(HNM) - Hà Nội hiện có 5.128 Ban Công tác Mặt trận (CTMT). Đội ngũ cán bộ Ban CTMT đã được kiện toàn đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, vẫn khó tránh khỏi còn có cán bộ Ban CTMT hoạt động cầm chừng, thiếu sự chủ động. Một trong những yếu tố tác động là do chế độ đãi ngộ còn bất cập,
Một thực tế tồn tại từ lâu, gây nhiều băn khoăn cho cán bộ Ban CTMT và dư luận, đó là với nhiệm vụ tới hơn 20 đầu việc, nhưng chế độ, chính sách đãi ngộ từ vật chất cho đến điều kiện làm việc của cán bộ Ban CTMT chưa được quan tâm tương xứng. Nhiều ý kiến cho rằng, khối lượng công việc cũng như đòi hỏi về kinh nghiệm, trình độ của một trưởng ban CTMT ngang một tổ trưởng tổ dân phố, nhưng mức bồi dưỡng còn chênh lệch. Cụ thể, mức phụ cấp cho một Trưởng ban CTMT (chưa có quy định mức chung thống nhất) là từ 300 đến 500 nghìn đồng/tháng. Trong khi cán bộ tổ dân phố được UBND thành phố quy định thống nhất tính theo hệ số lương cơ bản với tổ dân phố loại 1 có hệ số 1,0…
Ngoài thu nhập hạn chế, điều kiện làm việc của Ban CTMT cũng còn nhiều khó khăn, như: không có địa điểm làm việc cố định, các cuộc họp của ban khi thì tổ chức ở nhà dân, lúc thì ở nhà sinh hoạt cộng đồng... Ban CTMT cũng không được cung cấp trang thiết bị, công cụ làm việc, nên các văn bản giấy tờ chương trình kế hoạch công tác khi xây dựng xong, đa phần cán bộ Ban CTMT phải... nhờ con cháu giúp hoặc bỏ tiền túi đi thuê đánh máy.
Một vấn đề nữa gây khó khăn trong hoạt động của Ban CTMT cơ sở là các văn bản quy định về nhiệm vụ của ban chung chung, khó thực hiện, thiếu tính khả thi. Cụ thể như, về quy định chức năng giám sát phản biện xã hội, cán bộ Ban CTMT ở nơi nào được cấp ủy, chính quyền coi trọng thì được mời tham gia đầy đủ các cuộc họp, nắm bắt chương trình kế hoạch công tác của địa phương để phổ biến, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Ngược lại, nhiều nơi cán bộ Ban CTMT không được mời đến dự họp hoặc khi có dự án triển khai trên địa bàn, cán bộ Ban CTMT (theo quy định có chức năng giám sát cộng đồng, phản biện xã hội) nhưng không được nghiên cứu bản thiết kế, cũng như quy mô dự án, nên không có căn cứ để so sánh, phát hiện vi phạm nếu đơn vị làm sai... Hơn thế, nhiều khi cán bộ Ban CTMT tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân gửi cơ quan chức năng, nhưng chậm giải quyết hoặc giải quyết không dứt điểm, thậm chí bị chìm vào quên lãng. Việc này ảnh hưởng lớn đến uy tín của Mặt trận nói chung, cán bộ Ban CTMT nói riêng.
Cần có cơ chế, chính sách phù hợp
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Lê Thị Kim Oanh thẳng thắn cho rằng: Những bất cập nêu trên là nguyên nhân khiến một số cán bộ Ban CTMT ỷ lại vào cấp ủy, chính quyền, chưa nỗ lực thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Bản thân họ muốn giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân cũng không được vì chỉ có chức năng kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết…
Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động Ban CTMT, Ủy ban MTTQ các cấp cần tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ thông qua việc tăng cường tập huấn nghiệp vụ. Cán bộ Ban CTMT là người trực tiếp tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và các phong trào, cuộc vận động ở địa bàn dân cư nên cần có kiến thức, kỹ năng lựa chọn nội dung để tổng hợp khái quát xây dựng thành chương trình cụ thể, phù hợp với nhiệm vụ, yêu cầu phát triển ở địa phương. Đồng thời, cán bộ Mặt trận cần có đủ nhiệt huyết, sẵn sàng dành mọi điều kiện, thời gian đi sâu nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, có biện pháp tuyên truyền, động viên bà con thực hiện. Do vậy, thành phố cần sớm quan tâm tăng phụ cấp và giải quyết những nội dung MTTQ kiến nghị để thúc đẩy hoạt động của các Ban CTMT hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế cụ thể về phối hợp giữa các trưởng đoàn thể ở địa phương với Ban CTMT để tránh chồng chéo nhiệm vụ, trách nhiệm, khó quy tụ nguồn lực trong nhân dân…
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Ba Vì Phan Thị Hoa kiến nghị, thành phố sớm điều chỉnh, ban hành cơ chế, chính sách đối với cán bộ Ban CTMT để giải quyết bất cập với số ít trường hợp một chi bộ có nhiều Ban CTMT, trong khi đó trợ cấp chỉ dành cho một Ban CTMT/chi bộ. Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) Nguyễn Thị Hải Yến thì cho rằng, trong khi chờ cơ chế chính sách, để bảo đảm hiệu quả hoạt động của các Ban CTMT, Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn thường xuyên quan tâm động viên, hướng dẫn cán bộ Ban CTMT trong mọi nhiệm vụ, đồng thời lấy hiệu quả làm thước đo. Từ đó, giúp cấp ủy, chính quyền đánh giá đúng vai trò của cán bộ Mặt trận trong mọi công việc; thường xuyên đối thoại trực tiếp, mời cán bộ Ban CTMT tham gia họp bàn các việc tại địa bàn, lắng nghe ý kiến, giải quyết kịp thời các việc của dân do Mặt trận đề xuất…
Trong xu thế phát triển hiện nay, vị trí, vai trò Ban CTMT ngày càng được đề cao. Cùng với đó là nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ Mặt trận thôn, làng, bản, tổ dân phố ngày càng tăng lên. Để hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu mới, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của mỗi cán bộ Mặt trận rất cần sự quan tâm, tạo cơ chế và chính sách đãi ngộ phù hợp. Đây là điều cần sớm được các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh… để Ban CTMT và những cán bộ làm công tác Mặt trận hoàn thành tốt vai trò "cầu nối" cấp ủy, chính quyền với nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.