũng dễ dẫn tới dư luận xấu về môi trường đầu tư của cộng đồng DN tại Bình Dương, dù rằng Công ty cổ phần Đại Nam chỉ là một trong tổng số trên 15.000 DN trong nước đang hoạt động tại đây. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, trong khi 10 tháng năm 2014, Bình Dương vươn lên xếp thứ tư cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài với quy mô vốn đăng ký là 1,36 tỷ USD.
Liên quan việc xử lý sau tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng, kết luận Thanh tra Chính phủ đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương thực hiện việc xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có thiếu sót, vi phạm trong việc phê duyệt quy hoạch 1/2.000 và 1/500; quyết định thời hạn sử dụng đất ở lâu dài và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong KCN Sóng Thần 3 và chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ, xử lý việc phân lô bán nền trong KCN Sóng Thần 3; xem xét, đề xuất xử lý đối với việc tố cáo với nội dung chưa đủ cơ sở theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Việc ra quyết định cho phép đất trong KCN thành "đất ở lâu dài", cấp giấy chứng nhận… có dấu hiệu ban hành văn bản trái pháp luật, gây ra nhiều vấn đề phức tạp. Dư luận đặt dấu hỏi: Với những thiệt hại của DN do quyết định sai được ban hành, do chậm trả lời kiến nghị của nhà đầu tư thì ai phải chịu trách nhiệm? Vì vậy, để bảo đảm khách quan hơn, công bằng hơn, bộ, ngành chức năng cần tổng thanh, kiểm tra xử lý nghiêm minh bất kể cá nhân, tổ chức nào sai phạm, để bảo đảm môi trường đầu tư cũng như sự nghiêm minh của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.