Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Điều chỉnh lại không gian đô thị

Ngọc Hải – Đức Trường| 24/02/2012 06:45

(HNM) - Các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp lập lại trật tự, kỷ cương đô thị. Song theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, cùng với các giải pháp mang tính tình thế, vấn đề này phải có lộ trình và cần được nghiên cứu một cách bài bản, kỹ lưỡng.

Nhận diện hệ thống giao thông tĩnh

Sáng 23-2, nhiều điểm nút giao thông trên các trục hướng tâm đều rơi vào cảnh ùn tắc. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó việc thiếu quan tâm hoặc là quan tâm chưa đúng mức đến hệ thống giao thông tĩnh. Hiện nay, hệ thống giao thông tĩnh của Hà Nội, nhất là trong khu vực nội thành đang thiếu một cách trầm trọng. Thậm chí không chỉ giao thông tĩnh mà giao thông cơ học cũng quá chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô.

Nhiều người nhốn nháo tìm chỗ đỗ xe trước cổng Bệnh viện Phụ sản trung ương.

Theo kết quả kiểm tra các điểm trông giữ xe trên địa bàn được Ban chỉ đạo 197 của thành phố thực hiện hồi cuối năm 2011, tại 10 quận nội thành có 1.016 điểm trông giữ phương tiện, chỉ có 620 điểm được cấp phép. Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra thực tế tại 271 điểm, cơ quan chức năng phát hiện tới 232 điểm trông giữ xe vi phạm, chiếm tới 86%. Lỗi vi phạm thì nhiều, nhưng thống kê cho thấy, hầu hết các điểm trông giữ xe này lấn chiếm lòng, hè đường. Một số cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện… đã tận dụng khuôn viên làm nơi trông giữ xe. Điển hình là điểm trông giữ xe trong khuôn viên nhà văn hóa Khương Đình, quận Thanh Xuân được Ban Chủ nhiệm nhà văn hóa tổ chức. Tính về lưu lượng, hằng ngày có khoảng 70-80 xe ô tô gửi qua đêm, chưa tính hàng trăm lượt ô tô, xe máy/ngày. Rồi như điểm trông giữ xe ô tô ngày và đêm tại ngã ba Bưởi - Hoàng Quốc Việt phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy của Công ty Việt Thanh quản lý chiếm dụng tới 120m vỉa hè và gần 760m lòng đường…

Có cung thì ắt có cầu, bà Nguyễn Hoài Hương, Giám đốc Công ty DAILIMEXCO.SJC cho rằng, những người trông giữ xe cũng giống như các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Cứ có đầu ra, có lãi là họ làm, trong khi đó vốn đầu tư lại không lớn. Bằng chứng là hầu hết các điểm trông giữ xe đều chật chỗ. Thậm chí, theo quy định về việc đăng ký ô tô, chủ sở hữu phải chứng minh được chỗ để xe nên nhiều người phải chạy đôn chạy đáo, thậm chí mất thêm rất nhiều tiền để có một bản hợp đồng trông giữ xe mới có thể làm thủ tục đăng ký xe. Theo ông Doãn Minh Tâm, Viện Nghiên cứu khoa học công nghệ giao thông vận tải, hiện nay thành phố có khoảng 400.000 ô tô. Để có đủ chỗ đỗ cho lượng ô tô này, phải cần đến 4 triệu mét vuông giao thông tĩnh. Đó là chưa kể đến hàng triệu chiếc xe máy. Và với nhu cầu giao thông tĩnh này, thành phố hiện có bao nhiêu? Đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu của người dân?

So sánh xa hơn, ông Tâm cho rằng, với việc rút giấy phép của các điểm trông giữ xe, thành phố sẽ mất đi bao nhiêu tiền từ thuế, người dân sẽ mất bao nhiêu tiền do phải gửi xe chui, gửi xe không đúng giá quy định, bà con tiểu thương mất đi bao nhiêu tiền do khó khăn trong kinh doanh, buôn bán?. Ông Tâm khuyến nghị, đúng là vỉa hè, lòng đường phải thông thoáng, nhất là Hà Nội. Song, cần phải có đề án cũng như có sự tham gia, tính toán của các nhà khoa học trên cơ sở khảo sát, phân tích, thống kê và cân nhắc lợi ích của số đông. Trước mắt, vấn đề của Hà Nội cũng như của TP Hồ Chí Minh là ở khâu tổ chức giao thông chứ không hẳn ở việc hạn chế các điểm trông giữ xe. Ngoài ra, ông Tâm cũng cho rằng khi thực hiện những quyết sách lớn, các cơ quan chức năng nên tham khảo ý kiến các nhà khoa học với tính phản biện xã hội cao để có ý kiến có tham mưu tốt hơn.

Cần chiến lược tổng thể

Chiều 22-2, trong cuộc họp liên ngành giữa Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Công an thành phố với 9 quận có các tuyến phố thực hiện lệnh cấm này, chính ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT đã phải thừa nhận nhu cầu đỗ xe là nhu cầu chính đáng của người dân. Ngay tại cuộc họp, ông Hùng đã nêu ý kiến tận dụng những diện tích còn trống trên các tuyến phố không cấm, các phố ngang, trong ngõ xóm để hình thành các điểm trông giữ xe nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Liệu đây đã phải là giải pháp tốt nhất để tháo gỡ tình trạng ùn tắc ở Thủ đô một cách triệt để và lâu dài?

Ông Nguyễn Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT, KTS trưởng TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội, cho rằng thiếu hệ thống giao thông tĩnh một phần do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành trong quản lý, cấp phép thành lập doanh nghiệp, mở cửa hàng… Khi một cá nhân hay đơn vị đăng ký kinh doanh, cơ quan chủ quản hay chuyên ngành chỉ biết cấp phép mà không xem xét việc kinh doanh, hoạt động của công ty, cơ sở kinh doanh đó có tác động đến đô thị hay không. 30-40% dân phố cổ làm nghề buôn bán. Họ được phép mở cửa hàng, cho thuê cửa hàng với giá từ vài chục đến vài trăm triệu một tháng nhưng lại không có trách nhiệm lo chỗ để xe cho chính họ và khách đến giao dịch. Và thực tế kinh doanh khiến đa số buộc phải vi phạm, điều này được thể hiện khi đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra điểm kinh doanh tại nhiều tuyến phố. Cụ thể tại điểm trông giữ phương tiện của nhà hàng Linh Chi, đường Nguyễn Tuân đã chiếm dụng hơn 440m hè phố; điểm trông giữ xe của nhà hàng Cường Hói, đường Nguyễn Phong Sắc chiếm dụng gần 300m hè phố và 70m lòng đường…

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội chính là do khi xây dựng các quy hoạch: sử dụng đất, đô thị, giao thông vận tải, người ta mới chỉ quan tâm đến những mảng, miếng lớn mà chưa chú ý đến một góc nhỏ là quy hoạch giao thông tĩnh. TS. Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, kiêm Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế về Đào tạo và Nghiên cứu (thuộc Đại học GTVT) nhận định, có nhiều nhà cao tầng mới được xây dựng trong vùng lõi mà người ta không quan tâm đến khả năng lưu thoát phương tiện cơ giới xung quanh tòa nhà. Thực trạng thiếu điểm đỗ, điểm trông giữ xe cũng là một biểu hiện của việc không gian các phân khu chức năng chưa hợp lý. Bất kỳ một tòa nhà cao tầng nào dù là cơ quan, nhà ở hay là trung tâm thương mại đều phải để dành chỗ cho nhiều hạng mục như cây xanh, chiếu sáng, trường học… trong đó không thể thiếu điểm đỗ, điểm trông giữ xe.

TS. Khuất Việt Hùng khẳng định, nếu muốn thành công trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay, Hà Nội cần có chiến lược tổng thể về quản lý giao thông vận tải đô thị. Để giải quyết vấn đề giao thông tĩnh, Hà Nội nên điều chỉnh hoạt động sử dụng đất đô thị ở khu vực đô thị lõi và trên các trục giao thông chính thành phố.

Cùng với tính toán, cân nhắc cẩn thận diện tích sử dụng đất cho giao thông tĩnh, Hà Nội vẫn phải tiếp tục nâng cao năng lực, giải pháp quản lý, tổ chức giao thông như phân luồng, phân làn, tổ chức tín hiệu… Còn như để đáp ứng nhu cầu đỗ xe, gửi xe chính đáng của người dân mà ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT, đề xuất giải pháp cho phép những điểm gửi xe ở những tuyến phố ngang, những tuyến phố còn không gian thì chỉ mang tính cấp bách tạm thời. Một quả bóng, nếu bóp chỗ này sẽ phình chỗ khác và như vậy không thể giải quyết triệt để vấn đề giao thông đô thị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Điều chỉnh lại không gian đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.