(HNM) - Không chỉ có những mảnh ao làng mà còn nhiều hồ lớn - không gian mặt nước gắn với đời sống cư dân làm nên những nét văn hóa của mỗi vùng quê. Ngoài chức năng tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn nước sinh hoạt, cắt lũ rừng ngang…, hồ ngoại thành Hà Nội còn giàu tiềm năng
Nhiều hồ, đập đang... khát
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km, hồ Quan Sơn là một điểm du lịch cuối tuần lý tưởng. Hồ rộng khoảng 850ha nằm trên địa bàn của 5 xã thuộc huyện Mỹ Đức. Phong cảnh hồ Quan Sơn đẹp bởi sự pha trộn giữa những ngọn núi đá vôi lừng lững với mặt nước mênh mang những thảm thực vật phong phú, đặc biệt là rất nhiều hoa sen. Những ngày cuối tháng bảy, xuôi thuyền tận hưởng thiên nhiên, thưởng lãm cảnh sắc thơ mộng, chắc hẳn sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị.
Hồ Quan Sơn là một điểm du lịch lý tưởng. |
Không chỉ là điểm đến hấp dẫn du khách, hệ thống liên hồ Quan Sơn - Vĩnh An - Tuy Lai còn có nhiệm vụ tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngăn lũ rừng ngang từ phía tỉnh Hòa Bình đổ về. Đặc biệt, khi nước sông Đáy ngày càng bị ô nhiễm, mực nước ngầm ngày càng xuống thấp, tình trạng sụt lún diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn… thì hệ thống hồ kể trên còn là nguồn nước quan trọng cho các công trình cấp nước sạch phục vụ nhân dân huyện Mỹ Đức… Tuy nhiên, theo Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức Vũ Văn Chuyên, các công trình phụ cận được xây dựng năm 1960 đến nay có nhiều hạng mục bị hư hỏng xuống cấp, cần cải tạo, sửa chữa (đập chính, tràn xả lũ, cống lấy nước…). Kinh phí dành cho công việc này dự kiến khoảng 120 tỷ đồng, một con số không nhỏ.
Ngược Mỹ Đức, lên vùng núi cao Ba Vì, nơi có hồ Suối Hai đã đi vào huyền thoại. Trạm phó Trạm Quản lý công trình đầu mối hồ Suối Hai (Công ty TNHH MTV Thủy lợi sông Tích) Nguyễn Huy Hùng cho biết: Hồ rộng gần 1.000ha, chứa khoảng 47 triệu mét khối nước. Ngoài chức năng chống lũ cho hạ du, tạo cảnh quan, môi trường phục vụ du lịch, kết hợp nuôi trồng thủy sản, hồ còn làm nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho gần 3.900ha diện tích đất canh tác của 10 xã thuộc địa bàn huyện Ba Vì. Vào những năm ít mưa, hồ Suối Hai còn tiếp nước cho sông Tích để phục vụ sản xuất nông nghiệp tại một số xã của huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai… Tuy nhiên, cũng giống như hồ Quan Sơn, nhiều hạng mục của hồ Suối Hai đang bị hư hỏng, xuống cấp, cần phải cải tạo, sửa chữa (đập chính, tràn xả lũ, kênh dẫn sau tràn, cống lấy nước…) với kinh phí dự kiến khoảng 75 tỷ đồng. Bên cạnh những tác động khách quan, hiện nay hồ Suối Hai còn bị xâm hại bởi chính những người dân nơi đây. Trong đó hơn 100 vụ vi phạm lòng hồ xảy ra từ nhiều năm trước vẫn chưa được huyện Ba Vì xử lý triệt để. Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn hồ, đập mà còn làm giảm dung tích nước chứa trong hồ. Ngoài ra, do ý thức bảo vệ môi trường hạn chế nên vẫn còn tình trạng người dân xả chất thải sinh hoạt, sản xuất khiến nước hồ bị ô nhiễm...
Theo Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội) trên địa bàn thành phố hiện có 95 hồ thủy lợi vừa và nhỏ, với tổng dung tích khoảng 180 triệu mét khối; trong đó có 6 hồ dung tích trên 5 triệu mét khối. Phần lớn các hồ thủy lợi ở Hà Nội được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Sau nhiều năm khai thác sử dụng, các hạng mục như đập đất, tràn, cống lấy nước bị xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng, thu hẹp… ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực tích nước phục vụ sản xuất và an toàn công trình… Qua kiểm tra hiện trạng, Hà Nội hiện có 23 hồ thủy lợi bị hư hỏng, trong đó 7 hồ có hiện tượng thấm, 6 hồ có hiện tượng sạt trượt. Để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của hệ thống hồ, đập, trước hết cần phải có giải pháp hữu hiệu hơn giải tỏa "cơn khát" kinh phí nhằm duy tu, cải tạo các hạng mục đã xuống cấp cũng như bảo vệ môi trường nước.
Và khai thác tiềm năng du lịch
Tiềm năng là vậy, tuy nhiên, hàng chục năm qua do nhiều nguyên nhân hồ ngoại thành vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Tìm hiểu việc khai thác các hồ chứa trên địa bàn thành phố như Đồng Mô - Ngải Sơn (Sơn Tây), Hồ Miễu, Văn Sơn, Đồng Sương (Chương Mỹ), Đồng Quan, Đền Sóc, Kèo Cà, Ban Tiện, Đồng Dò (Sóc Sơn)… chúng tôi được biết, các “chủ hồ” vẫn tận dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản dù sản lượng và lợi nhuận thấp. Hồ Đồng Mô - Ngải Sơn hướng đến phát triển du lịch, bước đầu thu được kết quả khả quan, nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng… Theo ông Cao Xuân Trường, Giám đốc Xí nghiệp Thủy sản và Dịch vụ du lịch hồ Suối Hai, chưa đưa diện tích mặt hồ thủy lợi vào khai thác du lịch là bởi lượng sinh thủy mấy năm trở lại đây rất thấp, hơn nữa doanh nghiệp cần ưu tiên cho cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt. Mặt khác, theo quy định của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi, phần đất trong hành lang bảo vệ của các hồ chứa là nơi nghiêm cấm xây dựng các công trình kiến trúc. Thế nhưng, có một thực tế là, hiện nay, phần diện tích này đã và đang bị chiếm dụng, sử dụng không đúng mục đích.
Tương tự, đối với hồ Quan Sơn, mặc dù được đánh giá là “Hạ Long trên cạn” nhưng lượng khách đến nơi đây không nhiều. Thừa nhận thực tế này, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho rằng: Mỹ Đức chưa khai thác tốt tiềm năng của hệ thống hồ Quan Sơn - Vĩnh An - Tuy Lai gắn với hệ thống công trình văn hóa, di tích lịch sử và lễ hội… Ngoài cung cấp thuyền chở du khách dạo hồ và một số món ăn, các dịch vụ khác gần như chưa phát triển. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần đề nghị các cấp, các ngành hỗ trợ cho địa phương thực hiện giải pháp công trình và phi công trình nhằm khai thác các hồ chứa thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, phát triển loại hình “kinh tế xanh”… Các huyện Chương Mỹ, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây cũng đã đưa hồ thủy lợi vào quy hoạch khai thác phát triển du lịch. Thành phố cũng đang xem xét, lựa chọn các tiêu chí để bảo đảm đáp ứng yêu cầu khai thác tiềm năng phát triển du lịch lòng hồ, song tuyệt đối không để ảnh hưởng tới độ bền vững, an toàn hồ đập và môi trường…
Xác định vai trò quan trọng của các công trình thủy lợi, Bộ NN&PTNT và TP Hà Nội đã dành hàng trăm tỷ đồng đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình này. Trong đó có dự án cải tạo, sửa chữa hồ chứa Văn Sơn với tổng mức đầu tư hơn 78 tỷ đồng; hồ Suối Hai là gần 74 tỷ đồng… Sở NN&PTNT đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 27 hồ, đập nhỏ với tổng kinh phí khoảng 940 tỷ đồng… Hằng năm, Sở NN&PTNT đã tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn hồ, đập và chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố… Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Vĩnh Liên cho biết, quan trọng nhất hiện nay là các địa phương cần xử lý vi phạm tồn đọng, không để phát sinh, chống tái phạm nhằm bảo đảm an toàn công trình hồ đập và chất lượng nguồn nước trong hồ… Bên cạnh đó, cần đánh thức tiềm năng hồ thủy lợi phát triển kinh tế du lịch để hồ Hà Nội được khai thác hiệu quả giúp những hộ dân sống gần hồ phát triển dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để nâng cao thu nhập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.