Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Hóa giải vấn đề mấu chốt

Minh Thúy - Thu Hằng| 28/04/2023 06:31

(HNM) - Thực tế, mạng lưới tổng thể về xử lý chất thải rắn xây dựng hiện nay trên địa bàn Hà Nội chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện, trong đó nổi lên là thiếu hệ thống hạ tầng xử lý, tái chế và có hiện tượng chưa quyết liệt trong công tác quản lý nhà nước. Hóa giải những vấn đề mang tính mấu chốt này là “chìa khóa” trong việc tháo các “nút thắt” và bịt kẽ hở đang tồn tại bấy lâu...

Hệ thống tái chế chất thải rắn xây dựng bằng phương pháp nghiền tại phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai).

Siết chặt công tác quản lý nhà nước

Hiện nay, chế tài xử lý vi phạm về đổ chất thải xây dựng được cho là chưa đủ sức răn đe; chỉ những dự án lớn mới được giám sát chặt việc phá dỡ, vận chuyển và đổ thải; công trình nhỏ lẻ của hộ gia đình ít được quan tâm. “Có một khoảng trống đang tồn tại là việc nhiều hộ phá dỡ công trình xong rồi mới xin cấp phép xây dựng, trong khi cơ quan chức năng chỉ quản lý sau cấp phép”, cán bộ địa chính - xây dựng UBND phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai) Nguyễn Hoàng Kiên nêu thực tế.

Trong khi đó, theo đánh giá tại thời điểm cuối năm 2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thành phố thiếu ít nhất 3-5 vị trí xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng (công suất 500-1.000 tấn/ngày). Với tình thế cấp bách hiện nay, các sở, ngành, chính quyền các cấp cần khẩn trương phân đoạn, phân kỳ trong công tác đầu tư cho các điểm xử lý, tái chế chất thải xây dựng... Đồng thời, phải quyết liệt hơn trong công tác quản lý chất thải xây dựng...

Trước thực tế nêu trên, một số địa phương của thành phố đã thể hiện quyết tâm trong quy hoạch cũng như siết chặt hơn nữa công tác quản lý chất thải xây dựng. Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, lãnh đạo quận đã trực tiếp kiểm tra, yêu cầu các phường phải tự vận chuyển chất thải đến đúng nơi quy định. Nếu tiếp tục để phát sinh, cá nhân cán bộ phụ trách địa bàn phải tự bỏ kinh phí để xử lý... Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, hiện nay, khi xây dựng quy hoạch vùng, huyện dự kiến bố trí tối thiểu 2 điểm tập kết chất thải xây dựng ở phía Tây và Đông của huyện.

Vấn đề mấu chốt là tái chế chất thải

Là đơn vị được UBND thành phố Hà Nội giao thực hiện Đề án thí điểm “Trạm trung chuyển tạm thời và hệ thống tái chế chất thải rắn xây dựng bằng phương pháp nghiền” tại phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai), Giám đốc Công ty cổ phần Xử lý chất thải xây dựng và đầu tư phát triển môi trường Hà Nội Đặng Tiến Thành thông tin, từ năm 2018 đến 2022, công ty đã tiếp nhận và phân loại được 119.890,22m3 chất thải rắn xây dựng. Sau khi phân loại, xử lý, chất thải rắn xây dựng có thể tái sử dụng làm vật liệu đổ bê tông, san nền cho công trình hạ tầng giao thông (phần hè)... “Nếu áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong tái chế sẽ giúp giảm lượng lớn chất thải phải chôn lấp”, ông Đặng Tiến Thành nhận định.

Nhìn nhận việc phân loại, tái chế chất thải rắn xây dựng dưới lăng kính “kinh tế tuần hoàn”, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, Hà Nội nên tạo điều kiện để doanh nghiệp trong lĩnh vực này được thuê đất ổn định, lâu dài; có cơ chế để các công trình xây dựng sử dụng nguyên liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm từ công nghệ tái chế...

Hiện nay, Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 25-4-2014) đang được đưa vào quy hoạch chung của thành phố; trong đó sẽ xem xét điều chỉnh về vị trí, công nghệ... cho phù hợp với thực tiễn. Phần việc này đang được Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội triển khai.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái khẳng định, giải pháp cấp bách từ nay đến năm 2025 được Sở đề xuất là rà soát, lựa chọn triển khai các dự án thuận lợi về mặt bằng, có công nghệ hiện đại và thực hiện được ngay; đồng thời cho phép sử dụng các thùng đào, hố đấu để đưa chất thải rắn vào san lấp, hoàn nguyên mặt bằng…

Bổ sung thêm giải pháp, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định: UBND các quận, huyện, thị xã phải quản lý chặt khối lượng chất thải rắn xây dựng theo phân cấp quản lý của UBND thành phố tại Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 16-5-2017 về tăng cường quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Còn với các dự án chậm triển khai, Sở Xây dựng đề xuất thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tiếp tục đôn đốc tiến độ, thực hiện giám sát đầu tư những dự án xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương; kiên quyết đề xuất thu hồi nếu nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện.

Tập trung gỡ các “nút thắt” trong quy hoạch, quản lý chất thải xây dựng, hóa giải những “điểm nghẽn” trong đầu tư dự án lĩnh vực này sẽ góp phần tạo dựng diện mạo Thủ đô văn minh, sạch đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Hóa giải vấn đề mấu chốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.