(HNM) - Muốn thành công trong đào tạo đỉnh cao thì cần phải có sự đầu tư dài hơi cho các VĐV trẻ. Trên thực tế, nếu khéo vận dụng các nguồn lực xã hội, Thể thao Việt Nam (TTVN) hoàn toàn có thể khắc phục khó khăn về kinh phí để có được những lứa VĐV đủ trình độ tiếp cận đỉnh cao.
Tối đa hóa nguồn lực
Có một thực tế là nhiều liên đoàn, hiệp hội thể thao còn quá yếu kém, không thể gánh vác nhiệm vụ chia sẻ nguồn kinh phí đào tạo với Nhà nước. Nhưng cũng không thể vin vào lý do TTVN "thiếu đủ thứ" mà cho rằng việc thường xuyên thi đấu không thành công ở ASIAD hay Olympic là lẽ đương nhiên.
VĐV môn đấu kiếm tập luyện tại Trung tâm VĐV cấp cao Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm |
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam khẳng định: "Sự đầu tư của Nhà nước ta cho sự nghiệp phát triển TDTT không hề nhỏ. Đừng chỉ chăm chăm nhìn vào gói kinh phí ngân sách cấp cho Tổng cục TDTT để đánh giá là ít hay nhiều. Mà phải xem Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quân đội, Công an, Hải Phòng, Cần Thơ… chi bao nhiêu cho thể thao. Nếu cộng tất cả các nguồn ấy, biết khéo vận dụng thì hoàn toàn có thể dành nguồn kinh phí thích đáng để đầu tư cho đào tạo trẻ một cách bài bản, đến nơi đến chốn".
Đầu tư dàn trải thì "núi" cũng lở, câu hỏi đặt ra là phải làm thế nào để kết hợp tối đa các nguồn giữa trung ương và địa phương trong đào tạo VĐV trẻ? Cần phải có cơ chế bảo đảm sự hài hòa về lợi ích, khuyến khích địa phương chấp nhận đầu tư dài hạn, bài bản cho các VĐV trẻ, chứ không chạy theo thành tích trước mắt, "an phận" với những tấm huy chương trong nước. Mới đây, đã có sự thay đổi trong Điều lệ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014. Điều 10 của bản điều lệ này quy định:
1. BTC cộng thêm HCV ưu tiên vào bảng tổng sắp huy chương đối với các địa phương, ngành có VĐV đạt thành tích cao tại các đại hội thể thao quốc tế trong giai đoạn 2013-2014, cụ thể như sau: HCV ASIAD 2014 được cộng 3 HCV đại hội; HCB ASIAD 2014: 2 HCV đại hội; HCĐ ASIAD 2014 hoặc HCV SEA Games 2013: 1 HCV đại hội. 2. Đối với nội dung thi đấu đồng đội hay môn tập thể đạt huy chương tại ASIAD 2014 hoặc HCV SEA Games 2013, BTC cộng thêm HCV ưu tiên cho mỗi VĐV của các đơn vị có VĐV tham gia đội tuyển đạt thành tích. 3. BTC sẽ căn cứ vào số huy chương vàng, bạc, đồng đạt được của các địa phương, ngành sau khi đã cộng thêm huy chương ưu tiên để xếp hạng toàn đoàn. Đoàn xếp hạng cao nhất là đoàn có số lượng HCV nhiều nhất.
Sự "liên thông" nói trên thực sự là một "cú hích", khích lệ các địa phương, ngành chung tay cùng Tổng cục TDTT đào tạo VĐV trẻ hướng tới đỉnh cao quốc tế, gắn chặt lợi ích của địa phương, ngành với lợi ích quốc gia. Nghĩa là các địa phương, ngành sẽ không ngại gửi tài năng của mình lên tuyển, thậm chí sẵn sàng cùng bộ môn chi trả để VĐV của mình được tập huấn ở những trung tâm thể thao hiện đại, được theo học chuyên gia giỏi thực sự, bảo đảm phát huy tối đa khả năng của VĐV.
"Tiền lúc nào cũng thiếu, quan trọng là tiêu thế nào!"
Chiến lược gia Hoàng Vĩnh Giang kể lại: Những năm 90 của thế kỷ trước, TTVN "ngơ ngác" trong quá trình bắt đầu hội nhập thể thao khu vực và quốc tế. Thế nhưng, Hà Nội đã đi tiên phong trong việc đầu tư trọng điểm cho các VĐV trẻ, với "sợi chỉ đỏ" là Chỉ thị 28/CT-TU của Thành ủy Hà Nội, trong đó khẳng định: Hà Nội phải dành phần kinh phí thích đáng để đầu tư cho VĐV, thuê chuyên gia giỏi, đưa đi tập huấn quốc tế dài hạn ở những trung tâm hiện đại, tạo điều kiện cho các VĐV trẻ được cọ xát trong cả quá trình tập huấn và thi đấu để rèn bản lĩnh, hướng tới đăng cai SEA Games. Kết quả của chính sách ấy là chiến tích vang dội của TTVN ở SEA Games 22-2003, TTVN giành ngôi nhất toàn đoàn với 155 HCV, trong đó riêng Hà Nội đã góp 88 HCV - chỉ thua 2 HCV so với tổng số HCV của đoàn Thái Lan xếp thứ hai (90 HCV). Từ đó đến nay, TTVN luôn vững vàng ở vị trí nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực. Hơn thế, có nhiều tên tuổi thuộc lứa VĐV được đào tạo ở giai đoạn ấy đã và đang tiếp tục giúp TTVN ghi danh trên bảng vàng thế giới, mà những Phạm Phước Hưng, Nguyễn Hà Thanh, Phan Thị Hà Thanh… của môn thể dục dụng cụ là một ví dụ tiêu biểu.
"Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng kinh phí hồi đó cũng không hẳn là nhiều đâu. Tiền lúc nào cũng thiếu, quan trọng là tiêu như thế nào. Tương tự, nhân tài lúc nào cũng có, quan trọng là làm thế nào để tài năng phát lộ, khi đã phát hiện thì phải nuôi dưỡng thế nào. Đó là những câu hỏi mà người làm nghề luôn phải đau đáu tìm câu trả lời".
Vậy các nhà quản lý và chuyên môn cần làm gì để duy trì lực lượng, vì sự phát triển bền vững và luôn vươn tới đỉnh cao của TTVN? Ông Giang cho biết: "Hôm nay, so với khi đăng cai SEA Games, xuất phát điểm của TTVN cao hơn nhiều, nhiệm vụ tại ASIAD 18 - Hà Nội - 2019 đương nhiên phải lớn hơn. Quan trọng là người làm nghề biết lựa chọn, khu trú các môn phù hợp với người Việt Nam và có khả năng chinh phục đỉnh cao ASIAD, Olympic. Bên cạnh đó, cần tận dụng chất xám cũng như các mối quan hệ quốc tế để tìm được những chuyên gia giỏi thực sự, nếu kinh phí cao quá thì vận động các địa phương cùng đóng góp".
Quả thực, muốn thành công trước tiên phải có thầy giỏi, nhưng cũng đừng quên phương châm "học thày không tày học bạn". Phải bố trí tập huấn ở những nơi có đủ "quân xanh" để các VĐV được cọ xát, "học khôn". Đặc biệt, quan trọng nhất là không được phá vỡ quá trình đào tạo một cách hệ thống, nhằm mục tiêu "xây nhà từ móng" cho tử tế. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành, ngành đã chọn lựa và đề xuất đầu tư trọng điểm cho hơn 100 VĐV trẻ trong đề án chuẩn bị lực lượng cho ASIAD 18-2019. Khi đề án này được duyệt, nếu các nhà quản lý và chuyên môn thực sự làm việc công tâm, đồng thời, biết khéo kết hợp với các địa phương và ngành vì mục tiêu chung, chúng ta có thể tin tưởng một kết quả khả quan của TTVN ở ASIAD 18 - Hà Nội 2019, và xa hơn là một tương lai phát triển bền vững cho TTVN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.