(HNM) - Năm thứ năm liên tiếp Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN) phối hợp với Bộ Tư lệnh hải quân tổ chức cho đồng bào xa Tổ quốc thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Với 10 ngày hải trình, bà con kiều bào đã đến thăm cán bộ chiến sĩ tại hơn 10 điểm đảo và nhà giàn như đảo Đá Lớn A, B, C; đảo Sinh Tồn, Cô Lin… Mỗi điểm đến đều để lại trong lòng người xa xứ những nỗi niềm, suy ngẫm.
Đoàn đại biểu kiều bào hát Quốc ca trên đảo Sơn Ca. |
Lễ tưởng niệm chất chứa cảm xúc
Tham dự Lễ chào cờ tại đảo Sơn Ca, khi Quốc ca vang lên, các thành viên nghiêm trang, tay phải đặt lên trái tim mình cùng hướng về lá cờ Tổ quốc đang tung bay trên bầu trời xanh lộng gió. Trong giờ phút thiêng liêng đó, mỗi trái tim của người lính đảo, của người xa xứ như hòa cùng nhịp đập với niềm tự hào là con dân Việt Nam. Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa diễn ra trên boong tàu KN 490 được neo tại vị trí đảo Cô Lin, cách không xa đảo Gạc Ma của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép thật sự để lại nhiều xúc cảm.
Nhiều người không cầm được nước mắt khi nghe diễn văn tưởng niệm của Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân. Bài diễn văn khẳng định, những người con nước Việt đang có mặt trên vùng biển đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vùng biển này cách đây 28 năm, vào ngày 14-3-1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu không cân sức và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam vì toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.
Khi đó, để ngăn chặn ý đồ đánh chiếm các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo quê hương là quan trọng nhất, khẩn trương nhất và cũng là nhiệm vụ vinh quang nhất đối với cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân. Trong cuộc chiến đấu không cân sức giữa cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh với lực lượng tàu chiến hùng mạnh của địch đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, thủy thủ các tàu HQ505, HQ604, HQ605 thuộc Lữ đoàn 125; của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146; Lữ đoàn đoàn Công binh 83 hải quân.
Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái trầm giọng xuống khi nhắc tới tấm gương anh dũng hy sinh của anh hùng liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; anh hùng liệt sĩ Đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng tàu HQ604; anh hùng liệt sĩ Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc. Trước lúc hy sinh, Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội "Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng".
Anh hùng, Thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ505 chiến đấu và khi tàu bị thương, nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm... "Hôm nay, giữa biển, trời Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, hướng về hương hỏa của tổ tiên, trước tượng đài anh linh của những cán bộ, chiến sĩ hải quân ưu tú đã ngã xuống, trong niềm tin son sắt về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc anh hùng, với tấm lòng thành kính biết ơn vô hạn, từ trong sâu thẳm của lòng mình, toàn thể đoàn công tác chúng tôi xin nguyện mãi mãi tiếp bước xứng đáng niềm tin và lý tưởng của thế hệ đi trước; quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; xứng đáng với công lao và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ", lời tuyên thệ của Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái cũng là lời nguyện ước của tất cả đồng bào xa Tổ quốc có mặt trong chuyến đi này và những người con mang dòng máu Việt ở khắp năm châu, bốn biển.
Chuyến tàu mang tên đại đoàn kết
Bà Lê Thị Thu Hằng (quyền Vụ trưởng Vụ Văn hóa Thông tin, Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN) cho biết, thành công lớn của chuyến đi lần này là sự gắn kết giữa đồng bào trong nước và ngoài nước, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bà con kiều bào nói với tôi: Sau chuyến đi này sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin để cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như người dân nước sở tại hiểu hơn về sự nghiệp chính nghĩa bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Chuyến đi cũng cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, với việc tạo điều kiện để bà con kiều bào được thăm vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Chia sẻ cảm xúc khi lần đầu tiên ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, bà Lê Thị Thu Hằng nói: "Là một nhà ngoại giao với 20 năm tham gia nhiều hoạt động đấu tranh dư luận, thông tin đối ngoại, nhưng chưa bao giờ tôi có những cảm xúc như chuyến đi này. Tiếp xúc với các chiến sĩ có tuổi đời còn rất trẻ, hy sinh cả tuổi thanh xuân, tình cảm riêng tư, sống chiến đấu ở một nơi xa xôi của Tổ quốc, tôi không kìm được nước mắt và cũng cảm thấy vô cùng tự hào". Đánh giá cao vai trò của hơn 4,5 triệu kiều bào, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Cộng đồng NVNƠNN không chỉ là nguồn lực to lớn về kinh tế, chất xám mà còn góp phần không nhỏ trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hơn 70 kiều bào đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với nhiều thành phần khác nhau như trí thức, sinh viên, chư tăng, nhà báo… nhưng tất cả đều đi trên một con tàu mang tên đại đoàn kết, vì chúng ta có chung tình yêu nước, đặc biệt với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa...
Đêm giao lưu văn nghệ chia tay trên đảo Trường Sa lớn, cán bộ chiến sĩ trên đảo cùng đồng bào xa xứ hát vang những giai điệu hào hùng của đất nước thay cho lời chia tay. Tiếng hát, tiếng sóng biển như hòa cùng nhịp đập con tim. Khoảnh khắc thật đặc biệt khi chương trình diễn ra được 15 phút thì trời đổ mưa rào. Đây là trận mưa đầu tiên trên đảo kể từ đầu năm. Cũng tại đêm giao lưu văn nghệ chia tay này, Ban tổ chức đã trao tặng Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam chiếc xuồng chủ quyền trị giá 3,5 tỷ đồng do kiều bào ở khắp nơi trên thế giới đóng góp.
Tình yêu biển đảo, tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã kết nối trái tim mọi người con đất Việt ở khắp nơi trên thế giới, tạo thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Chia tay cán bộ chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, bà con kiều bào chúc các anh chân cứng đá mềm, tiếp tục vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.