(HNMO) - Mỗi người dân Việt Nam khi tới thăm Đất Mũi không chỉ được chạm tay vào cột mốc tọa độ quốc gia đánh dấu chủ quyền, mà còn được chiêm ngưỡng Cột cờ Hà Nội sừng sững, uy nghiêm ở cực Nam Tổ quốc. Sự hiện diện của Cột cờ Hà Nội trên mảnh đất này tựa như “sợi chỉ đỏ” kết nối và tô thắm thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội với nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Cà Mau và miền Nam ruột thịt nói riêng.
Gìn giữ biểu tượng của Thủ đô và cả nước
Nằm trong khuôn viên Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau là món quà do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trao tặng cho Cà Mau từ năm 2019. Con đường dẫn vào Cột cờ Hà Nội uốn lượn quanh khu rừng đước vài trăm tuổi. Đến gần, chiêm ngưỡng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau uy nghiêm, sừng sững, chúng tôi thấy vô cùng thân thuộc. Có lẽ là bởi công trình này được thiết kế mô phỏng kiến trúc Cột cờ Hà Nội, xây kiên cố, hiện đại, có khả năng chống chịu gió bão và xâm thực của nước biển.
Đưa chúng tôi tham quan một vòng, Thượng tá Lê Hoàng Phúc, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đất Mũi (Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau) giới thiệu: “Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau được khởi công ngày 16-1-2016 và khánh thành 10-12-2019 tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Công trình này mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử, có ý nghĩa thiêng liêng khẳng định chủ quyền dân tộc, sự gắn bó giữa nhân dân Thủ đô với đồng bào cực Nam Tổ quốc. Đây là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam nói chung và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau nói riêng”.
Cột cờ nằm trên khu vực có tổng diện tích hơn 16.000 m2 và cao 45 mét, nên từ những tầng cao, ta có thể trải tầm mắt ngắm toàn bộ cảnh quan tại rừng ngặp mặn Cà Mau, biển Đông rộng lớn… Bước vào bên trong, Cột cờ được trưng bày với 2 chủ đề chính: Đất Mũi - Cà Mau quá trình hình thành và phát triển; giới thiệu các di sản văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội.
“Chúng tôi rất vui mừng khi Cột cờ Hà Nội được xây dựng ở Cà Mau để bà con miền Nam, đặc biệt bà con Đồng bằng sông Cửu Long biết được dáng vẻ Cột cờ Hà Nội như thế nào. Cột cờ ở Hà Nội như một chứng nhân lịch sử kháng chiến cách mạng. Và điều thật đặc biệt, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972, Cột cờ ở Hà Nội vẫn đứng vững, uy nghiêm. Chính vì vậy, Đồn biên phòng Đất Mũi ngoài việc bảo vệ, giữ gìn an ninh biên giới, còn có nhiệm vụ tổ chức các buổi chào cờ chủ quyền ở Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau; phối hợp với Ban Quản lý Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau hướng dẫn bà con tham quan, tìm hiểu. Với những cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đất Mũi chúng tôi, đó vừa là niềm vinh dự, đồng thời cũng là trọng trách thiêng liêng. Chúng tôi còn có riêng một Tổ công tác quản lý Cột cờ Hà Nội, gồm 4 cán bộ, chiến sĩ”, Thượng tá Lê Hoàng Phúc chia sẻ thêm.
Tổ công tác mà Thượng tá Lê Hoàng Phúc nhắc đến do Trung úy Mai Văn Rinh, trinh sát viên Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm của Đồn biên phòng Đất Mũi làm tổ trưởng. Chia sẻ về công việc hằng ngày, Trung úy Rinh nói: “Được Ban chỉ huy đồn tin tưởng, tôi được giao vị trí Tổ trưởng Tổ công tác quản lý Cột cờ Hà Nội từ cuối năm 2022. Tổ công tác hằng ngày có nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tuần tra, canh gác khu vực Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau”.
Ngoài ra, Tổ công tác còn có nhiệm vụ đặc biệt là bảo vệ, bảo đảm lá cờ Tổ quốc rộng 54 m2, biểu tượng của khối đại đoàn kết 54 dân tộc anh em luôn nguyên vẹn, tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội.
“Đã từng học ở Hà Nội 4 năm, nên tôi có thời gian tìm hiểu về Cột cờ ở Hà Nội. Đối với tôi, Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau cũng rất thiêng liêng và có ý nghĩa lớn lao. Mỗi lần đi tuần tra Cột cờ, tôi thấy trong lòng rất vui và tự hào”, Trung úy Mai Văn Rinh bày tỏ.
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau là biểu tượng thiêng liêng về tình đoàn kết của nhân dân hai miền Nam - Bắc, đồng thời khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Chúng tôi ngước lên bầu trời xanh thắm, nhìn lá cờ phần phật tung bay đầy kiêu hãnh trên đỉnh cột cờ. Từ một nơi rất xa Thủ đô, nơi chót cùng của đất nước ở phương Nam, chúng tôi nhớ về một Hà Nội linh thiêng, hào hoa…
Tự hào Lá cờ số 77
“Sức gió trên đỉnh Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau rất mạnh khiến cờ dễ hư hỏng, do vậy, cứ khoảng vài tuần, cờ lại được thay mới. Những lá cờ cũ được giữ lại làm quà tặng cho những đoàn khách đặc biệt đặt chân đến đây”, Trung úy Mai Văn Rinh chia sẻ. Thật may mắn với những đoàn khách nào nhận được lá cờ Tổ quốc, bởi đây là món quà mang ý nghĩa thiêng liêng đối với bất cứ người con đất Việt nào. Và đoàn công tác Hội Nhà báo thành phố Hà Nội cũng đã có vinh dự và may mắn đó.
Dưới chân cột cờ sừng sững, uy nghiêm, thay mặt cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đất Mũi, Thượng tá Lê Hoàng Phúc nghiêm trang chào theo điều lệnh và trao lá cờ số 77 tặng Đoàn cán bộ, nhà báo thành phố Hà Nội. Lá cờ đã được treo trên Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau ngày 20-4-2023, hạ cờ ngày 15-5-2023. Trong tấm thiệp gửi tặng kèm lá cờ có những dòng sau: "“Đảng và Nhà nước trao cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng niềm vinh dự là lực lượng nòng cốt chuyên trách giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đất Mũi xin hứa luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, để lá cờ đỏ thắm luôn kiêu hãnh tung bay tại Đất Mũi Cà Mau, nơi cực Nam của Tổ quốc" - Đồn trưởng, Thiếu tá Đinh Hoàng Thân".
Những người làm báo Thủ đô đã đón nhận kỷ vật là lá cờ bạc màu nắng gió nơi cực Nam Tổ quốc. Trong phút giây ấy, chúng tôi đã chuyền tay nhau ôm lá cờ vào lòng, mới cảm nhận được rõ, lá cờ là hiện thân gần gũi nhất của quê hương. Giữa mây trời lồng lộng, không ai bảo ai, tất cả đều lặng lẽ đặt tay trên ngực, nơi trái tim, và hát vang bài Quốc ca. Những lời ca hào sảng cất lên, cùng ngắm cờ đỏ sao vàng, ai cũng dâng trào niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt.
Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Tô Quang Phán thay mặt đoàn, tiếp nhận lá Quốc kỳ, xúc động nói: “Đoàn công tác chúng tôi đại diện cho gần 1.000 hội viên các cơ quan báo chí Hà Nội rất xúc động đón nhận lá cờ Tổ quốc được treo trên Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, do Đồn biên phòng Đất Mũi trao. Cuộc sống bộn bề, nghề báo đi nhiều, nhưng có những phút giây thiêng liêng mà chúng ta không thể nào quên. Đứng dưới Cột cờ Hà Nội tại đất Mũi, nghiêm cẩn hướng lên lá cờ Tổ quốc tung bay, với tôi, đó là những phút giây thiêng liêng với hai tiếng “Tổ quốc”. Thủ đô luôn trong mỗi trái tim người dân cả nước và cả nước luôn hướng về Thủ đô”.
Cũng đúng như nhà báo trẻ Phạm Thu Hằng (Báo Phụ nữ Thủ đô) cảm nhận: “Niềm tự hào và điều đáng nhớ nhất của Đoàn công tác là được đến tham quan cột Cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau và đón nhận lá cờ số 77 từ cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đất Mũi”. Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Hà Nội Kiều Thanh Hùng cho biết: “Lá cờ Tổ quốc sau khi đón nhận sẽ được trưng bày tại Phòng truyền thống Hội Nhà báo thành phố Hà Nội”.
Chia tay Cà Mau, tạm biệt cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng, những người con kiên trung của Tổ quốc, chúng tôi quay về Thủ đô, trong lòng vẫn nhớ mãi về khoảnh khắc đón nhận và giương cao lá cờ đỏ sao vàng dưới cái nắng rực lửa. Mũi Cà Mau sẽ mãi luôn trong trái tim của những người làm báo Hà Nội chúng tôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.