(HNM) - Theo các chuyên gia, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng nghìn hộ dân mà còn tác động không nhỏ đến sản lượng lúa gạo trong thời gian tới. Để người dân ở vựa lúa lớn nhất cả nước không lâm vào cảnh thiếu đói, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.
Những cánh đồng bạc trắng ở Đồng bằng sông Cửu Long. |
Những cánh đồng chết
Trong một chuyến vào vùng lõi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn - mặn tại các tỉnh ĐBSCL, chúng tôi cảm nhận được bầu không khí nặng trĩu đang bao trùm cuộc sống của người dân. Tại ấp An Thuận, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri (Bến Tre), tiếp chúng tôi trong căn nhà lá xập xệ, bà Dương Thị Cất cho biết, ruộng nhà bà đã mất trắng, hàng chục triệu đồng đầu tư, trong khi đây là phần vốn liếng gia đình phải đi vay mượn mới có.
"Lúa chết thế này gia đình tui sẽ nghèo 3 năm", bà Cất chia sẻ. Theo bà Cất, sở dĩ nghèo 3 năm là bởi lúa chết sẽ ảnh hưởng cả nghề chính (trồng lúa) và nghề phụ (nuôi bò). "Lúa chết thì không có vốn để đầu tư cho đàn bò, rơm cũng không có cho bò ăn", bà Cất lý giải. Từ Ba Tri, chúng tôi vòng qua Bình Đại. Trước mắt chúng tôi là những "cánh đồng chết", những cánh đồng thẳng cánh cò bay nhưng thưa vắng bóng người.
Tại huyện Trà Cú, huyện bị thiệt hại lớn nhất của tỉnh Trà Vinh, đứng bên ruộng lúa đang bắt đầu cháy lá ngay bên ngôi nhà tranh thuộc ấp Cà Tóc, xã Hàm Giang, bà Thạch Thị Riềng (dân tộc Khmer) cho biết, gia đình đã phải đầu tư công sức, tiền của rất lớn cho ruộng lúa đang trong thời kỳ ngậm sữa này. Kinh phí đầu tư có phần không nhỏ từ vay mượn để đến cuối vụ thu hoạch mới hoàn trả. Nếu mất trắng, hay thiệt hại một phần, chắc chắn gia đình sẽ mang nợ và phần nợ này kéo dài đến những vụ mùa sau. Ruộng lúa của bà Riềng vẫn còn hy vọng vớt vát chút đỉnh, còn hơn 1,8ha lúa của bà Huỳnh Thị Rớt (chỉ cách đó một con kênh) đã chết rụi hoàn toàn, trơ lại những vạt đất khô trắng, nứt nẻ.
Từ ấp Cà Tóc, đi một đoạn khá xa, băng tắt ngang những cánh đồng khô khốc, chúng tôi đến ấp Trà Tro. Ông Dương Văn Minh thấy có bóng người vội bước từ trong nhà ra hỏi có phải cán bộ tỉnh về khảo sát tình hình hạn - mặn tại địa phương hay không? Khi biết chúng tôi là phóng viên, ông Minh vội vàng bảo: "Mong các anh phản ánh đúng thực tế hiện nay để các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ bà con". Ông Minh nhẩm tính, chi phí thực tế mà gia đình phải bỏ ra để đầu tư cho một héc ta gồm: 1 triệu đồng chi phí giống, 3 triệu đồng chi phí phân bón, 1,5 triệu đồng chi phí thuốc bảo vệ thực vật, tiền cày xới 800.000 đồng, kinh phí bơm nước phục vụ hạn hán lên tới 1,5 triệu đồng. Như vậy, một héc ta người nông dân phải bỏ ra gần 8 triệu đồng.
Vào cuộc cứu vựa lúa
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương, trong các tháng đầu năm 2016, tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về khu vực ĐBSCL có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20% đến 40% nên mực nước các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn, sớm hơn, sâu hơn so cùng kỳ năm trước và trung bình nhiều năm. Độ mặn dự báo sẽ tiếp tục tăng cao và kéo dài cho đến đầu tháng 5-2016. Việc thiếu hụt nguồn nước và sự xâm nhập mặn đang và sẽ tiếp tục tàn phá hàng trăm nghìn héc ta lúa của vùng ĐBSCL, không những gây thiệt hại nặng nề trong mùa vụ này mà còn có nguy cơ không thể tái sản xuất trong nhiều năm tới.
Tiếp tục hỗ trợ 523,7 tỷ đồng cho 34 địa phương Thủ tướng Chính phủ vừa tiếp tục hỗ trợ 523,7 tỷ đồng cho 34 địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ đông xuân năm 2015 - 2016. Trước đó, tháng 2-2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định hỗ trợ 85,1 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 cho 6 tỉnh. |
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), từ hiện trạng sản xuất vụ đông xuân 2015 - 2016 và dự báo thời tiết, thiên tai còn diễn biến phức tạp, để hạn chế tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại ĐBSCL, các địa phương cần tập trung bố trí thời vụ sản xuất, thời gian xuống giống của các vụ lúa thật hợp lý, né tránh hạn - mặn, tập trung, nhanh, gọn. Cụ thể, để phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và sắp xếp thời vụ sản xuất lúa, vụ hè thu cần tập trung vào cuối tháng 4, đầu tháng 5-2016.
Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước, kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa. Về cơ cấu giống lúa, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương hướng dẫn bà con ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, chú ý diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn. Đối với 8 tỉnh ven biển, chỉ nên đưa vào sản xuất các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.
Nhằm bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất lúa tại ĐBSCL, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã làm việc với Hội đồng Hệ thống thủy lợi liên tỉnh như Hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp, Tứ Giác Long Xuyên, Dầu Tiếng - Phước Hòa để đánh giá kết quả và thống nhất kế hoạch vận hành phục vụ sản xuất. Hiện nhiều địa phương ở ĐBSCL đang theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, nguồn nước để chủ động lấy nước tưới phù hợp với thực tế sản xuất.
Các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu đang huy động mọi nguồn lực tập trung tu sửa hệ thống cống, củng cố bờ bao, nâng cấp công trình, nạo vét cửa sông, kênh dẫn nhằm tăng cường năng lực điều tiết nước. Vận hành hệ thống cống hợp lý để tiếp nước ngọt liên tục từ thượng nguồn đổ về. Nhiều địa phương còn sử dụng các máy bơm dã chiến để bơm nước, đắp nhiều đập tạm để giữ nước, ngăn mặn, tận dụng tối đa nguồn nước ngọt từ hệ thống sông rạch trên địa bàn. Tổng cục Thủy lợi cho biết, đã thống nhất với các địa phương, tham mưu Bộ NN&PTNT, trình Chính phủ hỗ trợ kinh phí phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cho các địa phương với kinh phí 623,8 tỷ đồng, trong đó ĐBSCL là 168,9 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối - nhà khoa học có nhiều năm công tác tại Viện Lúa ĐBSCL cho biết, mùa vụ hè thu 2016 sắp tới, các địa phương nên chọn các giống lúa thích nghi với mặn để giảm thiệt hại. Theo TS Lê Văn Bảnh, hiện ở ĐBSCL có cả chục giống lúa chịu được độ mặn tới 4‰. Trung bình, thời gian lúa cho thu hoạch là 90 - 100 ngày, nếu thay gieo sạ như trước bằng hình thức cấy lúa, sẽ giảm được 10 - 15 ngày canh tác. "Giảm thời gian cây lúa cho thu hoạch bao nhiêu cũng đồng nghĩa với giảm thiệt hại cho cây lúa bấy nhiêu", TS Lê Văn Bảnh khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.