(HNM) - Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song ngành Y tế Hà Nội vẫn hướng tới mục tiêu thực hiện tự chủ tài chính trong các bệnh viện công lập theo đúng kế hoạch...
- Xin ông cho biết việc triển khai chủ trương tự chủ tài chính tại các bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố trong năm nay?
- Đến hết năm 2017, trên địa bàn thành phố đã có 5 bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính, gồm Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Năm nay, thành phố tiếp tục giao cho 29 bệnh viện công lập triển khai tự chủ. Nếu hoàn thành đúng kế hoạch, đúng tiến độ sẽ có 34/41 bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố thực hiện tự chủ tài chính. Chỉ còn lại 7 bệnh viện (Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Bệnh viện 09, Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức và Bệnh viện Phục hồi chức năng) không thực hiện tự chủ do đặc thù điều trị, chữa các bệnh xã hội như: Lao, tâm thần, HIV/AIDS... Thực tế cho thấy, khi thực hiện việc tự chủ, dù rất cố gắng nhưng nhiều bệnh viện gặp không ít khó khăn. Theo quy định, các bệnh viện phải tự chủ được 90% việc chi thường xuyên và nếu áp theo quy định này, hiện chỉ có 8 bệnh viện có thể thực hiện tốt việc tự chủ.
Người dân làm thủ tục nộp tiền khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Thái Hiền |
- Theo ông, đâu là rào cản lớn nhất trong thực hiện tự chủ tài chính ở các bệnh viện công?
- Có 3 vấn đề khó khăn khi các bệnh viện công thực hiện việc tự chủ tài chính. Thứ nhất liên quan đến quyết toán bảo hiểm. Hiện cơ quan bảo hiểm quyết toán theo quý. Mỗi quý, bảo hiểm chỉ tạm ứng 80% tiền chi cho quý đó và phần vượt trần sẽ treo. Đến giờ, cơ quan bảo hiểm còn chưa quyết toán của năm 2016. Phía bảo hiểm không quyết toán kịp thời khiến các bệnh viện không bảo đảm đủ kinh phí để hoạt động, chi lương cho cán bộ, nhân viên. Thứ hai là vấn đề đấu thầu vật tư tiêu hao còn rất chậm. Nếu không đủ vật tư tiêu hao, các bệnh viện rất khó thực hiện tốt nhiệm vụ. Thứ ba là vấn đề nguồn nhân lực. Chúng ta hiện vẫn thực hiện tuyển viên chức qua thi tuyển. Chính vì vậy, dù tự chủ tài chính, các bệnh viện vẫn phải tuân thủ quy định của nhà nước trong việc tuyển dụng nhân lực. Đối với bệnh viện tư nhân, họ sẵn sàng sa thải nhân viên nếu làm việc không tốt hoặc tự tuyển chọn nhân viên phù hợp, song với bệnh viện công lập lại không thể.
- Vậy phải làm cách nào để tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện?
- Đối với vướng mắc về cơ chế, Sở Y tế đã có kế hoạch cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ các bệnh viện công từng bước tự chủ hoàn toàn trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ thống nhất với Sở Tài chính, Sở Nội vụ Hà Nội tìm ra một cơ chế đặc thù để các bệnh viện thực hiện tự chủ một cách hiệu quả. Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện rà soát nguồn thu, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để thu hút người bệnh, đồng thời tăng cường công tác quản lý tài chính, thực hành tiết kiệm, cân đối thu - chi.
Tôi xin khẳng định một lần nữa, việc giao tự chủ cho bệnh viện không có nghĩa là để các bệnh viện “tự bơi”, mà Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để các bệnh viện phát triển phù hợp với cơ chế thị trường. Riêng với những bệnh viện tuyến dưới, những bệnh viện còn khó khăn về nguồn thu, chưa thể tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, Sở Y tế sẽ đề xuất với UBND thành phố cấp bù từ ngân sách cho phần chi thường xuyên thiếu hụt.
- Để có thể tự đứng vững, các bệnh viện phải đáp ứng được những yêu cầu gì, thưa ông?
- Theo tôi, phải bắt đầu từ nội tại của mỗi bệnh viện, cần tập trung kiện toàn nhân lực, trang thiết bị, phát triển chuyên môn, kỹ thuật, thay đổi thái độ phục vụ bệnh nhân để tạo được uy tín, thương hiệu cho mình, từ đó thu hút người dân đến khám, chữa bệnh. Việc tự chủ hoàn toàn tài chính sẽ mang đến lợi ích cho người bệnh. Bởi lẽ, khi các bệnh viện đã tham gia vào “sân chơi”, không tự mình thay đổi chất lượng khám, chữa bệnh, chất lượng phục vụ người bệnh, đồng nghĩa với việc không có bệnh nhân thì không có nguồn thu.
- Khi bệnh viện vận hành theo kiểu “lời ăn, lỗ chịu”, bệnh nhân rất có thể trở thành đối tượng bị “tận thu”, ông nghĩ gì về điều này?
- Khi được giao quyền tự chủ về tài chính sẽ khó tránh trường hợp bệnh viện lấy chi phí từ dịch vụ bù đắp cho các hoạt động và xuất hiện tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế để tăng nguồn thu. Tuy nhiên, việc giao quyền tự chủ cho các bệnh viện công không có nghĩa là bệnh viện muốn làm gì thì làm. Để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh cũng như sự hài hòa lợi ích của bệnh viện, trong thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động của bệnh viện, thực hiện cơ chế kiểm soát chéo giữa người bệnh và bệnh viện, trong đó bao gồm cả các “chiêu thức” thu hút bệnh nhân, việc tuân thủ các phác đồ điều trị, cạnh tranh với nhau... Nếu phát hiện sai phạm, lập tức có chế tài xử phạt nghiêm minh và công tâm để làm sao cùng với việc bệnh viện đòi hỏi người bệnh trả phí cao, người bệnh cũng có quyền yêu cầu ngành Y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và thái độ phục vụ.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.